Nhảy đến nội dung
 

Chính quyền địa phương 2 cấp đi vào đời sống

Ngày mai (1/7), cả nước sẽ chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp – cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã/phường. Đây không chỉ là một sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính, mà là một cuộc cải cách thể chế sâu sắc và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quản trị nhà nước hiện đại ở Việt Nam ta.

Với việc bỏ cấp huyện, mô hình mới mở ra một thời kỳ mới trong điều hành và tổ chức bộ máy nhà nước – tinh gọn hơn, hiệu lực hơn và gần dân hơn. Đằng sau quyết định mang tính lịch sử này là một tầm nhìn cải cách mạnh mẽ, một khát vọng kiến tạo nền hành chính phục vụ và một niềm tin rằng cải cách thể chế là đòn bẩy chiến lược để thúc đẩy phát triển bền vững.

Đột phá về cải cách thể chế và tinh gọn bộ máy

Cần nhấn mạnh rằng: việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp không đơn thuần là sắp xếp lại bộ máy, mà là một cuộc tái cấu trúc toàn diện mô hình quản trị ở cơ sở.

Trong suốt nhiều thập niên qua, mô hình ba cấp hành chính (tỉnh – huyện – xã) thực hiện trọn vẹn sứ mệnh lịch sử của mình, nhưng trong bối cảnh mới đã trở nên cồng kềnh, phân tán và thiếu rõ ràng về trách nhiệm. Việc bỏ cấp huyện là một bước đi táo bạo, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc xây dựng bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Giảm bớt tầng nấc trung gian đồng nghĩa với việc rút ngắn khoảng cách giữa người dân và người ra quyết định, từ đó tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực giám sát và trách nhiệm giải trình. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho xu thế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, trao thêm thực quyền cho cấp xã – nơi gần dân nhất.

Mô hình chính quyền gần dân, phục vụ dân

Mô hình chính quyền hai cấp đặt cấp xã vào trung tâm của quản trị địa phương. Từ một cấp vốn chỉ quen “chấp hành” và “chờ chỉ đạo”, nay chính quyền cấp xã/phường được giao quyền tổ chức thực hiện và trực tiếp ra quyết định trên nhiều lĩnh vực: đầu tư công nhỏ trên địa bàn, dịch vụ công, địa chính, dân cư, hộ tịch, quản lý xây dựng, môi trường, an sinh xã hội…

Đặc biệt, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, HĐND phường hoạt động theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) từ 1/7 – sau thời gian dài không tổ chức HĐND cấp phường ở các thành phố này. Cơ quan dân cử sẽ hoạt động giám sát, phản biện và đại diện cho tiếng nói của người dân ngay trong lòng đô thị, nơi mà những vấn đề như trật tự xây dựng, an toàn thực phẩm, kẹt xe hay khoảng cách giàu nghèo… đều cần có tiếng nói của dân cư tại chỗ.

Chính quyền xã, phường giờ đây không còn là “cánh tay nối dài” đơn thuần, mà thực sự trở thành “đầu não tại chỗ” – với trách nhiệm vận hành bộ máy, thực hiện chính sách và giải trình trước người dân. 

Kỳ vọng lớn từ người dân và xã hội

Bất kỳ cải cách thể chế nào cũng đều hướng đến mục tiêu sau cùng: làm cho đời sống người dân tốt lên. Và chính người dân – chứ không ai khác – là những người đặt nhiều kỳ vọng nhất vào mô hình chính quyền địa phương hai cấp sắp được vận hành.

Họ kỳ vọng rằng các thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nhanh hơn, ít tầng nấc hơn; cơ quan công quyền sẽ trả lời rõ ràng, chịu trách nhiệm trực tiếp, thay vì vòng vo hoặc né tránh. Những khoản chi tiêu và đầu tư công sẽ trở nên minh bạch hơn và có cơ chế giám sát rõ ràng hơn. Quan trọng hơn cả, tiếng nói của người dân – qua phản ánh, kiến nghị – sẽ được tiếp nhận và phản hồi thực chất hơn, không còn bị đẩy lên – chuyển xuống một cách lòng vòng như trước.

Không chỉ người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng trông đợi rất nhiều vào mô hình mới. Họ mong đợi một môi trường hành chính đơn giản, minh bạch, có thể dự báo được, và đặc biệt là ít rủi ro “xin – cho”, nhất là trong các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh hay đầu tư quy mô nhỏ tại địa phương.

Về phía giới chuyên gia, trí thức và cán bộ hành chính, mô hình mới mở ra cơ hội để áp dụng các tư duy và phương pháp quản trị hiện đại, chuyển từ “quản lý con người” sang “quản lý công việc và kết quả đầu ra”, từ xử lý sự vụ sang tổ chức công vụ một cách chuyên nghiệp và khoa học hơn.

Những kỳ vọng ấy không chỉ phản ánh nhu cầu cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền, mà còn thể hiện khát vọng rất chính đáng về một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và thực sự phục vụ nhân dân. Đó chính là động lực mạnh mẽ nhất để cải cách thể chế không dừng lại ở việc tổ chức lại bộ máy, mà phải đi đến tận cùng – là đổi thay trong cách vận hành, cách phục vụ và cách tiếp cận người dân.

Thách thức không nhỏ trên hành trình cải cách

Dù kỳ vọng là rất lớn, nhưng cũng cần nhìn thẳng vào những thách thức không nhỏ mà mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang và sẽ phải đối mặt trong quá trình triển khai thực tế.

Trước hết là vấn đề năng lực cán bộ xã/phường. Không ít cán bộ trước đây chỉ quen xử lý các công việc hành chính thuần túy, nay phải chuyển sang vai trò điều hành thực chất – từ ra quyết định đầu tư nhỏ, quản lý ngân sách, đến giải quyết các vấn đề xã hội. Những nhiệm vụ ấy không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn, mà còn cần kỹ năng điều hành, tư duy hệ thống và bản lĩnh chính trị. Việc chưa được đào tạo bài bản hoặc thiếu trải nghiệm thực tiễn có thể khiến nhiều cán bộ lúng túng, thậm chí bị động trước yêu cầu mới.

Thách thức thứ hai là tăng cường nguồn lực cho cấp xã/phường. Phân quyền mà không đi kèm với phân bổ nguồn lực thì quyền năng sẽ bị hạn chế. Để chính quyền xã có thể thực sự “gánh vác” công việc trên địa bàn, chúng ta cần nghiên cứu, sớm điều chỉnh lại cơ chế phân cấp ngân sách, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và bổ sung nhân lực chất lượng.

Một thách thức khác đến từ tâm lý e dè, ngại va chạm, sợ sai ở một bộ phận cán bộ, công chức. Cán bộ ở cấp gần dân nhất đồng thời cũng là cấp chịu áp lực xã hội nhiều nhất – từ dư luận, truyền thông, đến thanh tra, kiểm tra. Nếu không có cơ chế bảo vệ hợp lý, thì việc "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" sẽ rất khó thành hiện thực. Cần có cơ chế để nỗi sợ không lấn át tinh thần cải cách, để bộ phận cán bộ này không rơi vào trạng thái làm việc cầm chừng, an toàn, hình thức.

Những thách thức trên là có thật và không thể xem nhẹ. Nhưng chính trong việc nhận diện rõ ràng và đối diện thẳng thắn với thách thức, chúng ta mới có thể tìm ra giải pháp khả thi để cải cách không chỉ được khởi động – mà còn được hoàn tất một cách thực chất và bền vững.

Phải giữ vững đoàn kết – Nền tảng của cải cách thành công

Trong bài viết mang tên “Sức mạnh của đoàn kết”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một chân lý: “Không có sức mạnh nào lớn hơn sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công cuộc đổi mới”.

Chúng ta cần một khối đoàn kết thực sự trong bộ máy để mô hình chính quyền địa phương hai cấp vận hành hiệu quả. Cán bộ cần đồng lòng vượt qua khó khăn, không ngại thay đổi. Người dân cần đồng hành, chia sẻ và giám sát tích cực. Cả hệ thống cần chung mục tiêu: xây dựng một nền hành chính liêm chính, minh bạch, hiệu quả và phục vụ.

Ngày 1/7 sẽ là một mốc son trong tiến trình cải cách nhà nước ở nước ta. Nhưng đó không phải là ngày về đích, mà là ngày xuất phát của một hành trình đầy thách thức nhưng cũng tràn đầy niềm tin, hy vọng.

Tác giả: TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông được biết đến là chuyên gia về các vấn đề khoa học chính trị; tham gia Nhóm tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn