Như chưa hề có cuộc chia ly: Cùng 1 cái tên hai số phận

Có một người đàn ông trung niên tên Thuần ngày đêm nhớ thương khắc khoải về gia đình ruột thịt. Một người mang thân phận Thuần đã dừng cuộc sống ở tuổi 19.
Tập 190 Như chưa hề có cuộc chia ly không có nhiều nước mắt. Nhưng sự kịch tính của một số phận tưởng chừng chỉ có trong phim lại hiện hữu ngoài đời thật.
"Nếu người nằm dưới mộ là Võ Thuần. Vậy anh là ai?", nhà báo Thu Uyên hỏi anh Minh (tên thật là Thuần). Kết quả ADN mà chương trình công bố cho thấy anh Minh chính là Thuần.
Lớn tuổi chừng nào, tủi thân chừng ấy
Ông Nguyễn Văn Minh, sống ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ông có nước da đen bóng, thân hình gầy, khắc khổ, già hơn so với tuổi. Cuộc đời ông quá đỗi buồn. Năm 1980, ông lạc mẹ trong một lần đi chợ.
Ông chậm rãi nói: "Nhiều khi tủi lắm. Lớn chừng nào, tủi chừng ấy. Ai cũng có gia đình chỉ mình không có".
Sau khi lạc, ông được một gia đình nhận làm con nuôi, đặt tên là Nguyễn Văn Minh, dẫn về Bình Thuận sống. Gia đình ba nuôi có 8 người con, thêm Minh nữa là 9.
19 tuổi, ông lấy vợ,cố gắng làm lụm, tích cóp tiền mua được miếng đất rẻ, nhà nước cho vay tiền cất nhà.
Hằng ngày ông rong ruổi trên những cung đường, lượm củi khô để bán. "Lớn tuổi rồi nên đôi khi tôi cũng thấy đuối. Tôi cố gắng làm có cái ăn, kiếm đồng tiền để lo khi bệnh. Tôi thường khóc thầm xa xứ, xa gia đình, nhớ mẹ, nhớ em. Tôi vái Trời, Phật cho tôi tìm lại cha mẹ, con biết nội, chú, bác", ông chia sẻ.
Đi lạc lúc còn nhỏ ông vẫn nhớ tên mình là Thuần, tên ba mẹ và các em. Nhưng địa danh nơi sống thì không rõ.
Chỉ biết là, đó là vùng có cát trắng như sa mạc, có đò, có chợ. Có cô bạn gái hàng xóm gọi nhau là "mi, ta".
Ông không biết chữ. Hàng xóm tốt bụng biết hoàn cảnh đã cùng con gái viết thư lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhờ tìm lại gia đình cho ông.
Sự trùng hợp đau lòng trong Như chưa hề có cuộc chia ly
Dựa vào ký ức của ông Minh, bằng phương pháp loại trừ, Như chưa hề có cuộc chia ly đã tìm đến vùng đất cát trắng tinh như sa mạc mà ông kể, là tỉnh Bình Định.
Chương trình gặp bà Phạm Thị Lai sống thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - là hàng xóm ngày xưa. Bà kể ngày còn bé ông và đám bạn quê nghịch ngợm, luôn chọc ghẹo, đánh lộn. Cô của ông là bà Tía kể về gia đình nhiều biến cố.
Ông nội của ông là cụ Võ Trụ đi tập kết, để lại hai con là ông Tá và bà Tía cho cha mẹ nuôi. Bà Tía lấy chồng ở quê. Ông Tá đi biển vào Tuy Hòa lấy vợ và sinh con trai đầu lòng đặt tên là Thuần rồi trở lại quê nhà Bình Định.
Năm 1975, ông Trụ trở về. Lúc đó vợ chồng ông Tá - bà Hương có 4 con trai. Đứa thứ 5 nằm trong bụng mẹ chưa rõ trai hay gái. Ông Trụ tính dắt một cháu về nuôi để tránh việc nhà có 5 con trai, tức có ngũ quỷ như ông bà xưa nói. Chưa kịp làm điều này thì Thuần mất tích.
Ông Tá đi biển trở về nghe tin Thuần đi lạc liền lấy xe đạp chạy ra ga Bồng Sơn tìm. Những người bán hàng lang thang kể có thấy đứa bé lên xe thồ theo ông buôn chuối. Ông Tá lại đạp xe đến từng vùng trồng chuối mà cũng không tìm được con.
Năm năm sau, có người mách họ thấy Thuần trên núi xã Mỹ Đức, huyện Thuận Mỹ. Cả nhà ông lại lên đường. Cậu bé ấy được gia đình ông nhận là Thuần bởi có cùng một vết sẹo và cử chỉ quen thuộc.
Đón được người tưởng con mình về, ông Tá mua con heo về đãi họ hàng lối xóm. Thuần ấy không nói được, thỉnh thoảng động kinh, cả người bị phù vì bệnh. Gia đình vẫn yêu thương Thuần và chăm sóc anh. Sống được 3 năm, Thuần bệnh nặng và mất, chôn trên mảnh đất gia tộc.
Ông Tá dẫn gia đình đến Nha Trang sinh sống. Ông thỉnh thoảng chạy về Bình Định nhang khói cho dòng tộc, cho con. Bà Hương sau đó bị đột quỵ. Ông Tá bỏ tàu, về nhà chăm sóc vợ. Năm 2008, vợ ông mất.
Năm 77 tuổi, ông Tá mất đột ngột trong giấc ngủ trưa. Anh Võ Trí - con ông trong chương trình bảo: "Xót quá. Ba dặn là không được quên anh Thuần. Ba má lo khi mất không ai lo cho mộ phần cho anh".
Ông Tá nếu còn sống không ngờ lại có ngày đứa con trai thực sự của ông trở về khỏe mạnh sau 46 năm.
Có lẽ nhiều người thắc mắc Thuần đang nằm dưới mộ kia là ai? Câu hỏi này khó trả lời. Nhưng xem chương trình, cảm nhận mảnh ghép "người dưng" ấy của gia đình ông Tá dù hi hữu nhưng ấm áp tình người.
"Buồn cho số phận chú Thuần kia, nhưng thôi, dù sao trước khi mất chú cũng đã có người chăm lo", "Khổ thật, sự trùng hợp đến đau lòng", khán giả viết.
Một điều trớ trêu bất ngờ xảy ra ở cuối chương trình. Trong đoàn người gia đình ông Thuần từ quê đến phim trường sum họp, một người nhận ra khán giả trong trường quay có người quen. Mà vị khán giả ấy lại là chồng em gái nuôi của ông Thuần.
Có lẽ họ đã gặp nhau mà không nhận ra nhau. Lý do được giải thích: Vì gia đình nghĩ đã tìm ra Thuần rồi nên không lăn tăn gì nữa.