Nhảy đến nội dung

Người Việt bối rối với văn hóa công sở Nhật Bản

"Sếp nói công ty bắt đầu giờ làm từ 9h. Tôi đến trước 15 phút mà vẫn là người có mặt muộn nhất", chàng trai 30 tuổi quê Bắc Giang nói.

Kiên mới xin làm thiết kế cho một công ty xây dựng ở tỉnh Saitama. Đồng nghiệp của anh ngày nào cũng đến trước giờ làm một, hai tiếng và hiếm khi ra về đúng giờ, hầu hết ở lại đến tối muộn.

"Thời gian đầu tôi cảm thấy ngột ngạt, áp lực vô cùng. Giờ làm việc thì dài, không khí ở văn phòng rất yên ắng, tập trung cao độ, không ai nói chuyện hay cười đùa", Kiên nói.

Tuy nhiên, sau tan làm, nhân viên các phòng, ban và sếp sẽ cùng nhau đi ăn uống để giải tỏa căng thẳng. Đây là khoảng thời gian tất cả được cười đùa thoải mái, giới thiệu, làm quen với nhau.

"Phòng tôi tụ tập tuần 3,4 lần, người Nhật gọi đây là "nomikai" - tiệc rượu sau giờ làm, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng thu xếp để gặp mặt", Kiên nói.

Hồng Nhung, 26 tuổi, quê Nam Định lại có một khởi đầu hoàn toàn trái ngược trong ngày đầu làm kế toán cho một công ty IT ở tỉnh Kanagawa, cuối tháng 9/2024. Cô được cả công ty mở tiệc liên hoan chào đón nhân sự mới. Tất cả đều tham gia và chủ động làm quen.

Tuy nhiên, những nguyên tắc, văn hóa ứng xử ở môi trường mới cũng khiến cô mất nửa năm để học và thích nghi.

Ở công ty này, khi mới đến hay lúc ra về nhân viên đều phải chào hỏi tất cả đồng nghiệp, kể cả không quen biết trong công ty kèm lời động viên "Bạn đã vất vả rồi". Khi muốn cấp trên hay những người đi trước chỉ dẫn, nhân viên mới phải quỳ gối để lắng nghe.

"Quỳ gối ở Nhật được hiểu là ngồi thẳng, một hành động thể hiện sự tôn kính, trân trọng", Nhung nói. Sau khi nhận được sự giúp đỡ từ ai đó, cô sẽ phải cúi gập người để cảm ơn.

"Trong giờ làm, mọi người dù bận rộn nhưng không ai được phép thở dài hay tỏ mệt mỏi tránh ảnh hưởng tới người khác. Nếu vô tình hắt xì hay gây ra tiếng động họ cũng sẽ xin lỗi vì đã làm phiền", Nhung kể.

Văn hóa công ty hay môi trường công sở ở Nhật Bản là một trong những thử thách lớn nhất với lao động nước ngoài, khiến họ mất nhiều thời gian để làm quen và thích ứng.

Khảo sát của công ty phát triển nhân sự Recruit Management Solutions đầu tháng 4/2024 cho thấy có 26% nhân viên mới cho rằng quy tắc ứng xử công sở ở Nhật cứng nhắc, cổ hủ, hơn 18% nói khó khăn, phức tạp trong khi 14% nói các quy tắc này "rất phiền toái". Những điều bị cho là phiền toái thường liên quan đến giao tiếp chào hỏi, lời nói và hành vi ở các buổi tiệc.

Chính các quản lý người Nhật cũng thừa nhận đào tạo nhân viên mới về tác phong, văn hóa là điều khó khăn (chiếm 50%).

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi tính đến tháng 10/2024 Nhật Bản có khoảng hai triệu lao động nước ngoài, người Việt chiếm hơn 25%.

Guidable Jobs - cổng thông tin về lao động nước ngoài tại Nhật cũng cho biết số người Việt Nam ở lại Nhật Bản ngày càng tăng qua từng năm cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của lực lượng lao động này với nền kinh tế Nhật Bản. Nhiều nhà quản lý phải có hiểu biết về đặc điểm, văn hóa, truyền thống của người Việt để làm việc đạt hiệu quả cao nhất.

Theo PGS TS Phạm Thị Thu Giang, giám đốc chương trình đào tạo cử nhân Nhật Bản học, Trường Đại học Việt - Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, sốc văn hóa là vấn đề thường gặp của du học sinh và người lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở các quốc gia có nền văn hóa tập thể, làm việc kỷ luật, quy tắc nghiêm ngặt như Nhật Bản.

Đối với người Nhật, thời gian là thứ cần tuân thủ nghiêm ngặt không khác gì pháp luật. Khi đi làm, họ luôn muốn đến sớm để đảm bảo hoàn thành tốt công việc trong ngày. Người Nhật sẽ không tha thứ cho việc muộn giờ và không chấp nhận mọi lý do nếu trễ deadline, công việc không hiệu quả.

Ngoài ra, trong văn hóa công sở, người Nhật cũng rất để ý những chi tiết nhỏ như cách chọn trang phục đi làm, cách để kiểu tóc, tông giọng nói chuyện tùy vào hoàn cảnh cụ thể.

"Để người trẻ dễ dàng thích nghi, trong quá trình đào tạo, các bạn sinh viên nên trực tiếp đến thực tập tại các doanh nghiệp của Nhật Bản hoặc học hỏi kiến thức từ các cán bộ có kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến Nhật", bà Giang nói.

Theo PGS TS Phạm Ngọc Trung, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc làm việc trong môi trường đòi hỏi cường độ công việc cao, tập trung tuyệt đối, làm việc tận tâm, học văn hóa đúng giờ cũng giúp cho người Việt rèn luyện được tính kỷ luật với bản thân và phát triển hơn trong tương lai.

"Điều quan trọng nhất khi làm việc ở Nhật là bạn phải thông thạo tiếng Nhật để có thể hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán, giúp bạn dễ hòa nhập hơn", chuyên gia Trung nói.

Hiện nay, nhiều công ty Nhật Bản cũng thay đổi cách thức quản lý, tiếp cận để lao động nước ngoài, đặc biệt người Việt có thể dễ dàng thích nghi với văn hóa làm việc ở đây.

"Người Việt siêng năng, cần cù, ham học hỏi nhưng doanh nghiệp cần khéo léo trong cách hướng dẫn, nhắc nhở về giờ giấc và cần có lộ trình thăng tiến, chế độ đãi ngộ rõ ràng", Guidable Jobs đưa tin.

Hơn 6 năm làm kỹ sư thiết kế ô tô cho một công ty ở Tokyo, Văn Hùng nói anh học được tư duy "làm đúng ngay từ lần đầu tiên". Việc cẩn thận, kỷ luật để không mắc lỗi và luôn hoàn thành deadline trước hạn giúp Hùng ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn và thuận lợi hơn trong việc thăng tiến.

Chàng trai 34 tuổi quê Nghệ An cho biết mức thu nhập mỗi tháng của anh khoảng 60 triệu đồng. Dù công việc áp lực nhưng Hùng thấy xứng đáng bởi những phúc lợi được hưởng như được hỗ trợ nhà ở, trợ cấp ăn uống, được hưởng chế độ nghỉ có trợ cấp để chăm con nhỏ đến khi con một tuổi và nhiều chế độ khác.

Sau nhiều lần muốn nghỉ việc bởi sốc văn hóa, Tuấn Kiên nói dần thích nghi được, cảm thấy bớt lạc lõng, căng thẳng bởi sau giờ làm mọi người lại trở nên hòa đồng, vui vẻ và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Còn Hồng Nhung, cô học thêm tiếng Nhật nâng cao và giao tiếp nhiều hơn với đồng nghiệp để làm quen với văn hóa lối sống của họ.

"Làm việc ở Nhật giúp tôi khéo léo hơn trong ứng xử, trở thành người tinh tế hơn và luôn thận trọng, chỉn chu trong mọi việc", Nhung nói.

Nga Thanh

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn