"Thần tốc, táo bạo, bất ngờ" trong Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari ký kết, quân và dân Việt Nam đã thực hiện được lời căn dặn "đánh cho Mỹ cút" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tiền đề quan trọng để tiến lên "đánh cho ngụy nhào", thực hiện mục tiêu thống nhất non sông.
Để lãnh đạo quân và dân ta thực hiện mục tiêu đó, từ tháng 4/1973, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam lập một bộ phận mang tên Tổ trung tâm, gồm các đồng chí: Vũ Lăng - Cục trưởng Cục Tác chiến và các đồng chí Cục phó Võ Quang Hồ, Lê Hữu Đức do Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn phụ trách có nhiệm vụ khởi thảo kế hoạch giải phóng miền Nam trình Bộ Chính trị.
Sau hơn một năm, với 5 lần chỉnh sửa, ngày 16/5/1974, bản dự thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam mang bí số 133/TG1 được hoàn thành.
Đó là quá trình phải tìm lời giải "Làm thế nào để tạo được thời cơ? Cần làm gì để chớp thời cơ không được để lỡ? Hướng chiến lược là đâu? Đánh như thế nào để tiêu diệt chiến đoàn và sư đoàn quân ngụy?". Khả năng can thiệp hoặc trở lại của Mỹ nếu ta đánh lớn?... Để có lời giải là cả một quá trình nắm bắt thực tiễn chiến trường, tình hình trong nước và thế giới; là quá trình thảo luận, tính toán, cân nhắc, chọn lựa các giải pháp giữa cơ quan chỉ đạo chiến lược với lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường.
Ngày 8/1/1975, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định: Tình thế cách mạng đang đến độ chín muồi. Một cuộc đọ sức cuối cùng giữa ta và địch tất yếu sẽ diễn ra và sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quân, ngụy quyền miền Nam là không thể tránh khỏi, nhất trí phê duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ bảy do Tổ Trung tâm chuẩn bị", và "khẳng định quyết tâm chiến lược hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, xác định nhiệm vụ, mục tiêu và các bước thực hiện". Và dự kiến: "nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".
Khi giao nhiệm vụ cho từng chiến trường, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn nêu quyết tâm "Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực".
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, đầu tháng 3/1975, quân và dân ta mở chiến dịch Tây Nguyên, với thắng lợi trận then chốt mở đầu Buôn Ma Thuột (10 - 11/3/1975) đã trở thành đòn điểm huyệt quan trọng, khiến cho thế phòng thủ của địch trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên bị lung lay, buộc phải triệt thoái khỏi cao nguyên nhằm về giữ vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, thắng lợi của các cuộc truy kích địch đã khiến cho gần như toàn bộ lực lượng Quân đoàn 2 và Quân khu 2 của địch bị tan rã. Thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên đã mở ra thời cơ chiến lược cho giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước tình hình đó, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Phối hợp với Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 6/3/1975, ta bắt đầu tiến công ở Trị - Thiên và Khu 5, đến ngày 21/3, phát huy thắng lợi ở Tây Nguyên và đồng bằng ven biển miền Trung, ta phát triển thành đòn tiến công chiến lược, ngày 26/3 giải phóng Huế; ngày 29/3 giải phóng Đà Nẵng. Như vậy, sau 25 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng Quân đoàn 1 và Quân khu 1 của chính quyền Sài Gòn, "tiêu diệt và làm tan rã hơn 35% sinh lực địch, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hai quân đoàn địch, tiêu diệt khoảng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá hơn 40% cơ sở vật chất hậu cần, giải phóng 12 tỉnh, đưa tổng số dân vùng giải phóng lên gần 8 triệu người.
Đòn tiến công Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng đã trực tiếp đập tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, cùng với đòn tiến công Tây Nguyên, góp phần quyết định làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về chiến lược, tạo sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, đẩy quân đội chính quyền Sài Gòn vào tình trạng tuyệt vọng, tạo điều kiện cho ta đẩy nhanh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước đà thắng lợi, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trước mùa mưa.
Ngày 31/3/1975, căn cứ vào sự phát triển trên các chiến trường, Bộ Chính trị nhận định "Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu", và tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975 trước mùa mưa, không thể để chậm với yêu cầu: "Phải hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ".
Ngày 4/4/1975, Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Quân khu 5 và hải quân tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân đội chính quyền Sài Gòn chiếm giữ[8]. Ngày 7/4/1975, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện gửi cho các chiến trường "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng".
Ngày 8/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, (ngày 14/4/1975, được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh), với lực lượng tham gia gồm: 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trên địa bàn chiến dịch.
Sau khi đánh tan phòng tuyến Phan Rang (16/4/1975), đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc (21/4/1975) ta đã phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng: hướng tây bắc - Quân đoàn 3; hướng bắc - Quân đoàn 1; hướng đông nam - Quân đoàn 2; hướng đông - Quân đoàn 4; hướng tây và tây nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8).
17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Từ ngày 26 đến ngày 28/4/1975, ta đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng như Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, thị xã Bà Rịa...; cắt đứt hoàn toàn đường số 4 từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây; chế áp và làm tê liệt các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất. Ngày 29/4/1975, ta tiêu diệt các tập đoàn phòng ngự chủ yếu của địch ở vòng ngoài và vùng ven, đánh chiếm các căn cứ Nước Trong, Long Bình, Thành Tuy Hạ, Đồng Dù, thị xã Hậu Nghĩa; sáng 30/4/1975, tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát. Cùng với đòn tiến công quân sự, nhân dân nội thành, ngoại thành Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ở 107 điểm. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
"55 ngày đêm tiến công thần tốc và nổi dậy vũ bão, đánh tan hơn một triệu quân địch, làm cho chúng không kịp trở tay, là sự thể hiện cao nhất và tuyệt vời của chiến lược tổng hợp của chiến tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam". Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; kết thúc vẻ vang 30 năm (1945 - 1975) đấu tranh kiên cường giành lại độc lập, thống nhất non sông, mở ra kỷ nguyên cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tác giả: Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!