Thối não, rỗng ruột và...

Một người bạn của tôi gửi tôi bài báo về Ngân “Baby” cùng một bình luận: “Một bộ phận trong giới trẻ ngày nay đúng là thối não và rỗng ruột. Xem TikTok quá 180 phút là đây”.
Câu chuyện về Ngân “Baby” quả thực đúng là đầy bất ổn khi cô liên tục gây ra những hành động thu hút sự chú ý một cách bất thường, từ việc mặc bikini giữa phố phường đến việc tuyển "người yêu" với mức lương hậu hĩnh, hóa thân thành nàng tiên cá trong quán bar… Và mới đây là hình ảnh cô nhặt đá ném liên tiếp vào cây ATM, ô tô đậu ven đường cùng bàn ghế quán nước gần đó.
Đằng sau những sự việc ấy, không thể không đặt ra nghi vấn: Liệu Ngân "Baby" có đang “sáng tạo nội dung” trên TikTok với tài khoản cá nhân hàng trăm nghìn người theo dõi, bằng cách ồn ào như vậy? Nhìn sâu hơn vào vụ việc này, chúng ta không chỉ thấy hành vi cá nhân mà còn là bức tranh phản ánh một phần đáng buồn của văn hóa mạng xã hội hiện đại và những hệ lụy sâu sắc của nó đối với giới trẻ.
Câu chuyện một số nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội bằng mọi giá thu hút sự chú ý, giữ độ nóng, coi lượt tương tác như “hơi thở” cho thấy nhiều vấn đề. Cách “sáng tạo” thường thấy ở nhiều người ban đầu là thay đổi ngoại hình, sau đó là những hành động "lệch chuẩn" công khai. Khi lượt tương tác giảm sút, họ lại phải đẩy mức độ gây sốc lên cao hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn mà trong tâm lý học gọi là vòng lặp củng cố tích cực (positive reinforcement loop).
Trong môi trường mạng xã hội, "like," "share," "comment" chính là phần thưởng tức thì, là chất kích thích não bộ. Khi một hành vi gây sốc mang lại phần thưởng lớn, cá nhân sẽ có xu hướng lặp lại hành vi đó, thậm chí nâng cấp nó để đạt được cường độ kích thích tương tự. Các nhà sáng tạo nội dung kiểu này thường có hàng trăm nghìn đến cả triệu người theo dõi trên mạng xã hội, các video của họ với hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn lượt xem, cuốn một bộ phận giới trẻ vào vòng xoáy nơi sự nổi tiếng nhất thời lấn át mọi giá trị đạo đức và chuẩn mực xã hội.
Suy giảm khả năng tập trung và tư duy sâu
Theo nhiều nghiên cứu, tác hại rõ ràng nhất của việc nghiện nội dung ngắn chính là sự bào mòn khả năng tập trung. Các video chỉ kéo dài vài chục giây, liên tục thay đổi chủ đề và hình ảnh, khiến não bộ quen với việc tiếp nhận thông tin một cách chớp nhoáng.
Điều này giống như việc cho não bộ ăn một bữa ăn toàn đồ ăn nhanh: ngon miệng, kích thích tức thì, nhưng lại thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bền vững. Khi đã quen với nhịp độ đó, người trẻ sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng khi phải đối mặt với các nhiệm vụ đòi hỏi sự kiên nhẫn, tư duy logic, phân tích sâu như đọc sách, viết luận, hay thậm chí là tham gia vào các cuộc trò chuyện dài hơi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc quá nhiều với nội dung ngắn có thể làm giảm khả năng ghi nhớ dài hạn, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề phức tạp. Đây chính là biểu hiện của việc "thối não" – không phải là hư hỏng về mặt vật lý, mà là sự suy giảm chức năng nhận thức.
"Rỗng ruột" về giá trị và định hướng cuộc sống
Hàng ngày lướt video ngắn trên mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy những nền tảng này tràn ngập các trào lưu, hình mẫu hào nhoáng, cuộc sống "sang chảnh" được dàn dựng công phu. Giới trẻ, đặc biệt là những người đang trong quá trình định hình bản thân, rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh không thực tế này. Họ bắt đầu so sánh bản thân với những người khác trên mạng, nảy sinh cảm giác tự ti, lo lắng, và thậm chí là trầm cảm khi không đạt được những "tiêu chuẩn" ảo.
Hơn nữa, thuật toán của những nền tảng này tạo ra một "bong bóng lọc" (filter bubble), chỉ hiển thị những nội dung phù hợp với sở thích của người dùng, khiến họ ít tiếp xúc với các góc nhìn đa dạng, thông tin khách quan. Điều này làm suy yếu khả năng tư duy phản biện và hình thành một thế giới quan phiến diện, thiếu chiều sâu. Khi chỉ sống trong một "chiều không gian" nội dung nhất định, giới trẻ có thể mất đi khả năng cảm nhận và đánh giá các giá trị cuộc sống một cách toàn diện, dễ bị cuốn theo các trào lưu nhất thời mà thiếu đi định hướng và mục tiêu rõ ràng cho tương lai. Đây chính là sự "rỗng ruột" về mặt tinh thần và giá trị.
Vụ việc của Ngân "Baby" cùng những hệ lụy của nội dung ngắn đã vẽ nên một bức tranh đáng báo động về tình trạng "thối não, rỗng ruột" trong một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, thay vì chỉ dừng lại ở sự lo lắng hay lên án, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Công cuộc "cai nghiện" lướt video ngắn hay xây dựng lại giá trị cốt lõi không phải là điều dễ dàng, nhưng đó là con đường duy nhất để giải thoát bản thân khỏi vòng lặp tiêu cực và tìm lại sự minh mẫn trong tư duy, sự đầy đặn trong tâm hồn. Mỗi click, mỗi lượt xem, mỗi sự lựa chọn nội dung đều góp phần định hình tương lai nhận thức của chính chúng ta. Giờ đây, câu hỏi không còn là "Họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào?", mà là "Chúng ta sẽ làm gì để kiến tạo một thế hệ vững vàng, có chiều sâu và bản lĩnh trước những cám dỗ ảo?".
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!