Thách thức với hoạt động khai thác khoáng sản ở Ukraine

Mỹ và Ukraine ngày 30/4 ký thỏa thuận mở đường cho việc đầu tư chung vào tài nguyên thiên nhiên của Ukraine. Hai bên thiết lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine và 50% số tiền thu được từ các dự án cấp phép mới trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu và khí đốt ở Ukraine sẽ được đưa vào quỹ.
Theo Dữ liệu Khai khoáng Thế giới (WMD) năm 2024, ấn phẩm thường niên do Bộ Tài chính Áo phát hành, Ukraine xếp thứ 40 trong số các quốc gia khai thác khoáng sản và sở hữu khoảng 5% trữ lượng khoáng sản của thế giới. Forbes Ukraine hồi tháng 4/2023 từng ước tính nước này có trữ lượng tài nguyên 111 tỷ tấn, trị giá 14,8 nghìn tỷ USD, trong đó có những loại khoáng sản quan trọng như sắt, mangan, than chì, titanium, lithium và uranium.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, các dự án khai thác khoáng sản tại Ukraine đã đối mặt nhiều khó khăn như hoạt động thăm dò không được đầu tư, cơ sở hạ tầng yếu kém hay bản đồ lỗi thời.
Robert Muggah, giám đốc tại SecDev, công ty tính toán rủi ro địa chính trị, cho biết việc khai thác nhiều khoáng sản quan trọng mà Mỹ đang theo đuổi sẽ "cần hàng tỷ USD đầu tư".
Willy Shih, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard chuyên nghiên cứu về chuỗi cung ứng, cho biết việc phát triển một mỏ mới "có thể mất 10 năm hoặc hơn".
Việc biết chính xác vị trí và khối lượng tài nguyên khoáng sản của Ukraine là một thách thức. Hầu hết các bản đồ và ước tính có sẵn đều dựa trên những nghiên cứu cũ từ thời Liên Xô. Nếu muốn khai thác thương mại các mỏ mới, chủ sở hữu phải tiến hành hàng loạt hoạt động khảo sát, điều tra bổ sung.
Công ty Ukraine UkrLithiumMining đang đi theo con đường này. Kể từ khi nhận được giấy phép khai thác từ chính phủ Ukraine vào năm 2017, công ty đang phát triển mỏ lithium đầu tiên của Ukraine. Họ đã chi hơn 20 triệu USD để xin giấy phép và tiến hành các nghiên cứu nhằm tìm hiểu chính xác có những gì trong lòng đất.
Doanh nghiệp đã chi khoảng một triệu USD cho một công ty tại Anh để thực hiện báo cáo tác động môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư.
Trước khi bất kỳ hoạt động khai thác nào có thể bắt đầu, họ cần chi thêm ít nhất 350 triệu USD để tiến hành "nghiên cứu tính khả thi chắc chắn" và xây dựng các cơ sở phục vụ việc khai thác và xử lý đá.
"Người ta cứ ảo tưởng rằng có thể đơn giản cầm xẻng đến và đào tiền lên từ lòng đất", Denys Aloshyn, giám đốc chiến lược của UkrLithiumMining, cho hay.
Hơn nữa, đối với các công ty khai thác ở Ukraine hiện nay, cuộc xung đột đang diễn ra với Nga cũng khiến họ vô cùng chật vật.
Nhà sản xuất titan Velta có mỏ lộ thiên và hai nhà máy nằm cách tiền tuyến khoảng 450 km. Họ đã thường xuyên phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp điện do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine. Năm ngoái, công ty chỉ hoạt động ở mức 50% công suất nhà máy. Trong khi đó, chi phí hậu cần đã tăng gấp ba lần.
"Cơ sở hạ tầng năng lượng bị ảnh hưởng rất nhiều do chiến sự và đó là vấn đề nghiêm trọng mà các nhà sản xuất Ukraine phải đương đầu", giám đốc điều hành Velta Andriy Brodskyy nói.
Nhưng bất chấp những thách thức, Velta vẫn lên kế hoạch phát triển, trong đó có việc thảo luận với các nhà đầu tư Mỹ về những dự án mới.
Aloshyn cho biết UkrLithiumMining cũng có những ấp ủ riêng nhưng trước tiên cần phải thu hút đầu tư. Mỏ của họ nằm ở vùng Kirovohrad, nơi xa tiền tuyến. Tuy nhiên, Aloshyn thừa nhận công ty khó có khả năng đảm bảo được nguồn tài trợ cần thiết để bắt đầu khai thác nếu chiến sự chưa kết thúc.
"Tôi không tin rằng điều đó sẽ xảy ra trước khi xung đột chấm dứt hoặc trước khi có những đảm bảo an ninh rất mạnh mẽ được đưa ra đối với Ukraine", ông nói. "Nếu thiếu đảm bảo an ninh, không giám đốc điều hành nào có đủ lý trí sẽ quyết định đầu tư".
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)