Ý nghĩa chiếc nhẫn Ngư phủ và dây Pallium của Giáo hoàng

Giáo hoàng Leo XIV đã nhận chiếc nhẫn Ngư phủ và dây Pallium biểu tượng cho uy quyền Giáo hoàng tại buổi lễ đăng quang ở Quảng trường Thánh Peter chiều nay 18.5.
Dây Pallium là một dải len cừu tượng trưng cho vai trò chủ chăn của Giáo hoàng và chiếc nhẫn được gọi là nhẫn Ngư phủ nhằm vinh danh vị giáo hoàng đầu tiên, Thánh Peter, người xuất thân là một ngư dân.
Giáo hoàng Leo XIV được bầu ra tại mật nghị hồng y cách đây 10 ngày, sau khi cố Giáo hoàng Francis qua đời.
Sau một số nghi thức như đến hầm mộ Thánh Peter và vái lạy, Giáo hoàng Leo XIV trở lại quảng trường để đón nhận nhẫn Ngư phủ cùng dây Pallium.
Dây Pallium là một dải len trắng được đeo quanh cổ, với hai đầu buông xuống trước và sau, được trang trí bằng 6 thập tự giá đen. Đây là biểu tượng của quyền mục tử và sự hiệp thông với Tòa Thánh, đặc biệt dành cho các tổng giám mục và Giáo hoàng, theo Vatican News.
Trong khi đó, nhẫn Ngư phủ là một chiếc nhẫn vàng khắc hình Thánh Peter đang đánh cá. Xưa nay, nhẫn này được sử dụng để đóng dấu sáp trên các tài liệu chính thức của Giáo hoàng.
Sau khi một giáo hoàng qua đời, nhẫn này được phá hủy để ngăn chặn việc sử dụng trái phép và đánh dấu sự kết thúc của triều đại giáo hoàng đó.
Ngày 18.5, thánh lễ đăng quang của Giáo hoàng XIV tại Vatican có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, đại diện cấp cao các nước. Danh sách các vị khách tham dự buổi lễ có Phó tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều thành viên hoàng gia, tổng thống, thủ tướng, lãnh đạo và chức sắc quốc tế.
Giáo hoàng Leo XIV nguyên là Hồng y Robert Francis Prevost (70 tuổi), sinh ra ở TP.Chicago (Mỹ), mang hai quốc tịch Mỹ và Peru. Ông Prevost đã dành 2 thập niên làm công tác truyền giáo ở Peru và chỉ mới được phong làm hồng y vào năm 2023.