Khát vọng trầm hương của 'nhà sư Thị Kính': Rừng dó bầu nơi cửa Phật

Chùa Thanh Tâm (xã Đồng Phú, Đồng Nai) có sư thầy Phạm Minh Tâm chết danh 'nhà sư Thị Kính' vì nuôi một hài nhi bị bỏ rơi và bị hiểu lầm 15 năm trước, nay bỗng nhộn nhịp thương nhân vào ra bàn chuyện phát triển nghề trầm hương...
Trước thời điểm sáp nhập vào Đồng Nai, Chi cục Kiểm lâm Bình Phước đã hoàn tất thủ tục cấp "mã số cơ sở trồng" cho 3 vùng trồng dó bầu (hay còn gọi là rừng trầm hương - PV) quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, mà người đại diện là một nhà sư sinh năm 1972.
Đó là vùng trồng có diện tích 5,61 ha (tại ấp Dên Dên và ấp Tân An, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú), vùng trồng 2,89 ha tại thôn 5 và thôn 6, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng; và đặc biệt là vùng trồng hơn 2 ha tại địa chỉ tổ 37 ấp Chợ, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước (nay là ấp Chợ, xã Đồng Phú, Đồng Nai), bởi đây cũng là địa chỉ chùa Thanh Tâm, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do sư thầy Phạm Minh Tâm (pháp danh Thích Chiếu Pháp) trụ trì.
Chết danh "oan Thị Kính"
Hơn 3 thập kỷ trước, chàng sinh viên Phạm Minh Tâm rời bỏ trường đại học thuộc ngành tài chính lúc đó đang "hot" ở TP.HCM để đi tu và dành toàn bộ sức trẻ đời mình cho việc xây dựng chùa chiền, hướng dẫn tu tập phát triển Phật giáo vùng đất Bình Phước và được phật tử quý mến.
Vào thời điểm đầu năm 2008, sư thầy Phạm Minh Tâm với pháp danh Thích Chiếu Pháp, cũng là "chức sắc" nhiều công lao trong Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Phước, đồng thời là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Đồng Phú thì một chuyện như cổ tích xảy ra.
Lần đó, một nữ sinh viên quê Phước Long sinh con ngoài ý muốn và được bạn trai giữa đêm đem đến bỏ trước cổng chùa Thanh Tâm lúc bé chỉ vài ngày tuổi. Sư thầy Phạm Minh Tâm đem bé vào chùa chăm sóc và ngay sáng hôm sau đã mời cán bộ xã đến chứng kiến sự việc.
Không dừng lại ở đó, thầy tiếp tục nhờ báo đài ở Bình Phước đăng tin tìm người đến nhận con. Sau một thời gian không có tin tức gì, sư thầy tiến hành làm khai sinh cho bé, tự nhận làm cha và đặt tên cho con là Phạm Minh Tiến.
Nhưng "miệng đời" thường vô căn cứ và bất chấp đạo lý đúng sai. Khi bé Tiến lên 1 tuổi, kháu khỉnh và hiếu động thì cũng là lúc sư thầy đối mặt với áp lực dư luận búa rìu. Từ một sư thầy nhặt nuôi trẻ bị bỏ rơi, tên tuổi Thích Chiếu Pháp ngày qua ngày bị bóp méo nhào nặn thành "sư hổ mang", tằng tịu với nữ phật tử sinh con này nọ… trong văn bản giấy tờ đơn thư tố giác và bị xỉa xói ngang nhiên ngoài đời thực.
"Tình thế rất căng, đe dọa uy tín chung của giới tu hành nên lúc đó tôi phải đứng ra cam kết. Nếu tiến hành xét nghiệm ADN mà kết quả bất thường như thế nào tôi chấp nhận mất hết danh dự, bỏ áo tu hành. Nhưng có lẽ cũng vì ồn ào lan rộng như vậy mà cha mẹ ruột của bé đã đưa gia đình về chùa xin nhận lại con", sư thầy Phạm Minh Tâm nhớ lại.
Ngày bé Tiến được ông nội đón về cũng đúng dịp lễ Vu lan năm đó. Hàng ngàn phật tử khắp nơi đổ về chùa hành lễ đã biến thành sự kiện đẫm nước mắt giải oan cho sư thầy. Cha mẹ ruột đứa bé cũng được sư thầy động viên vượt qua hoàn cảnh khó khăn để tổ chức đám cưới và cùng nuôi dạy con.
Về phần mình, dù không tâm sự cùng ai nhưng sau những gì đã xảy ra sư thầy cũng lui dần khỏi các vị trí chức danh quản lý, dành thời gian tu thiền nhiều hơn và đặc biệt là "sống" với cây dó bầu nhiều hơn...
Đau cùng nỗi đau cây dó bầu để thành trầm hương
Hôm tiếp xúc với chúng tôi, sư thầy Phạm Minh Tâm tâm sự, "mình làm cây dó với các mục đích, trước tiên là tìm cây trồng có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thuộc loại cây rừng phủ xanh đồi trọc..., đặc biệt là khâu bảo quản sau khi thu hoạch không lệ thuộc vào thời gian, không sợ thị trường ép giá.
Từ dó bầu tạo ra trầm hương là rất khó, ít người cạnh tranh, trong khi công dụng của trầm hương rất là thiết thực. Về tâm linh, tất cả các tôn giáo đều sử dụng trong việc hành lễ, cầu nguyện, thờ cúng phong thủy.
Về đời sống, đó là thứ dược liệu quý hiếm, sử dụng nhiều trong y học, cũng là nguồn nguyên liệu chính trong công nghệ mỹ phẩm, nhất là làm chất lưu và định hương trong nước hoa cao cấp".
Tại đất rừng Bình Phước, để có được chứng nhận "mã số cơ sở trồng" như ngày nay, sư thầy Phạm Minh Tâm không chỉ dành tâm huyết là cả thanh xuân tu tập mà còn kéo theo đó là tài sản tư trang tiền bạc vốn liếng, thậm chí có lúc phải vét đến đồng tiền cuối cùng.
Chính vì thế khi ông cho rằng cả vòng đời của cây, từ hạt, cây con, quá trình sinh trưởng phát triển đến lúc trưởng thành, tạo trầm... đều liên quan mật thiết đến lợi thế vùng miền, hệ sinh thái, khí hậu, thổ nhưỡng là có căn cứ.
Ông trồng để nghiên cứu 1 ha suốt gần 30 năm qua trên đất khuôn viên chùa Thanh Tâm tĩnh lặng. Ngày nay khi bước chân đến khu vực này, một mùi hương thanh tao phảng phất trong tiếng tụng niệm phật trầm mặc bất cứ ai cũng đều cảm nhận được.
Ở đây, có những gốc cây dó ngậm trầm đã tận hiến hương thơm đến đời thứ 3, có thể nói đã trở nên vô giá nếu đưa ra thị trường lúc này, nhưng sư thầy vẫn giữ lại như những vật phẩm trưng bày cho khu thực nghiệm.
Cũng có những thân dó bị xé đôi tơi tả mà chẳng cho được chút trầm nào, sư thầy giữ nguyên hiện trạng để làm bài giảng cho khách thập phương đến viếng chùa hiểu sâu sắc hơn về quy luật của tự nhiên và hóa chất độc hại.
Bởi với ông, đó cũng là bài học không thể quên ở những năm tháng chập chững bước chân vào đời sống cây dó, nghe theo người này người kia rồi khoan lổ đổ a xít vào thân cây, và chờ đợi với niềm hy vọng vô bờ trầm sẽ có nhanh…
"Trầm hương sinh ra từ cây dó bầu là do sự biến đổi phân tử của gỗ dưới ảnh hưởng của một loại bệnh gây ra. Các tài liệu về cây thuốc xứ Đông Dương của người Pháp trước kia từng nghiên cứu và kết luận như vậy.
Tài liệu nghiên cứu cũng giải thích gỗ cây dó bầu có cấu tạo đặc biệt, là hiện tượng khoa học gọi là libexen giữa các thớ gỗ, có thể dẫn chất nuôi cây từ đó. Nhờ vậy nên dù vỏ bị bóc sạch, cây vẫn không chết. Có thể đây là một trong những điều kiện tự nhiên cho quá trình hình thành trầm hương trên cây dó bầu", sư thầy nói.
Việc giúp cho cây dó "mang một loại bệnh" để gây ra trầm một cách tự nhiên, không độc hại như hiện nay, đối với sư thầy là cả một bí kíp tìm kiếm hơn nửa đời người.
Cho nên hiểu theo nghĩa nào cũng không sai khi ai đó bất chợt hỏi bí quyết tạo ra trầm, sư thầy thường nói "trong đau thương dó biến thành trầm". (còn tiếp)