Những bóng hồng trong đời nghệ sĩ Năm Châu

Nguyễn Thành Châu (tức Năm Châu) là nghệ sĩ đa tài. Ông là diễn viên, thầy tuồng, đạo diễn, viết truyện phim; đồng thời là kép đẹp, ca hay, diễn giỏi, làm mê mẩn giới mộ điệu một thời.
Nhiều đời vợ khác nhiều vợ
Năm Châu sinh năm 1906 tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho cũ. Ông là soạn giả với nhiều vở cải lương để đời, là giáo sư kịch nghệ đầu tiên của Trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn và là ông bầu của nhiều gánh hát nổi tiếng từ những năm 1930. Ở phòng truyền thống trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) hiện nay, tên ông được đặt ở vị trí trang trọng cùng với các nhân vật nổi tiếng từng là cựu học sinh Collège de Mytho.
Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Bách Khoa (1.9.1968), nghệ sĩ Năm Châu nói: "Thời trẻ, tôi ít có lăng nhăng lắm. Hễ yêu ai là tôi tính chuyện sống chung. Bởi vậy cho nên tôi có nhiều đời vợ và có nhiều dòng con". Ông nhắc lại là nhiều đời vợ chớ không phải nhiều vợ!
Nghệ sĩ Năm Châu kể, năm 1926, lúc 20 tuổi, ông lấy người vợ đầu tiên ở Mỹ Tho, được 3 người con thì chia tay. Người này ông không nhắc tên, chính là cô Sáu Trâm, đào chánh của gánh Tái Đồng Ban. Năm 32 tuổi, ông gặp cô Tư Sạng, nữ danh ca được hãng đĩa Asia ký hợp đồng độc quyền thu thanh giọng ca từ 1940 - 1955, với các bộ đĩa Hoa rơi cửa Phật, Xử án Bàng Quý Phi... Hai người sống với nhau có 5 người con thì đường ai nấy đi.
Người con đầu của ông và cô Tư Sạng tên Nguyễn Thành Văn, làm con nuôi cho ông bầu Trần Đắc, trông nom rạp hát bóng Tây Đô ở Cần Thơ. Người con thứ hai là Thanh Hương, vợ của kép Văn Chung. Năm 1960, cô được độc giả tờ Tiếng Dội Miền Nam của ký giả Trần Tấn Quốc bình chọn danh hiệu "đệ nhứt nữ danh ca vọng cổ". Cô nổi tiếng với bài Cô bán đèn hoa giấy của soạn giả Quy Sắc.
Theo soạn giả Nguyễn Phương, trong lúc chạy tản cư, nghệ sĩ Năm Châu gặp cô Kim Cúc, con nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Giám đốc đoàn hát Nam Phương, đang diễn ở Gò Công. Hai người có với nhau 7 người con.
Với cô Bảy Phùng Há, nghệ sĩ Năm Châu cho biết: "Tôi và Phùng Há sống với nhau trong tình vợ chồng được gần một năm. Sau đó vì cả 2 đều cảm thấy không đem lại hạnh phúc cho nhau nên cùng đồng ý xa nhau. Nhưng hồi 1940, lúc lập đoàn ca kịch Năm Châu, tôi có một người vợ nữa trước khi gặp Kim Cúc".
Kỳ nhân làng cải lương
Là nghệ sĩ đa tài, Năm Châu từng cộng tác với các gánh Tiểu Học Ban (1925), Tái Đồng Ban (1926), Trần Đắc (1927), Đại Phước Cương (1936)… và làm giám đốc Ca kịch đoàn Năm Châu (1940), Ban Con Tằm (1946), Ban Việt kịch Năm Châu (1948 - 1955) và đoàn Ánh Chiêu Dương (1967).
Về soạn tuồng, ông viết nhiều vở cải lương: Giọt lệ cương thường, Võ Tòng sát tẩu, Mộc Quế Anh dâng cây, Ngọn cờ hiệp nữ (bị thực dân Pháp cấm), Bến mười hai… Ngoài ra, ông còn làm đạo diễn và viết truyện phim. Năm 1956, ông viết truyện Quan Âm Thị Kính rồi hợp tác với hãng Mỹ Vân quay cuốn phim này và thành công vượt bậc, chiếu ở đâu khán giả cũng chật rạp. Sau đó, ông viết tiếp truyện phim thần thoại cổ tích Người đẹp Bình Dương và chọn Thẩm Thúy Hằng vào vai chính. Cũng từ đó, Thẩm Thúy Hằng được người ta gọi là người đẹp Bình Dương.
Có thời gian, Năm Châu còn tổ chức lồng tiếng cho phim nước ngoài và ông có sáng kiến độc đáo là đưa vọng cổ... vào phim. Năm 1957, khi bộ phim Ấn Độ Gió bụi kinh thành chiếu ở rạp Tân Định, khán giả phải xếp hàng mua vé vì tài tử chính của phim là Ganessan, người Ấn Độ, nhưng lại ca vọng cổ rất mùi. Thì ra, từ bài ca Ấn Độ, Năm Châu đã chuyển sang lời Việt và người hát trong phim là vua vọng cổ Út Trà Ôn.
Trên tạp chí Bách Khoa, khi được hỏi nghệ sĩ Phùng Há có đặc điểm gì làm cho khán giả say mê, nghệ sĩ Năm Châu nói: "Tụi tôi cũng còn mê mỗi khi diễn chung trên sân khấu, nói chi khán giả!". Ông nhận xét: "Nghĩ cũng lạ. Bảy Phùng Há đâu có đẹp. Mặt tròn, rỗ hoa mè, thân hình lại hơi mập. Vậy mà khi diễn xuất, dù vai cô thôn nữ hay nữ lưu khuê các hoặc bà hoàng, vai nào cô cũng đẹp một cách lạ lùng, làm chết mệt khán giả".
Trường hợp cũng rất lạ là cô đào Năm Phỉ, dù không biết chữ nhưng vẫn học được tuồng. Năm Châu kể: "Trời cho cô Năm Phỉ trí thông minh đặc biệt. Cô không biết chữ nên học tuồng thì có người đọc cho cô nghe. Nhưng chỉ đọc một lần là cô nhớ như in. Cô Năm Phỉ ca dở ẹc, lại trật nhịp nữa, nên đờn phải nương theo. Vậy mà khi lên sân khấu, cô diễn xuất thần, cuốn hút khán giả hết sức lạ lùng".
Rắc rối vì… đẹp trai
Thời trẻ, nghệ sĩ Năm Châu khá đẹp trai nên lúc đi lưu diễn được nhiều cô gái miệt vườn ngưỡng mộ. Nhưng cũng vì đẹp trai nên nhiều chuyện rắc rối xảy ra. Ông kể, có lần đoàn Tái Đồng Ban về diễn ở chợ Hóc Môn, có cô Bảy Phùng Há. Một buổi sáng đoàn tập tuồng, cửa rạp mở lớn nên nhiều cô xúm lại coi. Có đứa bồng em để ngồi ị trên ghế nên bị bà chủ gánh la rầy. Nó chửi lại nên bị tát tai.
Vậy là nó nằm lăn xuống đất la hét trong khi đứa khác chạy về kêu người lớn tới chửi bới. Thấy vậy ông bước ra định phân giải thì mẹ của đứa bé lấy keo ớt đang cầm trên tay hất vào mặt ông, đúng lúc cha đứa bé nhảy tới đôi co thì trúng keo ớt, nhuộm đỏ quần áo... (còn tiếp)