Nhảy đến nội dung
 

Tiến tới miễn viện phí cho toàn dân

Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG) được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và 169 tiêu chí thể hiện khát vọng toàn cầu nhằm đem lại hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại đến năm 2030.

Trong các mục tiêu đó, mục tiêu 3 là "Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi lứa tuổi" và tiêu chí 3.8 là "Đạt được chăm sóc y tế toàn dân, bao gồm (1) phòng tránh rủi ro tài chính, (2) tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu có chất lượng cao, và (3) tiếp cận với các thuốc thiết yếu, an toàn, hiệu quả, có chất lượng cho tất cả mọi người".

Chỉ sau một thời gian ngắn khi Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh công lập từ mầm non đến hết trung học phổ thông trên phạm vi cả nước, thì người dân lại được đón nhận một chủ trương mang tính chất lịch sử khi Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến việc tiến tới miễn viện phí cho toàn dân.

Đây thực sự là một cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và khi chủ trương này được hiện thực hóa, đó sẽ là một quyết định có ý nghĩa lớn lao nhằm đảm bảo sự tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu cho tất cả người dân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chăm sóc y tế toàn dân (Universal health coverage, UHC) có nghĩa là tất cả mọi người đều được quyền tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng mà họ cần, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu mà không gặp phải khó khăn về tài chính.

Khái niệm này sẽ bao gồm toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, từ việc được nâng cao sức khỏe đến phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Để thực hiện, các quốc gia cần có hệ thống y tế mạnh mẽ, hiệu quả và công bằng, bén rễ vào cộng đồng. Mỗi quốc gia có một con đường khác nhau để đạt được chăm sóc y tế toàn dân và quyết định những gì cần chi trả dựa trên nhu cầu của người dân và các nguồn lực hiện có.

Đến hết năm 2024, Việt Nam đạt được tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 94% dân số. Con số này thực sự ấn tượng và là tiền đề quan trọng để chúng ta tiến tới đạt được chăm sóc y tế toàn dân. Sẽ có nhiều việc cần được thực hiện để làm được điều này, bao gồm việc đảm bảo cơ chế tài chính và xây dựng đội ngũ nhân viên y tế về cả số lượng và năng lực.

Trong quá trình thực hiện Việt Nam sẽ cần một lộ trình chi tiết để xem cần làm gì, có thể làm gì và đặc biệt cần thêm thông tin để người dân có thể hiểu được việc chăm sóc y tế toàn dân chưa thể ngay lập tức (ít nhất ở giai đoạn hiện nay), đồng nghĩa với việc tất cả dịch vụ y tế được miễn phí.

Có người bệnh của tôi cũng đã từng thắc mắc, tại sao mức hưởng bảo hiểm y tế của họ là 100% mà vẫn phải đóng thêm những chi phí khác, hay như khi Việt Nam thực hiện miễn viện phí cho toàn dân, liệu vào viện họ có phải mất tiền không? Câu trả lời chung cho cả hai câu hỏi này đều là về nguồn lực, và nguồn lực ở đây là nguồn lực tài chính và đảm bảo tài chính cho y tế của một quốc gia.

Với tất cả các bác sĩ, ai cũng muốn điều trị cho người bệnh với biện pháp tốt nhất và không bác sĩ nào muốn bận tâm về mặt chi phí cả. Tuy nhiên, với sự phát triển của y khoa, nhu cầu của người bệnh đối với các phương pháp điều trị mới, các thuốc mới không ngừng gia tăng và thường xuyên thay đổi. Không một quốc gia nào hiện nay có thể đáp ứng tất cả nhu cầu về chăm sóc y tế của người dân, mà họ phải luôn phải dựa trên nhu cầu thiết yếu và một cơ chế tài chính an toàn, hiệu quả để đảm bảo nguồn quỹ cho hoạt động này.

Bài toán dành cho hệ thống y tế sẽ là xác định được nhu cầu thiết yếu cũng như tối ưu hóa nguồn lực. Nếu chúng ta có một hệ thống y tế hiện đại và thông minh, chúng ta sẽ đủ năng lực để thiết lập nhu cầu thiết yếu ở mức cao hơn, khi đó người dân sẽ càng được hưởng lợi nhiều hơn.

Nói vui về phía người bệnh là nếu chúng ta còn nghèo thì nhu cầu thiết yếu của chúng ta chỉ là đủ ăn, khi chúng ta khá giả hơn, nhu cầu thiết yếu của chúng ta sẽ là mức ăn no, ăn ngon. Còn nói vui về phía nhân viên y tế, thì chủ trương miễn viện phí cho toàn dân sẽ giảm được tỷ lệ người bệnh trốn viện và không đóng tiền viện phí.

Trong lộ trình đến đích cuối cùng là chăm sóc y tế toàn dân, tôi nghĩ hệ thống y tế sẽ có cơ hội được đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, nhân viên y tế sẽ được cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn và người dân sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ y tế thiết yếu.

Trên con đường đó, phần lớn chúng ta sẽ cảm nhận được các thay đổi tích cực theo lộ trình, còn với những người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội thì sẽ là những thay đổi lớn ngay lập tức.

Tác giả: TS.BS Vũ Quốc Đạt là giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú tại Trường Đại học Y Hà Nội, có kinh nghiệm điều trị các bệnh lý nhiễm trùng nặng và thực hiện các nghiên cứu liên quan đến các bệnh truyền nhiễm tại Việt nam. Đồng thời ông là thành viên nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật cho các bệnh nhiệt đới bị lãng quên của Tổ chức Y tế Thế giới.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!