Nhà cửa, ôtô 'bay' theo nhà cái vì chồng nghiện cá độ bóng đá

Khi mùa giải vô địch bóng đá các quốc gia Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý...) chuẩn bị bước vào thời điểm hạ màn, với vô số các trận cầu sôi động, hấp dẫn trên sân cỏ để tìm ra nhà vô địch cũng như xác định các thứ hạng để được tham dự các cúp châu Âu mùa sau, cũng là lúc mà không ít trường hợp co nghiện cá độ lao vào cuộc đỏ đen với tất cả sự mù quáng, với mong muốn gỡ gạc.
Nhiều năm qua, chính tôi cũng từng chứng kiến không ít trường hợp cũng chỉ vì đam mê cá độ bóng đá mà tán gia bại sản, cuộc đời trở nên bi đát. Không ít người còn tan vỡ hạnh phúc gia đình, khi chính họ không chỉ tự làm khổ bản thân, mà còn làm liên lụy vợ con, thậm chí cả người thân trong gia đình mình...
Chẳng nói đâu xa, ngay như cô bạn học chung với tôi từ ngày còn ở quê, hiện sinh sống ở khu dân cư ven thành phố, cũng có chồng đam mê cá độ bóng đá từ nhiều năm nay. Cô bạn tâm sự rằng hồi yêu nhau, và cả khi mới cưới được vài năm, cô không hề hay biết chồng có "máu cá độ", mà chỉ thấy anh mê xem bóng đá. Cứ nghĩ đàn ông con trai đam mê và thường xuyên xem bóng đá cũng là chuyện bình thường, nào ngờ mãi sau, bạn mới vỡ lẽ rằng chồng mình còn "kiêm" luôn cả "môn" cá độ.
Trong trận bán kết lượt đi Champions League hồi đầu tháng 5 vừa qua, anh chồng cá độ lên tới 50 triệu đồng, với mong muốn gỡ gạc lại cho vài trận thua trước đó. Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, kết cục số tiền đó cũng "bay" theo nhà cái, khi kết quả cuối cùng là tỷ số hòa 3-3.
>> Mua ba ôtô nhưng mất hết vì cờ bạc
Ngay sau trận bóng đó, cô bạn tôi gọi điện cầu cứu tôi, hỏi vay 50 triệu đồng để trả nợ cho chồng. Bạn giải thích rằng, do chồng gọi báo cá độ qua dân xã hội đen, mà theo "luật ngầm", khi thua độ thì ngay chiều hôm sau phải thanh toán tiền, chứ không thể nợ lâu được. Cô lo lắng nếu không chạy vạy được số tiền ấy để trả nợ, chồng sẽ bị bọn chúng đánh, thậm chí cả gia đình còn bị "khủng bố", gây rắc rối...
Thoạt đầu, trong thâm tâm, tôi có suy nghĩ không muốn giúp, bởi nếu cho bạn vay tiền, hoặc đi vay hộ chăng nữa, thì chồng của bạn sẽ vẫn không thể từ bỏ cái "máu cờ bạc, cá độ" ấy đi được. Có vợ lo toan cáng đáng, nên anh ta vẫn sẽ cứ chơi bời mà không cần biết tương lai. Thế nhưng, về sau, tôi lại thương tình và đồng ý cho bạn vay số tiền như mong muốn để trả nợ.
Thực ra, đây không phải lần đầu bạn vay tiền tôi để trả nợ cá độ cho chồng. Trong khoảng bốn năm trở lại đây, đây đã là lần thứ sáu, khi thì vài triệu, lúc vài chục triệu... Trong số những lần cô bạn vay tiền đó, do trong nhà không có tiền, không thể giúp được, tôi cũng đã phải đi vay lãi hộ cho bạn ở bên ngoài, với mức lãi suất "cắt cổ" từ 3.000-5.000 đồng một ngày cho mỗi triệu.
Cuộc đời của bạn những tưởng sung sướng, hạnh phúc khi chồng cô vốn là người gốc thành phố, có nghề kiến trúc sư, với mức thu nhập cao, gia đình chồng lại khá giả. Khi ấy, tôi thấy mừng cho bạn. Vậy mà sung sướng hạnh phúc chẳng tày gang, chỉ được một thời gian ngắn khi hai đứa con ra đời cũng là lúc chồng cô bắt đầu đổ đốn, sinh nghiện lô đề, cờ bạc, trong đó mê nhất là cá độ bóng đá. Chồng cô bỏ bê công việc, suốt ngày đêm vùi đầu vào các trận bóng, canh tỷ số, "nghiên cứu" để đặt độ.
Một thời gian sau, anh chồng bị cơ quan đuổi việc vì nhiều lỗi vi phạm, không hoàn thành công việc được giao. Vì quá đam mê, thua lại ham gỡ, nên khi số tiền tích góp của cả hai vợ chồng trong bao năm làm lụng không còn nữa, thì cũng là lúc các vật dụng, tài sản có giá trị trong nhà như: ôtô, xe máy, tivi, tủ lạnh... cũng lần lượt "đội nón" ra đi để trả nợ tiền thua bóng, cờ bạc.
Bạn tôi nhiều lần có ý định ra tòa ly hôn để giải thoát bản thân cho khỏi "nặng gánh", nhưng vì các con, vì tương lai của chúng, nên lại không đành, cứ cố chịu đựng. Bạn kể rằng, suốt năm vừa rồi, chồng thua cá độ tới hơn 200 triệu đồng. Bạn phải về quê vay tiền của bố mẹ đẻ, anh chị em trong nhà để trả nợ cho chồng. Giờ trong nhà chẳng còn cái gì có thể bán ra tiền được nữa, nếu chồng vẫn tiếp tục lún sâu vào cá độ, bạn không biết xoay xở thế nào?
Tình cảnh và nỗi khổ của cô bạn tôi khi có chồng "nghiện" cá độ bóng đá, giống y hệt một cô em hàng xóm cạnh nhà tôi. Cô gái này từ tỉnh lên thành phố học tập, ở lại làm việc và lấy chồng. Hai vợ chồng cùng làm trong một công ty liên doanh với nước ngoài, thu nhập cao, nên từ mấy năm trước đã có tiền mua được căn nhà ba tầng lầu, rộng gần 100 m2, với giá hơn 6 tỷ đồng.
Cách đây vài tháng, tôi thấy họ treo biển "bán nhà", cứ nghĩ chắc có tiền và chuyển đi mua biệt thự, hay những chỗ có sân vườn rộng rãi để ở cho cuộc sống chất lượng, thoải mái hơn... Nào ngờ, lúc nghe cô vợ tâm sự, tôi mới biết là cô bán nhà để trả nợ tiền cá độ bóng đá gần 2 tỷ cho chồng. Cô kể, chồng đánh cá độ hàng ngày, giải nào cũng cá, thậm chí là các trận thuộc giải vô địch Châu Phi, Nam Mỹ, và các trận bóng đá nữ...
Khi thua, không có tiền, anh lại đi vay nợ để "đậy" vào. Và cứ thế, sau vài năm "làm bạn" với cá độ bóng đá, chồng của cô ấy đã "đốt" mất gần 2 tỷ đồng - số tiền mà một người lao động phổ thông bình thường có thể làm cả đời cũng không ra nổi. Giờ cô vợ tính bán ngôi nhà, trước hết sẽ trả nợ cho chồng, còn lại ít tiền sẽ mua một căn hộ chung cư bình dân để ở. Tính toán là vậy nhưng cô vẫn chưa thể yên tâm vì không biết chồng có bỏ nổi cái máu "nghiện" cờ bạc đi không?
Người đời từng bảo "cờ bạc là bác thằng bần", một khi đã dính vào cờ bạc không chỉ tiền, tài sản sạch bách, mà nhiều gia đình trở nên tan vỡ, con cái bơ vơ. Nhưng cũng có câu "quay đầu là bờ", nên hy vọng các ông chồng đã và đang dính vào cờ bạc nói chung và cá độ bóng đá nói riêng hãy biết điểm dừng, nhanh chóng "đoạn tuyệt" với cờ bạc, cá độ. Tôi tin không lúc nào là quá muộn cả!
Nguyễn Gia Long