Trước lạ sau quen

TP - Tân hoa hậu Hà Trúc Linh là đại diện đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của tỉnh Phú Yên đăng quang Hoa hậu Việt Nam. Vì chỉ còn vài ngày nữa, tên gọi tỉnh Phú Yên không còn.
Công chức của tỉnh Phú Yên thì lại nằm trong số những người vất vả nhất trong để thích nghi với công cuộc sáp nhập. Vì trụ sở làm việc mới của họ sẽ ở thành phố Buôn Ma Thuột. Mà khoảng cách giữa Tuy Hòa và Buôn Ma Thuột vô địch về… xa trong các tỉnh thành được sáp nhập: 188km. Để di chuyển từ nhà đến nơi làm việc, họ mất ít nhất 4 tiếng.
Kể cả trong tình hình giao thông tốt, họ cũng sẽ phải dành khá nhiều thời gian cho việc đi lại. Chưa kể thời gian dành cho bản thân, gia đình cũng bị lẹm vào. Nhiều người chọn giải pháp thuê (khi chưa mua được) nhà gần cơ quan mới.
Báo chí phản ánh, hàng trăm công chức tỉnh Kon Tum sẽ về thành phố Quảng Ngãi làm việc. Công chức từ phó giám đốc Sở trở lên được bố trí nhà công vụ. Còn lại ước chừng 1.100 người sẽ được hỗ trợ 2 triệu/tháng trong 2 năm đầu.
Nhưng để có được nhà trọ tươm tất cách nơi làm việc 5-10km, công chức Kon Tum cũ phải trả 3,5-4,5 triệu/tháng. Tương lai nếu các trụ sở (nhất là cấp huyện) dôi dư được biến đổi thành nhà công vụ, sự căng thẳng của công chức “di cư” sẽ được giảm bớt chăng?!
Như vậy trước mắt chúng ta sẽ được thấy cán cân kinh tế sẽ nghiêng về tỉnh lỵ mới. Kiểu như người dân thành phố Quảng Ngãi sẽ có thu nhập bình quân cao hơn Kon Tum chẳng hạn… Cơ mà cũng tùy, chẳng hạn tôi nếu có nhu cầu du lịch biển thì chắc chắn tôi sẽ chọn Tuy Hòa chứ không phải Buôn Ma Thuột. Mỗi địa phương sẽ vẫn sẽ tiếp tục phát huy những tiềm năng riêng. Việc sáp nhập thậm chí sẽ đảm bảo một nền tảng quản lý hành chính tốt hơn - biến tiềm lực thành… động lực một cách hiệu quả.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chính sách Công, ĐH Fulbright Việt Nam) phân tích: “Về mặt kinh tế, sáp nhập tỉnh có thể tạo ra những vùng kinh tế quy mô lớn hơn, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển. Một số tỉnh nhỏ, kinh tế kém phát triển có thể được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của các tỉnh mạnh hơn, thụ hưởng nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại và các nguồn vốn đầu tư dồi dào”.
Theo ông Tuấn thì một tỉnh có diện tích lớn hơn, dân số đông hơn sẽ trở thành trung tâm kinh tế quan trọng, từ đó sẽ dễ dàng thu hút các nhà đầu tư hơn do có thị trường rộng lớn và nguồn nhân lực dồi dào hơn. Như vậy chủ trương sáp nhập sẽ ghép các tỉnh ít tiềm năng, kém phát triển hơn lại với nhau để có thể cạnh tranh công bằng với các tỉnh vốn đã giàu mạnh. Và khi các tỉnh phát triển đồng đều có nghĩa là cả nước phát triển. Tạm hiểu như vậy.
Sáp nhập lúc ban đầu chắc chắn gây nhiều xáo trộn. Sẽ không tránh khỏi có những gia đình cuối tuần mới được đoàn tụ vì bố/mẹ là công chức tạm thời phải đi làm xa. Nhưng thiết nghĩ cũng là một cái giá chấp nhận được để phát triển.