Nhảy đến nội dung
 

TP.HCM cấp bách chuyển đổi giao thông xanh sau mở rộng

TP.HCM sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đang đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường gia tăng nghiêm trọng, đòi hỏi nhanh chóng hoàn thiện chính sách để tăng tốc chuyển đổi xanh.

Gấp rút phân vùng phát thải thấp

Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP.HCM đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, bao gồm hơn 1 triệu ô tô và gần 8,6 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2024, số lượng ô tô tăng 9% và xe máy tăng 2%, cho thấy xu hướng gia tăng phương tiện cá nhân tiếp tục tạo áp lực lên hạ tầng giao thông và môi trường đô thị. Đó là chưa kể số lượng xe cá nhân trên địa bàn Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu nay đã được nhập vào TP.HCM. Tính sơ qua, hiện trung bình mỗi ngày TP.HCM đang phải chịu mức phát thải của khoảng 12 - 13 triệu xe cá nhân. Đây là một trong những nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bên cạnh số lượng khu công nghiệp, nhà máy sản xuất vừa được nhập thêm vào địa phận TP sau mở rộng.

Trước áp lực ô nhiễm môi trường quá lớn, Sở Xây dựng TP.HCM mới đây có văn bản gửi các sở, ngành và đơn vị liên quan để lấy ý kiến về phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức phát thải cao tại các khu vực đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm khí thải. Thực tế, từ năm 2023, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch chọn H.Cần Giờ (cũ) là khu vực đặt dấu chân cho hành trình loại xe xăng, phủ xe điện. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông và kiểm soát khí thải phương tiện tại TP.HCM cần được triển khai cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể trước khi áp dụng trên toàn địa bàn TP. 

Trong đó, Cần Giờ có nhiều thuận lợi vì Nghị quyết 12-NQ/TU của Thành ủy TP.HCM xác định đến năm 2030 sẽ "Xây dựng và phát triển H.Cần Giờ (cũ) trở thành TP biển mang đặc trưng của một TP tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường". Bên cạnh đó, Cần Giờ đang xây dựng chương trình hành động vì một Cần Giờ xanh, trong đó có nhóm nội dung phát triển giao thông xanh như xe buýt điện, xe máy điện theo mô hình chia sẻ nhằm kiểm soát khí thải, góp phần đưa địa phương này hoàn thành mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Sau khi TP.HCM chính thức sáp nhập, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã đề nghị Tập đoàn Vingroup hỗ trợ TP nghiên cứu phương án tổng thể về giao thông xanh cho khu vực Cần Giờ và Côn Đảo đi cùng gợi ý có thể triển khai mô hình giao thông xanh, phủ sóng 100% xe điện tại 2 địa phương này.

Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị trong phạm vi chức năng và lĩnh vực phụ trách tham gia nghiên cứu, tính toán và đề xuất các giải pháp, gửi về Sở trước ngày 15.7.2025 để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng theo chỉ đạo.

Th.S Lê Thanh Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá: Việc xác định vùng phát thải thấp là giải pháp hiệu quả nhằm giảm phát thải từ phương tiện giao thông, đã được nhiều TP trên thế giới áp dụng thành công. Tuy nhiên, nếu lựa chọn những vùng phát thải thấp là khu vực trung tâm sẽ phát sinh nhiều thách thức. Bởi khi triển khai, không lẽ người dân chạy tới vành đai rồi đổi xe, hoặc chạy vào phải qua camera giám sát rồi thu tiền? Chưa kể nếu làm không khéo có thể phản tác dụng bởi người dân mua ô tô đã được cho phép lưu thông, đã đóng phí đường bộ…, họ sẽ đặt ngược vấn đề lý do gì cấm trong từng khu vực. "Không phải họ phản đối chính sách giao thông xanh, phát triển xanh mà người dân mong muốn những chính sách đơn giản, thuận tiện, không kéo theo nhiều rắc rối cho hai bên", ông Hải đặt vấn đề.

Từ quan điểm trên, Th.S Lê Thanh Hải nhìn nhận việc phân vùng vùng phát thải thấp tại TP.HCM sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với Hà Nội bởi 2 vùng Cần Giờ và Côn Đảo nằm tách biệt, là những địa bàn độc lập. Việc kiểm soát phương tiện sẽ đơn giản hơn khi lập "hàng rào" tại những cây cầu kết nối, những chuyến phà hoặc buộc phải di chuyển qua đường không. Bên trong nội đô sẽ có những giải pháp khác như chuyển đổi triệt để mạng lưới xe buýt sang xe điện, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân…

Chuyển đổi lần lượt từng loại phương tiện sang xe xanh

Bên cạnh phân vùng phát thải, để xanh hóa giao thông, TP.HCM cũng đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện, dự kiến trình trong quý 3, tập trung vào chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho các loại phương tiện như taxi, xe công nghệ, ô tô khách và xe thuộc cơ quan công, doanh nghiệp. Đề án cũng dự kiến đề xuất chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe điện... nhằm kiểm soát khí thải đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Dự kiến trong tháng 7 này, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ trình UBND TP.HCM đề án chương trình chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng. Sau đó, UBND TP.HCM sẽ thẩm định và gửi kiến nghị đến T.Ư. Sau khi có phản hồi từ T.Ư, TP.HCM sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể, dự kiến bắt đầu áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích vào ngày 1.1.2026. Nếu tất cả đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ được chấp nhận, nhóm nghiên cứu dự kiến trong 2 năm có thể cơ bản chuyển đổi được trên 80% tài xế công nghệ và giao hàng xe máy xăng sang xe điện. Giai đoạn tiếp theo TP.HCM và T.Ư sẽ tiếp tục có những biện pháp quyết liệt để hạn chế xe xăng nói chung cũng như có lộ trình cấm hẳn xe xăng tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách và giao hàng.

Trước khi lên kế hoạch "đổi màu" 400.000 phương tiện shipper và tài xế công nghệ, "đổi màu" xe buýt là một trong những bước đi đầu tiên của TP.HCM trên hành trình xanh hóa giao thông. Hiện tại, TP.HCM đang tiến hành chuyển đổi xe buýt sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh, với mục tiêu 100% xe buýt sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2030. Theo lộ trình, 2.771 xe buýt dự kiến sẽ chuyển đổi từ diesel sang điện, bao gồm 1.663 xe thay thế trên các tuyến hiện hữu và 1.108 xe đầu tư mới trên các tuyến mở mới.

Đại diện nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển cho rằng TP.HCM cần sớm hoàn thiện khung chính sách tăng trưởng xanh để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nhất là trong bối cảnh phát thải khí nhà kính lớn nhất cả nước và có thể gia tăng khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Giao thông và công nghiệp là hai lĩnh vực phát thải chính, trong đó riêng phương tiện giao thông tạo ra 13 triệu tấn CO2/năm. Việc chuyển đổi sang xe buýt điện, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch trong sản xuất là những trọng tâm ưu tiên nhằm đảm bảo phát triển bền vững đến năm 2030 và xa hơn.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn