Nhảy đến nội dung
 

Tự hào tiếp nối dòng chảy văn hóa Việt

Sáu năm trước, dự án Vietnamme được bắt đầu chỉ từ khao khát của một người trẻ nhằm quảng bá văn hóa bản địa theo hướng sáng tạo, đương đại.

Ba tháng đầu hoạt động, với Trần Lê Trọng Nghĩa (sinh năm 1994), người sáng lập dự án, Vietnamme chỉ là một ý tưởng mang tính cá nhân.

Tổ chức xong buổi triển lãm về nhiếp ảnh và một loạt workshop về thủ công truyền thống, với những bài đăng trên mạng xã hội, tôi bất ngờ khi nhận được rất nhiều sự ủng hộ, hưởng ứng từ mọi người, cả về tinh thần lẫn nguồn lực.

Đó là giây phút tôi nhận ra Vietnamme không còn là một dự án cá nhân nữa, mà sẽ là một cộng đồng của những người trẻ mang trong mình niềm tự hào về Việt Nam", Nghĩa bộc bạch.

Vẻ đẹp Việt trong mắt người trẻ

Khi Vietnamme mở cửa chào đón những người trẻ đầu tiên tham gia như một dự án cộng đồng, họ đều mang tinh thần tình nguyện và sẵn sàng đóng góp.

Đoàn Phương Bảo Châu (sinh năm 2000), đồng quản lý và cũng là một trong những người đầu tiên tham gia Vietnamme từ khi mới thành lập, nói rằng yếu tố lớn nhất giúp kết nối rất nhiều bạn trẻ xa lạ đến với dự án chính là cơ hội được bày tỏ niềm tự hào về văn hóa, truyền thống Việt Nam bằng những ý tưởng sáng tạo.

Một số thời điểm dự án có hơn 100 người bao gồm cả thành viên và tình nguyện viên chung tay tổ chức hàng loạt hoạt động đa dạng từ workshop, talkshow, triển lãm, hội nghị... xoay quanh chủ đề văn hóa, nghệ thuật và truyền thống Việt Nam.

Nghĩa nói các chương trình mong muốn mang lại cho người tham dự cảm giác được chào đón và "thuộc về".

Cảm giác "như được trở về nhà" chính là yếu tố không phải chương trình về văn hóa, nghệ thuật nào cũng có được, nhưng lại là điểm then chốt Vietnamme muốn xây dựng.

Năm 2019, chương trình Vietnamme Talk được Nghĩa, Bảo Châu và các cộng sự tổ chức đã thu hút hơn 1.000 người tham dự với sự góp mặt của nhiều tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực như SCBS Việt Nam (Saigon Contemporary & Ballet Dance Company), nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn, tiến sĩ Đào Lê Na...

Chương trình mang đến cho khán giả trẻ cơ hội thưởng lãm áo dài, tìm hiểu ẩm thực các vùng miền, thăng hoa cảm xúc với các trích đoạn cải lương, múa "Yên Lam", lắng nghe góc nhìn về vai trò của người trẻ trong phát triển văn hóa bền vững, hay việc chủ động làm mới các dự án văn hóa - nghệ thuật tại Việt Nam cách nào để tạo ra giá trị.

Bảo Châu cho biết Vietnamme khuyến khích các thành viên chia sẻ, đề xuất ý tưởng cho các hoạt động dựa trên chính những chủ đề mà họ thấy hứng thú, thay vì chỉ dựa vào nhu cầu của khán giả.

Điều này không chỉ là động lực giúp các thành viên đào sâu, tìm hiểu kiến thức, nội dung để đưa vào những chương trình cho cộng đồng, mà còn gián tiếp cho thấy sự đa dạng về mối quan tâm của các bạn trẻ liên quan văn hóa Việt Nam.

Qua hành trình 6 năm, với sức sáng tạo không giới hạn của những người trẻ, hàng loạt ý tưởng đã ra đời từ Vietnamme, từ "Lớp Học Tò Te" với những buổi workshop về nặn tò he, têm trầu - nếm trầu, vẽ mặt nạ hát bội, tết cào cào lá dừa dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, đến giới thiệu về múa bóng rỗi, các buổi triển lãm về mùi hương, hay một cuối tuần êm ả "hẹn hò" ở quán cà phê - nơi người tham dự, hầu hết là gen Z - cùng nhau tập hợp xướng bài Trống cơm.

Giai đoạn đầu, ba trụ cột chính trong hoạt động của Vietnamme bao gồm văn hóa, nghệ thuật và đương đại. Trong hai năm gần đây, trụ cột thứ ba đã được thay thế bằng "cộng đồng", với mong muốn tạo ra những tác động tích cực hơn, đồng thời mang tính bao trùm nhiều hơn. Những chủ đề mà Vietnamme khai thác cũng gợi mở để khán giả nhìn nhận đa chiều.

Khám phá văn hóa là hành trình thật đẹp

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền Trung, cả Trọng Nghĩa và Bảo Châu đều có những câu chuyện riêng đã hun đúc nên trong họ tình yêu và niềm tự hào về truyền thống văn hóa Việt Nam, trở thành nguồn động lực để thực hiện dự án Vietnamme từ những ngày đầu tiên.

Nghĩa kể trong ký ức của anh, hình ảnh mộc mạc, gần gũi của Việt Nam không chỉ hiện lên qua cây đa, bến nước, đình làng mà còn qua công việc của cha anh - một cán bộ công đoàn thường phụ trách tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại đơn vị.

Trong khi đó, Bảo Châu cảm nhận được tinh thần yêu nước qua nhiều câu chuyện mà cô nghe kể trong bữa cơm hằng ngày, về những chuyến đi biển của cha - một người lính hải quân ngày đêm bám biển.

Khác với Nghĩa, mặc dù yêu thích nhưng Châu không có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn hóa, nghệ thuật.

Thảng hoặc cô chỉ xem được một vài chương trình, thông tin trên báo chí hoặc truyền hình. Năm 2019, Châu vào TP.HCM học đại học, cũng là lúc cô tình cờ biết đến và bén duyên với Vietnamme.

"Với tôi, đó là một chân trời mới, với những cách thể hiện mới mẻ mà tôi chưa từng thấy qua. Tôi nhìn thấy được vẻ đẹp của Việt Nam theo những cách rất khác, trẻ trung mà gần gũi. Tôi cảm thấy sự kết nối", cô kể.

Một mặt Vietnamme góp phần lan tỏa văn hóa, nghệ thuật đến cộng đồng. Mặt khác dự án cũng giúp chính những người trong cuộc trưởng thành và học hỏi nhiều hơn. Hành trình cùng Vietnamme khiến những người trẻ tự hào khi nhìn thấy bề dày văn hóa, truyền thống Việt Nam.

Châu nói càng tìm hiểu, cô càng cảm thấy mình quá nhỏ bé trong dòng chảy văn hóa của đất nước. 54 dân tộc và ba miền Bắc, Trung, Nam sẽ luôn có một điều gì đó mà ta còn chưa biết, những điều đẹp đẽ đang chờ được khám phá.

Năm 2025, Nghĩa nói Vietnamme sẽ tiếp tục chậm lại một nhịp, nhìn ngắm các cột mốc đã qua để từ đó hoạch định phương hướng. Từng là cựu sinh viên ngành quan hệ quốc tế tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Nghĩa rất lưu tâm đến câu chuyện phát triển bền vững, kể cả trong việc làm văn hóa nghệ thuật.

Vietnamme mong muốn tạo ra những tác động và giá trị có tính lâu dài, thay vì chỉ là những chương trình "sớm nở tối tàn", mang tính ngắn hạn. Nhiều thành viên của Vietnamme đã và đang mang theo bên mình tinh thần của dự án - tử tế, tận tâm và trân trọng văn hóa.