Nhảy đến nội dung
 

Nhà nghiên cứu người Mỹ Tom Wilber: Bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ đã diễn ra từ hơn 50 năm trước

Chỉ trong vòng 10 năm, ông Tom Wilber đã thực hiện tới hơn 50 chuyến nghiên cứu đến VN. Chuyến đi vào tháng 7.2025 là một dịp đặc biệt vì sẽ có cuộc hội ngộ đầy đủ nhân chứng xoay quanh câu chuyện về bố ông - trung tá phi công Eugene Wilber, một trong 8 tù binh Mỹ từng cất lên tiếng nói phản chiến từ nhà tù Hỏa Lò (giai đoạn 1968 - 1973).

Tom Wilber giờ đây đã trở nên quen biết với công chúng VN sau khi bộ phim tài liệu Tiếng nói của lương tri phát sóng trên VTV1 dịp 30.4 vừa qua mà ông là nhân vật chính. Phim tái hiện hành trình của Tom Wilber, con trai của tù binh phi công Mỹ Eugene Wilber trong nỗ lực "giải oan" cho cha mình khi người cha đã dám cất lên tiếng nói phản chiến từ nơi giam giữ mình.

Trong mối cộng tác chặt chẽ với Di tích Hỏa Lò hơn 10 năm qua, lần trở lại này của Tom Wilber giới thiệu cuốn sách Tù binh Mỹ vì hòa bình - Từ Hỏa Lò tới nước Mỹ ngày nay - bản tiếng Việt (NXB Thế giới) mà ông và học giả Jerry Lembcke là đồng tác giả (2024). Cuốn sách đóng vai trò là nền tảng và cung cấp các luận cứ cho bộ phim tài liệu.

Trước buổi giao lưu bạn đọc và hội ngộ nhân chứng cùng ê kíp làm phim, làm sách (diễn ra ngày 7 và 8.7 tại Di tích Hỏa Lò), Tom Wilber đã có cuộc trò chuyện với PV Thanh Niên vào ngày 4.7.

"TÔI NGHIỆN VIỆT NAM"

Ngoài đời, Tom Wilber trông trẻ hơn trên phim và độ tuổi ngoại thất thập của ông. Chỉ trong 10 năm, ông thực hiện hàng chục chuyến đi tới VN để tìm bằng được câu trả lời cho lựa chọn từng gây tranh cãi của bố ông, về sự thật phía sau song sắt của nhà tù Hỏa Lò - nơi 8 tù binh Mỹ đã cất lên "tiếng nói của lương tri" và về những góc khuất, những nốt lặng từ cuộc chiến. "Tôi nghiện VN", Tom nói.

Tom đặc biệt nhắc tới một nhân chứng gây cho ông nhiều xúc động hơn cả: "Khi quyết định sang VN, tôi chỉ biết tới nỗi oan cần được giải thích thỏa đáng của bố mình, và nỗi đau mà gia đình tôi đã chịu đựng suốt hơn 50 năm qua khi phải đối diện với những lời thóa mạ, tẩy chay từ những người Mỹ quá khích. Nhưng đến khi gặp được những nhân chứng sống tại VN, đặc biệt là bà Diên Hồng, vợ của phi công Đinh Tôn, người đã bắn rơi máy bay của bố tôi, tôi thấu hiểu hơn nỗi niềm phía bên kia cuộc chiến. Bà Hồng kể với tôi rằng chồng bà đã được cấp trên hứa rằng, nếu ông ấy bắn thêm được một chiếc máy bay thì sẽ được... nghỉ phép về lấy vợ, và chiếc máy bay bị bắn rơi của bố tôi chính là chiến tích thứ 4 của ông ấy để nhận được "phần thưởng" đó. Tiếc rằng ông Tôn đã qua đời sớm vì căn bệnh ung thư mà có lẽ do ảnh hưởng từ cuộc chiến...".

Những cuộc tiếp xúc với các quân nhân và dân thường đã giúp Tom Wilber cắt nghĩa được vì sao VN lại có thể thắng Mỹ: "Sâu xa, tôi nghĩ người VN có một đặc tính rất căn cốt, đó là dám hy sinh, nhất là khi họ có cùng một mục tiêu chung thiêng liêng".

Trong những chuyến bay về VN, ở thời điểm máy bay sắp hạ cánh, Tom Wilber từng lặng người ngắm những thành phố, làng mạc trù phú xanh tươi và bất giác nhớ lại những video ông từng được xem về cảnh phi công Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Tom nghĩ tới sự kỳ diệu của hồi sinh. Nhưng cũng có lúc ông nhìn thấy những hố bom vẫn còn sót lại. "Đó như là những vết sẹo từ cuộc chiến. Bình thường hóa chưa bao giờ là điều dễ dàng giữa hai đất nước từng là cựu thù. Nếu như không có đức bao dung, vị tha từ đất nước đã chịu nhiều bất công, thương tổn và đằng sau đó là vô số nỗ lực hòa giải đến từ sự đồng cảm và những lời tự vấn của lương tâm...", Tom Wilber nói với PV Thanh Niên.

SỨC MẠNH CỦA TỈNH THỨC

Nhà tù Hỏa Lò nằm rất gần chùa Quán Sứ, nơi cha Tom từng chạm đến giới hạn của tỉnh thức khi được nghe tiếng chuông chùa mỗi ngày. Tom từng tìm đến 6 vị sư ở VN nhờ cắt nghĩa về điều đó. "Thay vì tìm kiếm sức mạnh từ sự thù ghét, bố tôi cùng 7 người tù phản chiến tại Hỏa Lò đã chọn sức mạnh của sự tỉnh thức. Phần nào đó, việc cha tôi bị giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò trong suốt 5 năm cũng là một may mắn với riêng ông, khi nó đưa tới giá trị của sự tỉnh thức. Và tôi nghĩ, đó cũng chính là điều căn cốt làm nên câu chuyện bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sau này", Tom nói.

Ông cũng cho biết thêm, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ với gia đình ông thật ra đã diễn ra sớm hơn trước đó. Chính xác là từ năm 1973, khi bố ông được trao trả về nhà. Việc đầu tiên ông làm là tập hợp cả nhà và nói về việc những người tù binh như ông đã không hề bị đối xử tệ như truyền thông Mỹ lúc đó đã đưa tin. "Như một lẽ tự nhiên, chúng tôi tin lời ông. Và với gia đình tôi, bình thường hóa Việt - Mỹ đã được bắt đầu kể từ giây phút đó".

Tom được ông Bùi Bác Văn, người bắt sống cha ông, bày cho đọc Truyện Kiều. Tom cũng biết đến câu đại thi hào Nguyễn Du tự vấn: "Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như". "Ba mươi hay ba trăm năm, không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Nhưng nếu trời còn cho sống thêm 5 hay 10 năm nữa, tôi nguyện sẽ dành những năm tháng còn lại của đời mình cho nỗ lực giúp VN khắc phục hậu quả chiến tranh và nối dài câu chuyện bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ", Tom nói.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn