Nhảy đến nội dung

Cậu bé 11 tuổi bán rau phụ mẹ nuôi em

Được mẹ bồng theo bán rau từ những ngày chập chững biết đi, lên 11 tuổi, Nguyễn Văn Duy quyết định 'khởi nghiệp' với vườn rau quanh nhà phụ mẹ nuôi em.

Sáng sớm, nắng đậm dần trên con đường 30 Tháng 4 (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ngồi lọt thỏm sau bóng cột điện là cậu bé Văn Duy với dáng người nhỏ nhắn.

Xung quanh em là ba rổ rau lớn với các loại như rau cải, rau dền, bầu, bí... được bày biện ngăn nắp.

Vừa bán rau vừa chăm em

5h sáng, trong căn chòi chỉ vài mét vuông không có điện, ánh đèn pin của mẹ Duy là chị Nguyễn Thị Đệ (32 tuổi) đã le lói chuẩn bị cho ngày bán mới.

Cậu bé 11 tuổi chia rau vào các rổ riêng, cân đủ cho phần mình bán buổi sáng, còn lại mẹ Duy sẽ mang ra chợ Bình Dương cách đó 5km bán.

Từ căn chòi nhỏ đến chỗ bán rau của Duy khoảng 3km, đến nơi trời đã ửng sáng. Thấy ai đi ngang, cậu bé lại í ới:

"Dạ mua rau về ăn đi cô, rau nhà con tự trồng sạch lắm".

Chị Đệ kể ở nhà có nhiều loại rau là Duy tự trồng, tự chăm sóc và thu hoạch để mang ra bán phụ mẹ.

"Lúc trước đi làm thuê thấy cực quá, nhà tôi thuê mấy sào đất bưng dưới này để trồng ít rau củ mang ra chợ bán. Duy đi theo riết rồi rành, bữa nào mà tôi bận quá là mọi việc nó có thể lo liệu một mình hết", chị Đệ chia sẻ.

Mỗi ngày em bày hàng từ lúc 5h sáng đến khi hết rau.

Những ngày nắng, cậu bé nép mình phía sau trụ điện, ngày mưa em vẫn nhẫn nại ngồi ở góc đường. 

Hôm nào mẹ đi chợ xa, Duy dẫn theo em gái, vừa bán rau cậu vừa đút cơm, giữ em cho mẹ.

Khách nào đưa tiền lớn, Duy chỉ mất vài giây để nhẩm tính, thối lại cho khách. Nhưng ít ai biết cậu bé mới học đến lớp 5 đã đứt đoạn chuyện đèn sách...

"Con thấy mẹ cực quá nên không học nữa đâu", Duy ngây thơ chia sẻ với chúng tôi khi được hỏi về việc học của mình.

Đứa con hiếu thảo

Việc Duy nghỉ học cũng là nỗi trăn trở của chị Đệ. Cái nghèo ám ảnh khiến chị rời quê lên kiếm sống tại đất khách Bình Dương khi còn rất trẻ.

Tại đây chị gặp ba của Duy, mối tình sớm nở chóng tàn, chị Đệ một thân một mình nuôi em lớn lên bằng công việc bán rau.

"Tôi đi làm khó nhọc vì thiếu con chữ, muốn con đi học lắm, mà do biến cố gia đình rồi mưu sinh khắp nơi. Con nó thấy vậy nó cũng nản, không muốn học", chị Đệ rưng rưng phân trần.

Trong căn chòi nhỏ tứ bề là mấy giàn rau và cao su, mỗi tối chị Đệ lại cắm đèn năng lượng mặt trời ngồi dạy Duy tính toán, đọc bài cho không quên mặt chữ.

"Nói vậy chứ tôi cũng học ít, dạy có được bao nhiêu. Nó nghỉ cũng được hơn năm nay rồi. Qua năm học mới này tôi định gửi nó đến lớp học tình thương, được tới đâu hay tới đó" - chị Đệ tâm tư.

Sinh ra không có đôi cánh chở che của ba, những giấc ngủ đầu đời của Duy là trên lưng mẹ cùng đi bán rau. Mẹ con Duy cứ lầm lũi như thế cho đến khi em được 3 tuổi thì chị Đệ đi bước nữa, công việc kiếm sống chính vẫn là trồng và bán rau.

"Nhà ở dựng tạm trên đất người ta cho thuê, không có điện hay nước sạch gì hết trơn. Bà con lối xóm thương tình cho vợ chồng tôi thuê rẻ thêm mấy khoảnh đất cày cuốc trồng rau", chị Đệ chia sẻ.

Dáng người nhỏ nhắn nhưng Duy thạo gần như mọi việc vườn tược từ tưới rau, xới đất, rải giống, làm giàn…

"Sau này có nhiều đất con sẽ trồng nhiều loại rau hơn rồi kiếm chỗ bán đàng hoàng, không phải ngồi vỉa hè nữa", Duy nói về ước mơ khởi nghiệp trồng rau.

Hình ảnh cậu bé nhỏ nhắn vừa ngồi đút cơm cho em gái vừa bán rau khiến khách tới đây không nỡ trả giá vì thương cho hoàn cảnh của em. 

Vất vả như vậy nhưng mỗi ngày cả hai mẹ con chị Đệ chỉ kiếm được đâu đó khoảng 100.000 - 200.000 đồng. Thu nhập ít ỏi nên gia đình chị chi tiêu dè xẻn hết mức.

"Có bữa thiếu bữa đủ, rau thì có sẵn ngoài vườn, không tốn tiền mua", chị Đệ nói.