Cận cảnh cao tốc 11.000 tỉ kết nối giao thương với Trung Quốc dần 'lộ diện'

Dù trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, đại công trường thi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn ầm ầm tiếng máy xúc, xe tải, tiếng công nhân thi công.
Tại một đoạn công trường thi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đoạn qua huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), hàng dài xe lu nối đuôi nhau san mặt đường toàn đất đỏ. Phía xa máy xúc, máy ủi, xe tải liên tục di chuyển.
Đó là khung cảnh ban ngày. Vào ban đêm công trường "không ngủ" tiếp tục thi công, xe chở vật liệu di chuyển liên tục, đảm bảo tiến độ thi công.
Trong màu áo công nhân vương bụi đất, ông Bình - công nhân lái máy lu, tâm sự công việc vất vả, nhất là ngày mưa gió, đất đỏ ngập mắt cá chân, nhưng không ai nề hà mà tự động viên nhau vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ.
Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài gần 60km, nối cửa khẩu Hữu Nghị với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, và giữ vai trò chiến lược trong giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng, theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43km, và đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài khoảng 17km.
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cũng nhằm kết nối giao thông, kinh tế giữa ASEAN - Trung Quốc, Việt Nam - Trung Quốc, kết nối 2 vùng kinh tế động lực của đất nước là Đồng bằng sông Hồng và vùng núi phía Bắc, kết nối 4 địa phương (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng - Quảng Ninh).
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, đến cuối tháng 4-2025, toàn dự án đã được bàn giao khoảng 95% mặt bằng. Để đảm bảo tiến độ, tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện huy động trang thiết bị, nhân lực. Liên tục các tháng qua, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xuống hiện trường kiểm tra, chỉ đạo giải quyết khó khăn.
Đơn cử tại buổi kiểm tra ngày 21-4 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh đã đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng và các bộ ngành liên quan xem xét bố trí bổ sung 800 tỉ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương để thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Trên công trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đề nghị chủ đầu tư và chính quyền địa phương tháo gỡ các khó khăn, đốc thúc các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc thiết bị tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, đảm bảo thông tuyến trong năm 2025 song phải bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Về kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn, bộ trưởng Bộ Xây dựng giao văn phòng bộ tiếp thu, tham mưu lãnh đạo bộ để báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết.