"Bến neo" tinh thần trong hành trình 50 năm

Tôi sinh ra sau ngày thống nhất đất nước không lâu. Ký ức về chiến tranh không còn in rõ trên từng vết đạn hay hố bom nơi tôi lớn lên, nhưng lại khắc sâu trong những câu chuyện kể của cha mẹ, trong từng bài thơ, trang sách, thước phim mà tâm hồn thế hệ tôi được nuôi dưỡng từ nhỏ.
Có lẽ vì thế, văn học, nghệ thuật đối với tôi không chỉ là phương tiện cảm xúc - nó là nền tảng hình thành nên nhân cách, là ánh sáng dịu dàng nhưng bền bỉ dẫn đường cho những lựa chọn lớn của đời mình.
Và hôm nay, khi ngồi viết những dòng này - trong vai trò là một đại biểu Quốc hội chuyên trách lĩnh vực văn hóa - tôi càng nhận thức rõ hơn bao giờ hết: nếu không có văn học, nghệ thuật, hành trình phát triển của dân tộc Việt Nam suốt 50 năm qua sẽ không hoàn hảo. Văn học, nghệ thuật không phải đứng bên lề lịch sử. Nó đi song hành, nhiều khi đi trước, và luôn là tấm gương phản chiếu chân thực - đôi lúc gai góc, đôi lúc diễm lệ - nhưng luôn giàu nhân văn, về chính chúng ta.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), văn học, nghệ thuật bước vào một giai đoạn mới - không còn chỉ phản ánh chiến tranh và ý chí thống nhất Tổ quốc, mà khắc họa không khí mới xây dựng đất nước và cả những nỗi đau hậu chiến, những trăn trở và niềm tin trong hành trình hồi sinh.
Tôi còn nhớ các tác phẩm như "Mùa lá rụng trong vườn" của Ma Văn Kháng, "Bao giờ cho đến tháng Mười" của Đặng Nhật Minh, hay các vở cải lương như "Tô Ánh Nguyệt" tái dựng... đều gợi nhắc đến những phận người nhỏ bé trong đại cuộc. Nghệ thuật giai đoạn này như một bàn tay nhẹ nhàng chạm vào vết thương, không để lãng quên quá khứ nhưng cũng không trói buộc tương lai vào nỗi đau.
Bắt đầu từ năm 1986 - khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới - văn học, nghệ thuật cũng trải qua một cuộc lột xác đầy bản lĩnh. Từ chỗ lấy sử thi và chủ nghĩa anh hùng làm trung tâm, các tác phẩm bắt đầu đi sâu vào đời sống cá nhân, vào những mâu thuẫn, giằng xé và biến động tâm lý. Tôi từng xúc động thật sự khi đọc "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh - một tiểu thuyết không đơn thuần kể chuyện chiến tranh, mà đào sâu vào cảm xúc hậu chiến, với tất cả những đau thương, hoài nghi và khao khát yêu thương. Cùng thời gian đó, "Thời xa vắng" của Lê Lựu, "Gánh xiếc rong" của Việt Linh, "Cô gái trên sông"... đã mở đường cho một nền nghệ thuật phản biện và đầy dũng khí.
Từ năm 2000 đến nay, khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế, văn học nghệ thuật cũng phải tìm cách định vị mình trong một thế giới mở - nơi mọi giá trị đều được thử thách lại, nơi cạnh tranh không chỉ đến từ quốc nội mà từ khắp năm châu. Đây là giai đoạn mà chúng ta chứng kiến sự lên ngôi của văn học mạng, nghệ thuật đương đại, điện ảnh độc lập và đặc biệt là sự tham gia mạnh mẽ của thế hệ trẻ.
Điều làm tôi ấn tượng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái cũ và cái mới - giữa truyền thống và công nghệ. Chẳng hạn, bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không chỉ tái hiện sinh động cuộc kháng chiến dưới lòng đất ở Củ Chi, mà còn truyền tải thông điệp nhân văn một cách hiện đại, kỹ thuật cao và giàu cảm xúc. Phim vừa có doanh thu ấn tượng, vừa trở thành điểm nhấn nghệ thuật trong dịp 30/4 năm nay. Đó là minh chứng cho việc: đề tài lịch sử - nếu được làm bằng tâm huyết và kỹ thuật hiện đại - vẫn đủ sức chạm đến trái tim công chúng.
Tương tự, video ca nhạc "Bắc Bling" của ca sĩ Hòa Minzy, kết hợp với nghệ sĩ Xuân Hinh, Tuấn Cry và nhà sản xuất Masew, đã trở thành hiện tượng âm nhạc không chỉ bởi giai điệu bắt tai, mà bởi sự pha trộn độc đáo giữa âm nhạc dân gian Bắc Bộ và nhịp sống hiện đại. Khi một sản phẩm đậm chất truyền thống có thể lọt top xu hướng toàn cầu, ta biết rằng: văn hóa dân tộc vẫn còn nguyên sức sống, nếu được làm mới bằng tinh thần trẻ trung và sáng tạo.
Tuy nhiên, hành trình này không phải không có khúc quanh. Tôi vẫn thường day dứt khi thấy nhiều nghệ sĩ tài năng phải xoay xở sống bằng nghề tay trái; khi các tác phẩm giá trị chưa đến được với công chúng vì thiếu kênh truyền thông phù hợp; khi hệ thống pháp lý và cơ chế hỗ trợ vẫn còn rào cản cho sự sáng tạo. Những câu hỏi luôn khiến tôi trăn trở: Làm sao để nghệ sĩ trẻ không ngại dấn thân? Làm sao để tài năng được nuôi dưỡng từ gốc? Làm sao để công chúng trẻ không quay lưng với văn học, nghệ thuật nước nhà?
Tôi cho rằng, chúng ta cần một thể chế thật sự kiến tạo - nơi nghệ sĩ được tự do sáng tạo nhưng vẫn có định hướng giá trị rõ ràng; nơi văn hóa nghệ thuật không bị nhìn nhận như "phụ kiện trang trí" mà là trụ cột mềm của phát triển bền vững. Cần mạnh dạn đầu tư vào các dự án nghệ thuật công phu, dài hơi; xây dựng quỹ sáng tạo văn hóa; đưa nghệ thuật vào trường học một cách hấp dẫn và gần gũi hơn.
Nhìn lại 50 năm qua, chúng ta tự hào về những đóng góp của văn học, nghệ thuật Việt Nam. Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, nghệ thuật luôn có tiếng nói riêng, luôn góp phần hình thành bản sắc, củng cố lòng yêu nước, nuôi dưỡng khát vọng phát triển.
Là người làm chính sách, tôi luôn tin rằng: đầu tư cho văn học, nghệ thuật là đầu tư cho tương lai của đất nước - một tương lai không chỉ giàu có về vật chất, mà còn sâu sắc, nhân văn, và có bản lĩnh. Trong kỷ nguyên số, nơi mọi thứ có thể bị cuốn trôi rất nhanh, thì chính văn học, nghệ thuật sẽ là "bến neo" tinh thần để chúng ta không lạc mất chính mình.
Và tôi tin, nếu chúng ta giữ được ánh sáng ấy - ánh sáng của sáng tạo, của cái đẹp, của tâm hồn dân tộc - thì dù đi xa đến đâu, Việt Nam cũng luôn có một chỗ đứng đáng tự hào trong bản đồ văn hóa của thế giới.
Tác giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn là thạc sĩ chuyên ngành quản lý di sản và nghệ thuật tại Đại học Bắc London (University of North London); tiến sĩ quản lý văn hóa tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Ông hiện là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương. Ông đã từng có gần 25 năm làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, và là Viện trưởng trước khi chuyển sang làm công tác chuyên trách tại Quốc hội.
Những chủ đề quan tâm của ông là quản lý văn hóa, quản lý di sản và nghệ thuật, truyền thông mới, công nghiệp văn hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!