Áo dài Việt Nam ở Nhà Quốc hội Hungary

Khoảnh khắc mặc áo dài VN, bước lên bậc cầu thang để vào Phòng thượng viện Nhà Quốc hội Hungary, chị Hoàng Thị Kim Oanh, 38 tuổi, hướng dẫn viên du lịch tại các bảo tàng tại Paris (Pháp), rất xúc động.
KHẲNG ĐỊNH BẢN SẮC VIỆT NAM
Được trở thành đại biểu tham dự Diễn đàn "Định vị giá trị Việt ở nước ngoài trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo (AI)" do Diễn đàn Phụ nữ VN tại châu Âu tổ chức (ngày 15.6.2025), mặc tà áo dài quê hương, bước vào một trong những nhà Quốc hội đẹp nhất châu Âu, với chị Kim Oanh và hơn 300 đại biểu đang sinh sống, làm việc từ 18 quốc gia châu Âu và VN sẽ là một kỷ niệm đẹp trong đời.
Tại sự kiện, các đại biểu nữ đều mặc những tà áo dài thướt tha, ghi lại những hình ảnh đẹp tại sảnh và bên trong tòa nhà là biểu tượng của thủ đô Budapest (Hungary) bên dòng Danube. Các đại biểu tới từ Đức, CH Czech, chủ nhà Hungary… còn cùng nhau may những bộ áo dài cùng màu sắc, họa tiết. Với mọi người, đây là một dịp lý tưởng để trình diễn áo dài trên đất nước bạn, chia sẻ những hình ảnh đẹp trên mạng xã hội để mọi người cùng thấy được vẻ đẹp của văn hóa VN.
Chị Kim Oanh chia sẻ với PV Thanh Niên: "Tôi định cư ở Pháp hơn 10 năm, khi tới đây rất mừng vì được gặp gỡ chị em phụ nữ giỏi, được nghe câu chuyện về họ - những người luôn sáng tạo, nỗ lực và luôn luôn hướng về quê hương. Tới đây được nghe tiếng nói VN, trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt, mọi người xa lạ cũng hóa thân quen".
ĐỊNH VỊ GIÁ TRỊ VIỆT TRONG KỶ NGUYÊN AI
Hoạt động phụ nữ Việt lan tỏa vẻ đẹp của tà áo dài giữa châu Âu là một trong những hoạt động bên lề của diễn đàn nói trên. Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ VN tại châu Âu, cho biết trong bối cảnh cuộc cách mạng số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, VN cũng đang có những chuyển đổi thiết thực về phát triển công nghệ. Đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là phụ nữ - những người vừa có trách nhiệm xã hội, vừa giữ gìn bản sắc Việt và hội nhập với nước ngoài - thì việc thích nghi với sự phát triển công nghệ là điều không thể chậm trễ.
Điều này được ông Bùi Lê Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Hungary, công nhận. Ông Thái nói rằng trong bối cảnh AI từng ngày thay đổi thế giới, người VN ở nước ngoài càng cần khẳng định bản sắc riêng của mình, từ ngôn ngữ, văn hóa, để hội nhập phát triển với xu thế, nhưng không quên đi nguồn cội, văn hóa dân tộc.
Tại Phòng thượng viện Nhà Quốc hội Hungary, mỗi phụ nữ VN, ở mỗi cương vị, chia sẻ những kinh nghiệm mà họ đã và đang sáng tạo, thích ứng trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Bà Nguyễn Khánh Ly, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội phụ nữ VN tại Đức, cho biết phụ nữ VN sinh sống, làm việc rải rác tại nhiều bang, nhiều thành phố của nước Đức. Trong thời đại số, kết nối trực tuyến, làm việc từ xa hiệu quả giúp lan tỏa thông tin nhanh chóng, hiệu quả; từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng sống và hội nhập xã hội cho phụ nữ Việt.
Bà Hoàng Thúy Nga, Phó chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ VN tại châu Âu, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại CH Czech, cho biết trong kỷ nguyên số, nhiều công việc truyền thống bị thay thế hoặc biến đổi nhờ công nghệ. Do đó, thay vì chỉ giới hạn mình trong những công việc quen thuộc như buôn bán nhỏ, nhà hàng, nhiều phụ nữ VN đã thử sức với các công việc từ xa như kinh doanh trực tuyến, quảng cáo các dịch vụ qua các nền tảng mạng xã hội…
Bà Thúy Nga cho rằng việc giữ gìn bản sắc và định vị giá trị Việt ở nước ngoài trong kỷ nguyên mới chắc chắn không chỉ giới hạn trong việc người phụ nữ giúp các con, cháu mình giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống dân tộc trong gia đình và cộng đồng. Việc định vị giá trị này còn ở việc làm cách nào khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ VN với bạn bè quốc tế.
Việc Diễn đàn Phụ nữ VN tại châu Âu trở thành thành viên chính thức của Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu ngày 18.12.2023 là minh chứng cho điều đó. Và đặc biệt, việc Diễn đàn Phụ nữ VN tại châu Âu lần thứ hai được Quốc hội Hungary cho phép tổ chức sự kiện tại Nhà Quốc hội, có sự tham gia, phát biểu chào mừng từ Phó chủ tịch Quốc hội Hungary Márta Mátrai, đã khẳng định ảnh hưởng rộng rãi và uy tín của diễn đàn và của phụ nữ VN ở châu Âu.
Bà Márta Mátrai khẳng định người Việt đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Hungary bằng tài năng, sự cần mẫn, chăm chỉ. Trong đó, phụ nữ Việt, có thể là những giáo sư, bác sĩ, giáo viên hay nhà nghiên cứu…, vừa đóng góp vào mọi mặt đời sống xã hội tại sở tại, vừa là những người mẹ, người vợ giữ lửa truyền thống dân tộc trong gia đình.
Trong chuyến công tác tới Hungary mới đây, chúng tôi đã được gặp gỡ, chứng kiến những người phụ nữ VN giỏi cả về trọng trách xã hội và vai trò gia đình, như bà Márta Mátrai mô tả. Đó là những chị em qua xứ người, vượt qua khó khăn ban đầu đã đứng vững trên đôi chân của mình, mở nhà hàng, quán ăn bán món Việt ở Hungary. Trong đó, có chị Trang cùng với chồng mình là chủ nhân quán Phở ST chuyên về các món phở và các món ăn châu Á. Quán mở hơn 2 năm, rất được thực khách yêu thích tại Budapest.
Đó là bà Phan Bích Thiện, sinh ra ở Hà Nội, du học tại Nga, lập nghiệp tại Hungary, hiện là Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ VN tại châu Âu. Là chủ sở hữu khách sạn Lâu đài Fried tại Hungary, đồng thời là Giám đốc thị trường VN của một tập đoàn tại Hungary, bà Thiện 2 lần được tạp chí uy tín của Hungary Những phụ nữ thành đạt bình chọn là gương mặt phụ nữ tiêu biểu của tháng.
Đó là chị Nguyễn Nguyễn Linh Phương, người phụ nữ Việt nhỏ bé làm công việc buôn bán tại Hungary, cùng với chồng là anh Lê Thái (giáo viên dạy toán), đã nuôi dạy hai con gái nên người. Con gái lớn của anh chị hiện là bác sĩ tại Hungary, còn bạn nhỏ đang là sinh viên đại học ngành luật… Đi đâu, các bạn trẻ cũng tự hào nói rằng cha mẹ mình là người Việt, mình sinh ra, lớn lên ở Hungary, quê hương mình là Hungary và VN…