Bún treo Như Ý: Sài Gòn xưa nay là vậy đấy, thương nhau qua từng bữa cơm, tô bún

Giữa lòng thành phố tấp nập, có một quán bún nhỏ nằm lọt thỏm ở phường Bình Đông (quận 8 cũ, TP.HCM), không bảng hiệu cầu kỳ, chỉ có dòng chữ bún 'treo' đầy nổi bật. Nghe thì lạ mà lại quen vô cùng.
Nằm trên con đường Phạm Thế Hiển, ngày từ 6h sáng quán ăn Như Ý tấp nập người ra, người vào. Trên bảng hiệu đơn sơ, quán giới thiệu ba món bún đặc trưng: bún riêu, bún mọc và... bún "treo".
Bún riêu, bún mọc thì ai cũng biết, là món ăn thân thuộc của người Sài Gòn, nhưng bún "treo" thì lạ quá, khiến ai cũng phải tò mò hỏi han rồi lại gật gù khi biết rằng hóa ra bún "treo" không chỉ là món ăn mà còn là cách cô Hồng - chủ quán - san sẻ tình yêu thương đến với mọi người.
Mẹ tôi có biệt tài là ăn món nào là nấu được ngay
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị Trương Trần Như Ý (28 tuổi) - con gái cô Hồng - cho biết tính đến nay, quán ăn Như Ý đã bán được gần 20 năm. Hồi đó, cô Hồng từng thử bán nhiều món, từ bò kho, phở cho đến cơm tấm... nhưng cuối cùng lại dừng lại ở nồi bún mọc, bún riêu.
"Vào thời điểm bán cơm tấm, vì khách đông, mẹ tôi mải bán nên sơ ý làm bỏng cả cánh tay phải. Từ đó gia đình nhất quyết không cho mẹ bán cơm nữa. Mẹ nhớ nghề, muốn bán nên chuyển sang bán bún - món ăn đỡ phải dùng bếp nhất có thể" - chị Như Ý hồi tưởng lại.
Dù chỉ là quán ăn nhỏ nhưng cô Hồng luôn tất bật từ sáng sớm đến đêm muộn. Không biết đi xe máy, cứ 4h sáng hằng ngày cô phải bắt xe để ra chợ lựa những đồ tươi ngon nhất cho nồi nước dùng và các nguyên liệu.
Mỗi tô bún riêu, bún mọc quán ăn Như Ý chỉ vỏn vẹn 25.000 đồng nhưng lại "đầy ú ụ", một người lớn có thể ăn no căng bụng.
Bún riêu có phần nước lèo trong nhưng rất đậm đà. Nước dùng ngọt thanh từ cua đồng tươi hòa quyện với vị chua dịu của cà chua và chút thơm nồng của mắm tôm tạo nên một hương vị rất riêng, khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi.
Còn bún mọc thì nước dùng ngọt thanh từ xương hầm, từng viên mọc tự làm được nặn tỉ mỉ, dai dai, đậm vị thịt, tạo nên sự hài hòa tuyệt vời cho món ăn.
Điều đặc biệt ẩn giấu sau mỗi tô bún hấp dẫn, thơm ngon tại quán ăn Như Ý là phần công thức do cô Hồng tự mày mò, đúc kết qua kinh nghiệm mấy chục năm.
Theo chị Như Ý, đó là biệt tài riêng của mẹ chị: "Mẹ tôi có một cái lạ lắm, ăn ở đâu món gì ngon là về mày mò làm lại được y chang.
Tôi hay đi du lịch ăn được mấy món ngon mà chưa thấy ai bán thì sẽ đem về nhà cho mẹ ăn thử rồi hai mẹ con cùng nghiên cứu.
Bún riêu, bún mọc cũng vậy. Mẹ thích ăn bún, xung quanh cũng chưa ai bán nên mẹ bắt đầu mày mò rồi mở quán. Ấy vậy mà ai ăn rồi cũng thích".
Làm bún "treo", nhận niềm vui là hạnh phúc rồi!
Vào một năm trước, trong lúc lướt mạng xã hội, cô Hồng tình cờ thấy mô hình phở "treo" ở Hà Nội.
Như chạm vào điều gì đó ấm áp trong lòng, cô ấp ủ ý tưởng này cho riêng quán bún. Sau khi được con gái giải thích và động viên, cô Hồng bắt đầu áp dụng mô hình bún "treo" cho quán ăn Như Ý.
Bắt đầu áp dụng mô hình bún "treo" từ ngày 9-9-2024, vào thời gian đầu, số lượng bún được treo lên đến 70 - 80 tô mỗi ngày nhưng rồi dần dần ít đi, duy trì mỗi ngày từ 15-20 tô.
Đôi khi hết bún "treo" thì quán cũng sẽ tự bỏ tiền ra để dành tặng mọi người. Nếu hết bún "treo", cô Hồng sẽ treo bánh bao, xôi, bánh mì... để hễ ai đến là không phải đi tay không về.
Ngoài treo bún trực tiếp, nhiều người ở xa thích thú với mô hình này sẽ chọn cách treo online cho cô Hồng. Để thông tin minh bạch, chị Như Ý đã lập ra trang Facebook Bún Treo 1829, mỗi tháng đều đăng sao kê rõ ràng tất cả các khoản đóng góp của nhà hảo tâm.
Nhắc đến kỷ niệm trong gần một năm làm bún "treo", chị Như Ý hồi tưởng: "Lần mà hai mẹ con nhớ nhất một chú bán vé số khuyết tật đến quán treo 200.000 đồng, tức 8 tô bún. Chú bảo rằng vì bán được nhiều nên muốn san sẻ cho người khó khăn.
Một lần khác, chú đến để nhận bún treo thay vì treo bún. Lúc đó tôi nhận ra rằng đôi khi người cho đi không phải là người quá dư dả mà đơn giản vì hôm đó họ có nhiều hơn và họ muốn trao đi yêu thương mà thôi".
Vào đầu năm 2025, quán bún "treo" của cô Hồng đã được vinh danh tại WeChoice Awards 2024. Chị Như Ý hãnh diện gọi đây là "ước mơ cả đời" và là thành tựu mà cả hai mẹ con không thể nào quên.