Hướng tới minh bạch và hiệu quả trong quản lý chất lượng nước

Với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo an toàn nguồn nước, Sawaco đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng nước - một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số toàn diện của tổng công ty.
Theo ông Trần Kim Thạch, Giám đốc Phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco, hiện hệ thống giám sát chất lượng nước tại Sawaco được triển khai trên hai phần chính: online và phòng thí nghiệm. Trong đó, mạng lưới giám sát trực tuyến đã thiết lập khoảng 50 điểm tại các nhà máy nước đầu nguồn, trạm trung gian và các đơn vị cấp nước khu vực. Dữ liệu từ các điểm giám sát này được tự động thu thập, phân tích và chuyển về hệ thống phần mềm trung tâm.
"Điểm mới quan trọng là toàn bộ dữ liệu online này đang được tích hợp vào ứng dụng chăm sóc khách hàng. Qua đó, người dân có thể theo dõi chỉ số chất lượng nước như độ đục, pH, clo dư… tại khu vực sinh sống theo thời gian thực", ông Thạch cho biết.
Tuy nhiên, vì các thiết bị online chỉ đo được một số chỉ tiêu cơ bản, nên các thông số còn lại, đặc biệt là các chất ảnh hưởng đến sức khỏe, vẫn cần được phân tích tại phòng thí nghiệm. Để tăng độ chính xác và giảm rủi ro sai lệch do thao tác nhập liệu thủ công, Sawaco đã triển khai phần mềm chuyên dụng cho phòng thí nghiệm. Các kỹ thuật viên nhập dữ liệu phân tích trực tiếp trên phần mềm, thay vì ghi tay, qua đó giảm thời gian xử lý và tránh sai số.
Đồng bộ dữ liệu, cảnh báo kịp thời và đảm bảo an toàn
Một bước tiến quan trọng khác là việc xây dựng hệ thống đồng bộ hóa dữ liệu chất lượng nước giữa các công ty cổ phần trực thuộc và công ty mẹ Sawaco. Theo kế hoạch, đến năm 2026, toàn bộ dữ liệu từ các đơn vị sẽ được kết nối về hệ thống trung tâm và chia sẻ công khai đến cộng đồng thông qua nền tảng số.
Ở cấp độ vận hành, các nhà máy nước hiện nay đều sử dụng hệ thống SCADA bán tự động để giám sát và điều khiển quá trình xử lý nước. SCADA giúp thu thập dữ liệu đầu vào, giám sát từng công đoạn xử lý, từ đó đưa ra các đề xuất điều chỉnh lượng hóa chất phù hợp với sự biến động của nguồn nước. Tuy nhiên, vì đặc thù nước sông thay đổi nhanh sau mưa hoặc tác động môi trường, nên hiện vẫn cần con người phối hợp theo dõi và ra quyết định cuối cùng.
Bên cạnh đó, Sawaco cũng đang phối hợp đối tác Singapore triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo độc chất - một công nghệ giúp phát hiện nhanh các chỉ dấu bất thường trong nguồn nước, từ đó đưa ra phương án ứng phó tức thời.
Về mặt an toàn thông tin, hệ thống phần mềm được cài đặt vận hành trên mạng nội bộ, không kết nối internet để đảm bảo bảo mật. Dữ liệu phân tích được kiểm soát chặt chẽ thông qua quy trình phân quyền. Người chịu trách nhiệm phân tích không có quyền xuất dữ liệu, mà chỉ bộ phận kiểm soát chuyên môn mới có thể tổng hợp và công bố kết quả.
"Chúng tôi áp dụng mô hình tách biệt nhiệm vụ để tránh nguy cơ chỉnh sửa số liệu và đảm bảo dữ liệu được công khai một cách minh bạch, chính xác", ông Thạch nhấn mạnh.
Hướng đến sự minh bạch và đồng hành cùng người dân
Toàn bộ kết quả giám sát định kỳ tại các trụ nước công cộng trên địa bàn TP.HCM cũng đã được tích hợp vào phần mềm giám sát. Người dân có thể quét mã QR tại từng trụ nước để biết chi tiết các chỉ số nước uống tại đó. Đồng thời, ứng dụng SAWACO CSKH còn có mục phản hồi, giúp người dân gửi ý kiến nếu phát hiện bất thường. Phản ánh sẽ được chuyển tới bộ phận chuyên môn để xử lý kịp thời.
Dù khối lượng công việc tăng thêm ở khâu bảo trì thiết bị điện tử và quản lý dữ liệu số nhưng những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại như tăng tốc độ xử lý, giảm sai sót, nâng cao độ tin cậy và cải thiện tính minh bạch là không thể phủ nhận.
"Chúng tôi xác định đây là hướng đi lâu dài, cần từng bước đầu tư, điều chỉnh và đào tạo để đảm bảo sự vận hành ổn định và hiệu quả nhất", ông Thạch chia sẻ.
Chuyển đổi số trong quản lý chất lượng nước không chỉ là giải pháp công nghệ mà còn là cam kết minh bạch, trách nhiệm với cộng đồng của Sawaco, nơi từng giọt nước đến tay người dân đều phải được kiểm soát kỹ lưỡng và an toàn tuyệt đối.