Nhảy đến nội dung

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập nên sử dụng làm điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao?

Tại nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi thể thao... còn thiếu, còn nhỏ hẹp. Trụ sở dôi dư sau sáp nhập có nên chuyển thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi... cho người dân?

Cưới hỏi ở nhà văn hóa xã, tại sao không! Thêm bệnh viện, trường học mới ở mặt bằng trụ sở dôi dư, làm cách nào hiệu quả nhất? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến chuyên gia, bạn đọc xung quanh vấn đề này.

* Ông LÊ NHƯ TIẾN (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội):

Cho tư nhân đấu thầu trụ sở đất vàng?

Thời gian qua, khi sáp nhập một số địa phương cấp xã, huyện đã có hiện tượng các trụ sở dôi dư bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. 

Trong đợt sắp xếp bộ máy lần này, ngay từ đầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã có hướng dẫn cụ thể về nội dung này, hướng dẫn về việc xử lý.

Khi xây dựng đề án sắp xếp, các địa phương, đơn vị cũng phải xây dựng phương án xử lý đối với trụ sở, tài sản. Tới đây việc xử lý vấn đề trụ sở dôi dư sẽ được thực hiện đồng bộ trên cả nước.

Có hai nhóm tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bao gồm trụ sở hành chính và trang thiết bị trong trụ sở. Các trang thiết bị như xe ô tô, bàn ghế, máy tính, máy in... xử lý dễ hơn thông qua bán đấu giá. 

Nhưng với trụ sở dôi dư thì việc xử lý sẽ phức tạp hơn, bởi cùng với trụ sở cấp xã thì trụ sở của cấp tỉnh, cấp huyện cũng nhiều. Ở cấp tỉnh, huyện, ngoài trụ sở HĐND, UBND còn trụ sở các cơ quan Đảng, các sở, ngành, phòng... 

Cần có phương án cụ thể để xử lý, tránh lãng phí nguồn lực rất lớn này. Cần rà soát, thống kê cụ thể các trụ sở trên cả nước để có cái nhìn toàn diện, phương án sắp xếp phù hợp.

Chúng ta rất thiếu các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế ở các địa phương. Vì thế, có thể xem xét chuyển đổi công năng các trụ sở này cho các trường học, bệnh viện... sử dụng. Hoặc có thể chuyển thành các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, công viên, khu tập luyện thể thao cho người dân...

Các trụ sở đều ở các vị trí "đẹp, đất vàng", trung tâm, giao thông thuận lợi. Nếu các nơi cơ sở giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa đã cơ bản đủ hay với các trụ sở quá cũ, việc sửa chữa tốn kém lớn có thể nghiên cứu cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu, để đưa vào sản xuất kinh doanh. Số tiền thu được này sẽ bổ sung nguồn lực để phát triển, chăm lo an sinh xã hội tại địa phương.

* Ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp):

Tiết kiệm chi phí đầu tư văn hóa, giáo dục

Thống kê của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, cả nước có trên 11.000 cơ sở nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. 

Trong đó còn 52 trụ sở cấp huyện và 297 trụ sở cấp xã dôi dư chưa được xử lý sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021.

Nhưng nhiều địa phương, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội có nhu cầu rất lớn về không gian sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi cho trẻ em và các trường học. 

Vì vậy việc sử dụng các trụ sở dôi dư sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính để phục vụ cho các thiết chế văn hóa và giáo dục đang rất cần thiết.

Việc sử dụng này đồng thời giải quyết được nhu cầu thực tế của từng địa phương, vừa không để lãng phí tài sản công và giúp tiết kiệm được chi phí đầu tư cho các công trình văn hóa, giáo dục. Các cơ sở này thường nằm ở vị trí thuận lợi, có sẵn hạ tầng nên việc cải tạo trở nên dễ dàng hơn.

* Ông NGUYỄN ĐỨC LAM (cố vấn chính sách, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):

Công - tư kết hợp khai thác

Nếu bỏ gần 700 đơn vị cấp huyện, trừ những trụ sở tiếp tục được sử dụng cho các cơ quan nhà nước, ở các thành phố hoặc khu vực đông dân cư, có thể nên tính đến phương án khai thác kinh tế, cho thuê lâu năm để làm văn phòng làm việc, trường tư, bệnh viện tư... 

Giải pháp xử lý các trụ sở công quyền dôi dư theo hướng này vừa vẫn giữ được quyền sở hữu công sản, vừa đáp ứng nhu cầu rất lớn hiện nay của người dân về giáo dục, y tế, các dịch vụ công khác.

Ngoài ra cũng có thể chuyển các trụ sở dôi dư này thành các thiết chế văn hóa cho địa phương. Tuy nhiên, khi khai thác hướng này cần tính toán mô hình để sử dụng cho hiệu quả, vì các thiết chế văn hóa công hiện nay nhiều cái không có người đến, rất lãng phí. Lý do là vì các thiết chế này đều do cơ quan hành chính vận hành, quản lý nên không hiệu quả. Có thể tính đến mô hình công tư kết hợp.

* Bà Trần Khánh Thu (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình):

Chuyển đổi công năng phù hợp từng loại trụ sở


Với trụ sở dôi dư sau sắp xếp, có ý kiến chuyên gia đề nghị nên bố trí thành trường học, thiết chế văn hóa, thể thao cho người dân, có đề xuất bố trí thành bệnh viện... Theo tôi, các phương án đưa ra phải phù hợp với từng địa phương, công năng sử dụng phải phù hợp với từng trụ sở để tái sử dụng cho hợp lý. Nếu cứ chuyển sang để phải bỏ kinh phí đầu tư sửa chữa cải tạo thì lại còn lãng phí, tốn kém hơn.

Do vậy cần phải có phương án đánh giá, đề xuất xử lý phù hợp với tài sản công dôi dư. Bên cạnh việc tối ưu công năng tài sản, có những trụ sở có thể mời doanh nghiệp tư nhân vào cùng khai thác hoặc có thể bán đấu giá để tăng ngân sách nhà nước.