Tôi ước được nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần

Sáng thứ bảy phải chạy lên công ty, ngồi làm đến giờ ăn trưa là lại chạy về nhà. Ở công ty tôi, dù đã chia ca trực linh hoạt, nhiều người vẫn cố gắng "xi nhan" xin đổi ca để có được một cuối tuần trọn vẹn.
Họ làm vậy chỉ để về quê thăm bố mẹ, đưa con đi chơi công viên, lái xe đưa gia đình đi Vũng Tàu, Phan Thiết. Hoặc đơn giản là ngủ một giấc không báo thức. Đó là những nhu cầu tưởng chừng rất bình thường, nhưng với nhiều người lao động, muốn có được phải tìm cách lách.
Trên thực tế, chuẩn mực lao động hiện đại không đo bằng số giờ ngồi tại văn phòng, mà đo bằng hiệu quả tạo ra trong giới hạn 40 giờ mỗi tuần.
Làm đủ, nghỉ đủ không chỉ là quyền lợi, mà còn là nền tảng giúp nền kinh tế có đà tăng trưởng hơn. Một người được nghỉ hai ngày cuối tuần sẽ có thời gian tiêu dùng, đi du lịch, tham gia các hoạt động dịch vụ như ăn uống, mua sắm, giải trí...
Những hành vi tiêu dùng đó quay trở lại kích thích sản xuất, tạo việc làm và tăng trưởng. Năm 2023, ngành dịch vụ chiếm tới 42,54% GDP và gần 40% tổng lao động, một con số biết nói cho thấy sức nặng của chi tiêu cá nhân đối với nền kinh tế.
Vậy tại sao vẫn còn nhiều doanh nghiệp khăng khăng bắt nhân viên đi làm sáng thứ Bảy, dù năng suất thực tế có thể không cải thiện bao nhiêu? Có thể là vì tâm lý "có mặt mới là làm việc", hoặc vì văn hóa quản lý chưa kịp cập nhật.
Trên thực tế, đúng là không thể áp dụng một cách máy móc quy chuẩn làm việc 5 ngày - nghỉ 2 ngày cho tất cả các ngành nghề. Một số lĩnh vực đặc thù như y tế, giao thông, truyền thông, an ninh, dịch vụ công cộng... bắt buộc phải duy trì hoạt động liên tục, không ngắt quãng.
Tuy nhiên, chính vì tính chất đặc thù đó mà càng cần có cơ chế linh hoạt, hợp lý để đảm bảo người lao động trong các ngành này vẫn được nghỉ ngơi đúng mức, có thời gian phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần..
Một giải pháp hiệu quả là áp dụng mô hình luân phiên: dồn ca trực theo từng cụm ngày để tạo ra những khoảng nghỉ liền mạch thay vì chia nhỏ. Ví dụ, một nhân viên trực liên tục cả tuần, sau đó được nghỉ liền 2-3 ngày, vừa giúp đảm bảo vận hành thông suốt, vừa không khiến người lao động rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài do bị ngắt quãng nghỉ ngơi.
Kèm theo đó, doanh nghiệp và tổ chức cần xây dựng chế độ đãi ngộ tương xứng, công khai thời gian nghỉ bù, phụ cấp ca trực hoặc chế độ luân chuyển công bằng để bảo vệ quyền lợi người làm việc trong môi trường đặc biệt.
Việc sắp xếp ca kíp không chỉ là chuyện nội bộ doanh nghiệp, mà còn là yếu tố thể hiện sự văn minh trong tổ chức lao động và năng lực quản trị con người của một quốc gia hiện đại.
Làm việc chăm chỉ là điều đáng quý, nhưng nếu không được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và giữ cân bằng cuộc sống, thì cả người lao động và nền kinh tế đều sẽ trả giá bằng sự kiệt sức và kém sáng tạo.
Trần Hoàng Tâm