Nhảy đến nội dung

Giữ Cần Giờ thoát vòng xoáy 'phân lô bán nền'

Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ đã khởi công, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược vươn ra biển của TP.HCM. Giữa niềm hứng khởi ấy, cần quyết giữ cho Cần Giờ không rơi vào vòng xoáy phân lô bán nền, một 'căn bệnh' đô thị hóa.

Với quy mô 2.870ha, tổng vốn đầu tư hơn 64.000 tỉ đồng, Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ không chỉ là dự án hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực phía Nam thành phố, mà còn là biểu tượng của khát vọng phát triển bền vững, hướng đến một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và đô thị thông minh tầm cỡ quốc tế.

Cần cơ chế giám sát, kịp thời xử lý

Cần Giờ không chỉ là "cửa ngõ phía biển" của thành phố, mà còn là khu dự trữ sinh quyển thế giới, một hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, nơi đóng vai trò "lá phổi" xanh, tường thành tự nhiên bảo vệ toàn vùng khỏi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Nếu đô thị hóa bị buông lỏng, không chỉ Cần Giờ thiệt hại mà cả TP.HCM và vùng Nam Bộ cũng phải trả giá.

Thực tế từ nhiều năm qua đã cho thấy việc phân lô bán nền tràn lan không chỉ tạo ra những khu dân cư nghèo nàn về hạ tầng, mà còn góp phần làm méo mó quy hoạch tổng thể. Việc này đã và đang để lại nhiều hệ lụy ở các địa phương ven TP.HCM như Bình Chánh, Hóc Môn hay Củ Chi.

Những con đường dự kiến là trục giao thông chiến lược bị chia cắt bởi các lô đất nhỏ lẻ. Những khu nhà cấp 4 mọc lên trên đất nông nghiệp khiến chính quyền lúng túng trong việc cấp phép, đầu tư hạ tầng, khó triển khai các dự án công cộng do vướng giải phóng mặt bằng.

Quyết định 60/2017/QĐ-UBND trước đây từng siết lại điều kiện tách thửa đất tại năm huyện ngoại thành. Mới đây nhất, tháng 11-2024, thành phố tiếp tục ban hành quyết định 83/2024/QĐ-UBND, chính thức cấm phân lô bán nền tại Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và Nhà Bè. Đây là bước đi cứng rắn, thể hiện sự kiên quyết trong việc ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi phá vỡ quy hoạch.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các địa phương khác cũng cho thấy để quyết định này đi vào thực tiễn, cần phải có những cơ chế giám sát, xử lý vi phạm nghiêm minh và kịp thời. Nhất là khi thực tế mua bán đất ở Cần Giờ đang "nóng" dần lên theo những thông tin khu đô thị biển.

Chung tay vì Cần Giờ xanh bền vững

Bên cạnh việc siết chặt pháp lý, cần sớm có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho Cần Giờ, từ giao thông, điện, nước, viễn thông đến trường học, bệnh viện và các thiết chế văn hóa. Một vùng đất chỉ thực sự phát triển bền vững khi người dân được sống trong một môi trường có quy hoạch hợp lý, đầy đủ dịch vụ, và có sinh kế ổn định.

Đặc biệt, phát triển đô thị Cần Giờ cần được định hình ngay từ đầu theo mô hình đô thị xanh và đô thị số, nơi công nghệ, dữ liệu và hạ tầng sinh thái cùng vận hành để phục vụ con người. Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị dài hạn của quy hoạch. 

Cần có các diễn đàn đối thoại với người dân, minh bạch thông tin về quy hoạch, giải thích rõ những lợi ích của phát triển đồng bộ và những thiệt hại khi để phân lô bán nền diễn ra tràn lan. Người dân cần được thuyết phục bằng lý lẽ, bằng thông tin đầy đủ và bằng niềm tin rằng mình là một phần của tương lai phát triển.

Dự án đô thị lấn biển Cần Giờ phải là biểu tượng của sự kết tinh giữa công nghệ, quy hoạch, môi trường và con người. Trong đó, chính quyền cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nhà đầu tư không chỉ dựa trên vốn và quy mô, mà còn bao gồm cam kết về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, sự tham gia của người dân địa phương và khả năng điều phối giữa các lĩnh vực như du lịch, giao thông, thương mại, nhà ở và dịch vụ công.

Giấc mơ biến Cần Giờ thành trung tâm mới của TP.HCM - nơi hội tụ giữa sinh thái, văn hóa và hiện đại - đang tiến rất gần đến hiện thực. Một đô thị hiện đại không chỉ là những tòa cao ốc hay những khu nghỉ dưỡng hào nhoáng, mà trước hết là sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, là khả năng tạo ra những cơ hội sống tốt cho tất cả mọi người.