Khuyến sinh cần 'liều thuốc' đủ mạnh

Các chính sách có phải là "liều thuốc" đủ mạnh để khuyến sinh khi mà mức sinh tại nước ta "thấp dần đều" đáng báo động trong nhiều năm.
Kéo dài thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ chi phí sinh đẻ bằng tiền mặt hoặc hiện vật, hỗ trợ sinh hoạt phí cho trẻ trong những tháng đầu đời, ưu tiên tiếp cận nhà ở xã hội cho gia đình có con nhỏ... là những chính sách mới đang được Bộ Y tế đề xuất đưa vào Luật Dân số sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10-2025.
Các chính sách này có phải là "liều thuốc" đủ mạnh để khuyến sinh khi mà mức sinh tại nước ta "thấp dần đều" đáng báo động trong nhiều năm, đặc biệt sinh và nuôi con trong bối cảnh cuộc sống hiện đại đang là gánh nặng của không ít gia đình trẻ.
"Nghĩ đến sinh con là... ám ảnh"?!
Con đầu lòng đến nay đã tròn 6 tuổi nhưng vợ chồng chị T.H. (33 tuổi, TP.HCM) vẫn chưa tính toán đến chuyện sinh con thứ hai. Nhiều lần chịu sức ép từ bên gia đình nội ngoại, cộng với tuổi tác ngày càng lớn, nhưng nghĩ đến việc sinh thêm con vẫn luôn là ám ảnh với chị.
Chị H. chia sẻ dù hai vợ chồng đã đều có công việc làm ổn định, mức thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng mỗi tháng, thế nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của gia đình khi gánh nặng chi phí học tập của con, trả góp nhà, ăn uống, sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ.
"Hằng tháng ngoài chuyện phải trả góp tiền nhà, con cái ăn học, đi lại nếu sinh thêm con thứ hai thì gánh nặng rất lớn.
Trước đó để trang trải cuộc sống, dù còn trong thời gian nghỉ thai sản nhưng tôi vẫn đi làm để phụ giúp gia đình. Đối với các cặp vợ chồng trẻ, tôi thấy cần có thêm các chính sách vay vốn ưu đãi để mua hoặc thuê nhà giá rẻ", chị H. tâm sự.
Còn chị Phạm Thị Hương (29 tuổi, Hà Nội) khi xác định lập gia đình cũng từng mơ về "gia đình và những đứa trẻ".
Thế nhưng với mức lương của nhân viên bán hàng cho một cửa hàng thời trang tại Hà Nội khoảng 6 triệu đồng/tháng (có thêm hoa hồng khoảng 8-9 triệu đồng) khiến giấc mơ ấy trở nên xa vời. Thu nhập của chồng chị cũng không khá hơn với nghề tài xế công nghệ, ấy vậy lại tháng cao tháng thấp, rất bấp bênh.
"Tôi từng rất muốn có hai đứa con, thậm chí là ba đứa. Nhưng càng sống trong thành phố, sau khi sinh bé đầu tiên, tôi càng cảm thấy sợ.
Khi sinh bé đầu tiên, tôi đã phải nghỉ việc ở nhà chăm con không lương. Chồng thì bận đi làm, hai bên nội ngoại ở quê xa, không ai hỗ trợ được. Vậy nên tôi sợ nếu sinh tiếp sẽ lại tiếp tục hành trình như vậy", chị Hương bộc bạch.
Câu chuyện của hai gia đình nhưng cũng là điển hình của nhiều gia đình trẻ thời hiện đại. Theo các chuyên gia dân số, đó chính là hệ quả của việc "sợ đẻ, ngại đẻ" và dĩ nhiên tỉ suất sinh từ đây giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Kết quả điều tra biến động dân số năm 2024 cho thấy nếu năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ thì đến năm 2023 giảm xuống còn 1,96 con/phụ nữ và năm 2024 chỉ còn 1,91 con/phụ nữ - con số thấp nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam.
Trong đó, hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (lần lượt là 1,48 con/phụ nữ, 1,62 con/phụ nữ). Trong khi đó, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con trên phạm vi cả nước.
Cần làm rõ thông điệp "sinh đủ 2 con là quyền lợi"
Thực tế đòi hỏi cần có những giải pháp nhanh chóng để cải thiện mức sinh, ứng phó với già hóa dân số đang cận kề. Cũng chính vì vậy, Bộ Y tế trong quá trình xây dựng Luật Dân số đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng mức sinh thay thế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng cho hay các chính sách như kéo dài thời gian nghỉ thai sản, hỗ trợ chi phí sinh nở bằng tiền mặt hoặc hiện vật, hỗ trợ sinh hoạt phí cho trẻ trong những tháng đầu đời, ưu tiên tiếp cận nhà ở xã hội cho gia đình có con nhỏ... đều đang được đề xuất đưa vào Luật Dân số.
Những chính sách này được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ rào cản tài chính, tâm lý cho các cặp vợ chồng, nhất là ở khu vực đô thị - nơi chi phí nuôi con ngày càng trở thành nỗi lo thường trực.
"Đây là những chính sách không chỉ mang tính hỗ trợ xã hội, mà còn được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với tình trạng giảm sinh và già hóa dân số, đồng thời thể chế hóa kết luận 149 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện nghị quyết 21 của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới.
Việc áp dụng chính sách nào, ở thời điểm nào sẽ phụ thuộc vào thực tế mức sinh tại địa phương và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội", ông Dũng nói.
Còn ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số TP.HCM, cũng cho hay các chính sách giải quyết vấn đề mức sinh thấp cần linh hoạt, toàn diện, kết hợp giữa hỗ trợ kinh tế, cải thiện môi trường sinh đẻ - nuôi con và thay đổi nhận thức xã hội về hôn nhân, sinh con.
"Dự thảo Luật Dân số mới đang được Quốc hội thảo luận tiếp tục khẳng định quyền sinh sản là nền tảng cho chiến lược dân số quốc gia, hướng tới công bằng trong tiếp cận dịch vụ và thích ứng với bối cảnh nhân khẩu học mới", ông Trung đánh giá.
Một chuyên gia trong lĩnh vực dân số tại TP.HCM cũng nhận định hiện nay áp lực kinh tế, chi phí sinh hoạt đắt đỏ cùng với những thay đổi trong lối sống và tư duy của người dân đã khiến việc sinh con không còn là ưu tiên của nhiều gia đình, nhất là khu vực thành thị.
Các biện pháp khuyến sinh cần triển khai đồng bộ từ lãnh đạo, giáo dục, y tế, truyền thông và hỗ trợ tài chính. Tất cả đều nhằm mục tiêu gia tăng mức sinh và xây dựng môi trường thuận lợi cho việc lập gia đình, sinh con và nuôi dưỡng thế hệ trẻ.
Cụ thể như việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục mần non, giáo dục tiểu học đa dạng hóa loại hình chăm sóc trẻ dưới 6 tuổi, tạo không gian xã hội an toàn và lành mạnh.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách hướng đến miễn giảm thời gian và chế độ làm việc hợp lý đối với lao động mang thai, chăm sóc con nhỏ, nhất là những người sinh con thứ hai trở lên.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần cởi mở hơn với người trẻ bằng cách giảm áp lực, kiến tạo những điều kiện tốt nhất giúp người trẻ có thời gian thiết lập kế hoạch hôn nhân và kết hôn sớm.
Cùng quan điểm, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục (Bộ Y tế), cho hay cần tích hợp tài chính với dịch vụ xã hội như miễn giảm học phí nhà trẻ, hỗ trợ trẻ ban ngày, khuyến khích doanh nghiệp có chế độ làm việc linh hoạt cho cha mẹ trẻ nhỏ.
Đồng thời nên mở rộng đối tượng, tăng tính công bằng, xem xét hỗ trợ cả phụ nữ sinh con sau 35 tuổi do hoàn cảnh khách quan; hỗ trợ cặp vợ chồng (không chỉ phụ nữ).
Ngoài ra, truyền thông thay đổi nhận thức xã hội cần làm rõ thông điệp "sinh đủ 2 con là quyền lợi", không phải áp lực; tạo hình mẫu gia đình hạnh phúc có 2 con trong truyền thông đại chúng.
"Chính sách dân số hiện nay vẫn chưa theo kịp thực tế chuyển động của xã hội. Ở một số nơi, tư duy "kế hoạch hóa" vẫn còn tồn tại ngầm, khiến không ít cặp đôi cảm thấy việc sinh con thứ hai như một điều gì đó cần phải dè chừng.
Trong khi đó, truyền thông về dân số vẫn chưa tạo được hình ảnh tích cực, hấp dẫn về một gia đình hiện đại sinh đủ 2 con, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc", bác sĩ Phương nhận định.
Địa phương được linh hoạt bổ sung chính sách phù hợp
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sắp tới Bộ Y tế sẽ tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về dân số.
Trong đó có những nội dung quan trọng như bảo đảm quyền quyết định sinh con hoàn toàn tự nguyện, phù hợp điều kiện sức khỏe, kinh tế - xã hội.
Đồng thời xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển giai đoạn 2026 - 2030, với mục tiêu đảm bảo an sinh và sức khỏe cho mọi người dân, lấy con người làm trung tâm của phát triển bền vững.
Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng cũng khẳng định ngoài các chính sách khuyến sinh, thông tin dự thảo Luật Dân số cũng đề xuất trao thêm quyền cho chính quyền các tỉnh thành có mức sinh thấp.
Theo đó, địa phương có thể quyết định bổ sung các biện pháp riêng, phù hợp với đặc điểm dân cư và năng lực tài chính địa phương để duy trì mức sinh thay thế.
"Các chính sách đang đề xuất chủ yếu nhắm đến nhóm phụ nữ và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cũng như trẻ em, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi chi phí sinh con, chăm sóc, nuôi dưỡng.
Mục tiêu là để mỗi cặp vợ chồng có thể an tâm sinh đủ 2 con theo khuyến nghị của Chính phủ", ông Lê Thanh Dũng phân tích.
Riêng về chính sách học phí, ông Dũng cho hay Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 217 vào ngày 26-6-2025, trong đó miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại cơ sở giáo dục công lập.
Với các em học tại trường dân lập hoặc tư thục, học phí sẽ được hỗ trợ theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định nhưng không vượt quá mức thu học phí thực tế của nhà trường.
Bên cạnh các chính sách khuyến sinh, một trong những trụ cột quan trọng được đề cập trong dự thảo Luật Dân số là chính sách nâng cao chất lượng dân số. Nội dung này tập trung vào các biện pháp dự phòng sớm nhằm bảo đảm thế hệ tương lai có thể chất và trí tuệ phát triển tốt.