Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt: Thế giới muốn thấy nhiều sách Việt

Để thế giới biết đến mình, đã đến lúc xuất bản Việt cần chủ động hiện diện như một thể vừa thống nhất, vừa đa sắc, theo đại diện Hội sách Frankfurt.
Trong chuyến công tác tại Việt Nam cuối tháng 4, đầu tháng 5, Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt Claudia Kaiser dành cho Tri thức - Znews một cuộc phỏng vấn, qua đó bà chia sẻ góc nhìn về hiện diện của xuất bản Việt Nam tại quốc tế, đồng thời đưa ra những đề xuất thiết thực đối với quảng bá văn học.
![]() |
Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt Claudia Kaiser. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Dịch thuật là điều kiện tiên quyết
- Chào mừng bà đến với Việt Nam trong không khí kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Lần này đến Việt Nam bà có những dự định gì?
- Như nhiều lần trước, tôi đến làm việc với đại diện Hội Xuất bản Việt Nam và đại diện cơ quan quản lý lĩnh vực xuất bản của TP.HCM - Phòng Báo chí và Xuất bản, trước kia thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, nay thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.
Tôi luôn mong muốn được trực tiếp lắng nghe những khó khăn, khúc mắc mà xuất bản Việt Nam đang gặp phải trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và trong việc tham dự Hội sách Frankfurt nói riêng; để từ đó chúng tôi có thể kịp thời hỗ trợ.
Ngoài ra tôi được biết nhiều nhà xuất bản Việt Nam muốn mua bản quyền sách từ nhà xuất bản Đức, nên cũng đến để khảo sát xem có thể tổ chức một workshop cho hai bên giao lưu. Tôi nghe nói TP.HCM dự định tổ chức hội sách quốc tế vào năm sau. Nếu vậy thì chúng tôi cũng rất sẵn lòng đến đặt gian hàng.
![]() |
Hình ảnh gian sách Kim Đồng tại Hội sách Frankfurt 2024. |
- Bà đánh giá ra sao về những lần hiện diện trước của các đoàn từ Việt Nam tham dự Hội sách Frankfurt?
- Chúng tôi rất vui mừng được chào đón các đoàn Việt Nam như đoàn của Bộ Thông tin và Truyền thông từ Hà Nội từ năm 2017 và của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM năm 2023-2024 đến Hội sách Frankfurt. Ban tổ chức hội sách ghi nhận nỗ lực rất lớn từ phía các nhà quản lý Việt Nam.
Tuy khoảng cách địa lý, khác biệt ngôn ngữ… có lẽ khiến các bạn phần nào bối rối trong những lần đầu tham dự nhưng tôi tin mỗi năm các đoàn lại có thêm nhiều kinh nghiệm để các năm sau được tốt hơn. Chúng tôi rất mong đợi các bạn sẽ tiếp tục tham dự trong những năm sắp tới.
- Ngoài ra, rất nhiều nhà xuất bản, công ty sách ở Việt Nam cũng chủ động tự túc tham dự Hội sách Frankfurt, bà đã có dịp trò chuyện hay làm việc với họ?
- Tôi biết có nhiều đơn vị xuất bản từ Việt Nam đều đặn đến Frankfurt tháng 10 hàng năm. Tiếc là do lịch trình bận rộn trong những ngày hội sách diễn ra mà tôi chưa có nhiều dịp gặp riêng để trao đổi với họ.
Hội sách Frankfurt quy mô lớn do đó chi phí để tham dự và đặt gian hàng cũng cao. Để tạo cơ hội cho các nhà xuất bản quy mô vừa và nhỏ tại Đức cũng như từ nhiều nước khác, chúng tôi dành những khu riêng nơi nhiều đơn vị chia sẻ không gian để giới thiệu, quảng bá các cuốn sách và tác giả của mình. Chúng tôi hy vọng đã, đang và sẽ tạo được môi trường để những cuốn sách hay được vươn ra thế giới, dù có đến từ những nhà xuất bản hay nền xuất bản quy mô nhỏ.
![]() |
Hình ảnh không gian tôn vinh Indonesia với tư cách Khách mời Danh dự tại Hội sách Frankfurt 2015 kèm thông tin về xuất bản Indonesia trên website của Hội sách. |
- Tháng 10 năm nay, Philippines trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai (sau Indonesia năm 2015) là Khách mời Danh dự tại Hội sách Frankfurt. Bà có thể chia sẻ về quy trình để có được vinh dự này?
- Khách mời Danh dự ở Hội sách Frankfurt được quyết định trước 3 năm, để chúng tôi và quốc gia được chọn đủ thời gian chuẩn bị. Theo nguyên tắc, chúng tôi cần nhận được đề xuất ngỏ lời chính thức từ quốc gia mong muốn trở thành Khách mời Danh dự, sau đó Hội đồng Ban giám đốc Hội sách sẽ lựa chọn Khách mời phù hợp cho từng năm và công bố.
- Đâu là những tiêu chí chọn lựa Khách mời Danh dự của Hội sách Frankfurt?
- Điều kiện tiên quyết là phải có một lượng sách nhất định dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức, để người Đức và giới xuất bản trên toàn thế giới tề tựu về có thể hiểu hơn về văn hóa của các bạn. Chúng tôi kỳ vọng mọi thể loại từ văn chương đến phi hư cấu, nhưng được yêu thích nhất vẫn là tiểu thuyết, đặc biệt là tác phẩm của những cây bút đương đại.
Chúng tôi chọn những nền xuất bản mạnh và cởi mở, tôn trọng những tiếng nói đa sắc, phản ánh được sự dịch chuyển của đất nước và hơi thở của thời đại.
Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt Claudia Kaiser
Ngoài ra, chúng tôi sẽ chọn những nền xuất bản mạnh. Chúng tôi không đòi hỏi một nền xuất bản lớn, trị giá tỷ đôla hay ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng đó phải là nền xuất bản phát triển ở mức độ nhất định, có hệ sinh thái xuất bản hỗ trợ tốt cho tác giả và sức sáng tạo của họ.
Đồng thời, đó cũng nên là một nền xuất bản cởi mở, tôn trọng những tiếng nói đa sắc, phản ánh được sự dịch chuyển của đất nước và hơi thở của thời đại, không bị gò bó trong những khuôn sáo hay kiểm duyệt quá gắt gao. Tiêu chí này đến từ chính nhu cầu của độc giả thế giới nói chung và giới xuất bản nói riêng: luôn luôn tìm kiếm những giá trị đa dạng, độc đáo.
- Trong bối cảnh công nghệ len lỏi vào mọi mặt cuộc sống hiện nay, Hội sách Frankfurt định vị vai trò của mình ra sao, khi chúng ta dễ dàng trao đổi qua email, các buổi gặp online?
- Cảm ơn bạn vì đã hỏi câu này. Phải thừa nhận rằng công nghệ đang hỗ trợ rất nhiều cho sự giao tiếp giữa người với người, đặc biệt là thu hẹp những khoảng cách địa lý xa xôi. Nhưng không điều gì có thể thay thế kết nối trực tiếp khi chúng ta mặt đối mặt, nhìn vào mắt nhau để chuyện trò.
Là hội sách lớn nhất thế giới và có nội dung chương trình đa dạng, Frankfurt là nơi người tham dự có thể trong thời gian ngắn gặp gỡ giới xuất bản từ khắp nơi trên thế giới, điều họ khó lòng làm được ở bất kỳ đâu khác. Chúng tôi cũng tự tin đây là nơi các quốc gia có thể giới thiệu, quảng bá bản sắc đất nước qua các hoạt động như diễn đàn, hội thảo, sự kiện văn hóa - nghệ thuật...
- Có điều gì cần lưu ý khi làm việc với Ban tổ chức Hội sách Frankfurt?
- Chúng tôi luôn mong muốn công việc đạt hiệu quả tối ưu, do đó thích sự minh bạch, thẳng thắn, rõ ràng trong trao đổi. Chúng tôi luôn nỗ lực để mọi việc diễn ra như kế hoạch, xử lý khủng hoảng trong tầm kiểm soát. Do đó chúng tôi thích những đối tác chuẩn bị chu đáo, tác phong đúng giờ.
Nhiều tác phẩm xứng đáng được thế giới biết đến
- Bà đánh giá ra sao về hiện diện của sách Việt trên thị trường xuất bản thế giới?
- Tôi cảm giác giới xuất bản quốc tế nhìn chung chưa biết nhiều về sách Việt Nam. Đến nay, tác phẩm văn học Việt nổi tiếng nhất vẫn là Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh).
![]() |
Từ trái qua, các tác giả Ocean Vương, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Thanh Việt. |
Ngoài ra những tên tuổi người Mỹ gốc Việt hay người Việt sinh sống tại nước ngoài như Ocean Vương, Nguyễn Thanh Việt, Nguyễn Phan Quế Mai cũng được biết đến rộng rãi trong giới xuất bản. Tác phẩm của họ tạo được tiếng vang, bên cạnh yếu tố văn chương, còn là vì ngôn ngữ: Họ có lợi thế sáng tác bằng tiếng Anh, do đó dễ dàng tiếp cận độc giả toàn cầu.
Nhưng từ quan sát của cá nhân mình, tôi cho rằng hiện diện của sách Việt trên thị trường xuất bản thế giới vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Tôi có dịp gặp gỡ một số ít công ty xuất bản ở Việt Nam, nhân sự lên đến hàng trăm. Tôi tin các bạn có nhiều cuốn sách thú vị, nhiều tác giả xứng đáng được thế giới biết đến nhiều hơn.
- Vậy theo bà xuất bản Việt Nam đang cần làm gì gia tăng hiện diện trên trường quốc tế?
- Như tôi đã nói, dịch thuật là tối quan trọng đối với quảng bá xuất bản. Tôi được biết các đơn vị tại Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp thị bản quyền đến nhà xuất bản ở các nước khác. Thực tế thì rất nhiều nhà xuất bản ở các nước phương Tây hứng thú với sách châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Tuy nhiên, xuất bản cũng gắn liền với câu chuyện kinh doanh. Khi cân nhắc chọn mua và dịch, in một cuốn sách từ một tác giả chưa được nhiều độc giả phương Tây biết đến thì họ vấp phải bài toán: Làm sao để bán và thu hồi vốn, khoan nói đến lợi nhuận.
Tôi nghĩ một chương trình viện trợ dịch thuật bài bản, có lộ trình, chọn lọc được những tác phẩm tinh hoa của văn học Việt Nam sẽ giúp xuất bản Việt Nam ghi được dấu ấn.
Phó chủ tịch Hội sách Frankfurt Claudia Kaiser
Một mô hình mà nhiều quốc gia khác áp dụng, điển hình là Hàn Quốc đã thành công: Viện trợ cho hoạt động dịch thuật. Nói một cách đơn giản thì những nhà xuất bản đã đạt thỏa thuận bản quyền mua sách về phát hành tại nước mình có thể nhận được những khoản tài trợ cho dịch thuật, quảng bá. Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc đã hoạt động gần 30 năm nay, và Nobel Văn học năm 2024 của Han Kang là quả ngọt cho những nỗ lực đó.
Tôi nghĩ một chương trình viện trợ dịch thuật bài bản, có lộ trình, chọn lọc được những tác phẩm tinh hoa của văn học Việt Nam sẽ giúp xuất bản Việt Nam ghi được dấu ấn.
- Sau dịch thuật, Việt Nam còn có thể chuẩn bị gì để đến gần hơn với vị trí Khách mời Danh dự tại Hội sách Frankfurt?
- Tôi nghĩ các bạn cần tăng cường kết nối, giao lưu với các nền xuất bản khác. Nhiều đơn vị ở Việt Nam thường xuyên làm việc, trao đổi với đối tác nước ngoài để đưa bản quyền sách về Việt Nam, cũng như tham dự các hội sách quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi muốn thấy nhiều hơn sự hiện diện của Việt Nam như một khối thống nhất.
Cho đến nay, các đoàn từ Hà Nội và TP.HCM đều từng ngỏ lời muốn trở thành Khách mời Danh dự tại Hội sách Frankfurt. Tuy nhiên, khách mời danh dự của chúng tôi là quốc gia chứ không phải thành phố. Do đó, trước tiên tôi cần lưu ý rằng chúng tôi cần nhận được lời đề nghị từ cơ quan chính phủ cấp quốc gia để cân nhắc và quyết định.
Ngoài ra, nếu Việt Nam trở thành Khách mời Danh dự, độc giả châu Âu nói riêng và thế giới nói chung sẽ kỳ vọng được nghe những cái tên quen thuộc như Ocean Vương, Nguyễn Phan Quế Mai… Đồng hành cùng xuất bản Việt Nam tại các hội sách quốc tế với tư cách gương mặt tiêu biểu, họ sẽ giúp nâng cao vị thế và uy tín của các bạn, vì họ là tác giả từng đoạt nhiều giải thưởng văn học, được công nhận tại Mỹ và quốc tế. Họ sẽ giúp cái tên Việt Nam trở nên gần gũi hơn với công chúng độc giả.
Cần phải nói đây là điều mà Philippines đã làm: Tôn vinh và thu hút kiều bào đóng góp cho nền văn học và xuất bản quốc gia.
![]() |
Một số tác phẩm văn học của tác giả Việt sinh sống tại nước ngoài, tác giả gốc Việt: The Mountains Sing (Nguyễn Phan Quế Mai; tạm dịch: Núi hát); Ru (Kim Thúy); Brothers and Ghosts (Khuê Phạm; tựa bản tiếng Anh dịch từ tiếng Đức; tạm dịch: Anh em và bóng ma). |
- Bà có ấn tượng với tác giả Việt Nam hoặc gốc Việt nào không?
- Đọc Dust Child và The Mountains Sing của Nguyễn Phan Quế Mai, tôi hiểu vì sao hai cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt. Tôi đã đọc toàn bộ các tác phẩm của nhà văn người Canada gốc Việt Kim Thúy (Ru, Man, Vi, Em…), thực sự bị thu hút. Tôi cũng rất quan tâm đến các tác phẩm của nhà văn người Đức gốc Việt Khuê Phạm.
Giới xuất bản chúng tôi thường chia sẻ với nhau về các tác giả giả mới nổi, đáng chú ý. Bản thân tôi luôn tìm cách mở rộng phổ đọc của mình. Tôi kỳ vọng được nghe nhiều tiếng nói hơn từ người Việt sinh sống tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Hội sách Frankfurt có truyền thống hơn 500 năm, là hội sách có quy mô lớn nhất trên thế giới. Sự kiện thường niên này kéo dài 5 ngày vào giữa tháng 10, tổ chức tại khuôn viên Hội chợ thương mại Frankfurt ở TP Frankfurt, Đức. Ba ngày đầu tiên của hội sách chỉ dành riêng cho giới làm xuất bản; 2 ngày cuối tuần hội chợ mở cửa chào đón công chúng.
Ngoài trưng bày, triển lãm, tại hội sách diễn ra các hoạt động giao lưu, tọa đàm về các vấn đề liên quan đến xuất bản như bản quyền, in ấn, phát hành, các xu hướng công nghệ trong xuất bản... Để trở thành Khách mời Danh dự tại Hội sách Frankfurt đòi hỏi nhiều nỗ lực đàm phán phức tạp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Song đây cũng là cơ hội rất tốt để quảng bá, gia tăng vị thế của nền xuất bản của nước nhà trên quốc tế.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.