Sắp xếp đơn vị hành chính: "Đất nước là quê hương!"

Đó là lời của Tổng Bí thư Tô Lâm khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 16/4 vừa qua.
Theo đó, khi đề cập đến việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư nêu rõ đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt để đi đến thống nhất cao về thực hiện chủ trương này với nguyên tắc, tiêu chí thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xác định tên gọi và địa điểm đặt trung tâm chính trị - hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp; các tiêu chí, tiêu chuẩn và định hướng sắp xếp cấp xã.
Theo Tổng Bí thư, triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân - Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "đất nước là quê hương".
Khi Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu câu nói trên, cũng như nhiều người khác, tôi đã lặng đi vì xúc động. "Đất nước là quê hương" - một câu nói đơn giản, nhưng đã thể hiện rất rõ tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư khi ông chia sẻ một nhận thức chung là tình yêu Tổ quốc phải rộng lớn hơn, bao trùm lên tình yêu đối với bất kỳ địa phương, dòng họ, làng xã riêng biệt nào.
Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, câu nói "Đất nước là quê hương" là lời hiệu triệu để cả dân tộc "vươn mình" thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.
Là người cả đời làm trong ngành Ngoại giao, tôi đã có dịp đi nhiều nước và thấy rằng xu hướng bản vị vùng miền không phải là hiện tượng riêng có của người Việt Nam, rất nhiều quốc gia cũng xuất hiện tâm lý này. Ở Việt Nam, cũng như một số nước khác, tâm lý vùng miền có đặc điểm là không chỉ dừng lại ở cấp vĩ mô (giữa các vùng lớn) mà còn thể hiện rõ rệt ở cấp vi mô nhất - đến từng làng xã, từng dòng họ. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử phát triển xã hội Việt Nam, với truyền thống văn hóa làng xã biệt lập, tự cung tự cấp qua nhiều thế kỷ, phần nào được thể hiện qua câu tục ngữ "Phép vua thua lệ làng".
Những năm tháng công tác xa quê hương, giúp tôi trải nghiệm một cách sâu sắc rằng, khi đi ra nước ngoài thì chúng ta (người Việt Nam) dù không cùng quê, cùng tỉnh, cùng vùng song vẫn coi nhau như người một nhà và đều có thể chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau hết sức tự nhiên, hết sức vô tư và hoàn toàn không bị tâm lý vùng miền chi phối.
Người Việt Nam ở nước ngoài, dù vẫn có những hội đồng hương theo các cấp lớn nhỏ khác nhau, nhưng với họ, cứ là người Việt Nam đã đủ trở thành "đồng hương" của nhau rồi. Đối với họ, đất nước Việt Nam thực sự là quê hương chung, những gì diễn ra ở bất cứ vùng miền nào của Việt Nam luôn chạm đến trái tim họ, khiến họ có thể vui mừng, tự hào, hoặc lo lắng tùy từng trường hợp cụ thể.
Với người nước ngoài thì dĩ nhiên họ chỉ quan niệm chúng ta là người Việt Nam, đến từ đất nước Việt Nam, chứ ít khi phân biệt được cụ thể là người vùng miền nào. Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, cuộc canh tranh phát triển đang diễn ra giữa các quốc gia, nước nào "chậm chân" sẽ tụt hậu, vì thế ở tầm nhìn chiến lược thì chúng ta phải nhìn tổng thể quốc gia, dân tộc chứ không thể nhìn ở tâm lý, tâm trạng vùng miền.
Dĩ nhiên việc gắn bó sâu đậm với quê cha đất tổ, hương khói tổ tiên và mộ phần dòng họ là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Tâm lý "chưa đi đã nhớ, đi rồi lại thương" với quê hương bản quán cũng là tình cảm chân thành, rất đáng được trân trọng. Nhưng quê của mỗi người vẫn còn đó, và sẽ phát triển cùng với sự đi lên cùng đất nước, cùng với quá trình sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới hiện nay cũng như trong thời gian tới.
Cũng cần khẳng định rằng, những giá trị văn hóa đặc trưng của từng vùng miền sẽ không bị phai mờ, ngược lại đây là quá trình nâng tầm các giá trị địa phương thành tài sản chung của cả đất nước, theo tinh thần "đa dạng trong thống nhất". Không phải là sự đánh đổi giữa tình yêu quê hương và tình yêu đất nước, mà là sự mở rộng tầm nhìn, nâng tầm tư duy từ cục bộ lên toàn cục.
Cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính sẽ mở rộng không gian phát triển của các địa phương. Chúng ta có quyền hy vọng rằng sức mạnh của từng vùng miền nói riêng và của cả đất nước nói chung sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Và đó chính là một trong những tiền đề quan trọng để cả dân tộc chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới.
Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!