Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Việc của mình là viết, mọi thứ khác tùy duyên

Tối 13.4, sân khấu Quốc Thảo ra mắt vở 'Một trái tim khô' (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc cảm tác từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư - đạo diễn Quốc Thảo). Toàn bộ diễn viên trong vở đều là học trò của nghệ sĩ Quốc Thảo.
Xin chào nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sự trôi có ý nghĩa thế nào đối với chị?
À, tôi tin trôi nổi đi theo tôi suốt, từ những tác phẩm đầu tiên cho tới tận giờ ấy chứ! Chỉ là lúc nhạt, lúc đậm, lúc mỏng, lúc nổi khối mà thôi. Nếu mà từ lúc sinh ra tôi đã nằm trong sự dịch chuyển về phía cái chết, thì bây giờ tôi muốn "nhìn thấy" nó, nắm bắt nó. Chủ đề này rộng - bằng chứng là với khả năng có hạn của mình, tôi viết hoài mà chưa hết - ví như trong lúc chúng ta trò chuyện như thế này, thì chúng ta cũng đang trôi đó thôi!
Bản chất sự trôi và tiếng gọi chân trời là những thứ rất khó nắm bắt, gần như siêu hình. Vì sao chị lại lựa chọn theo đuổi một đối tượng thách thức, khó nhằn như thế?
Với một nhà văn, nếu thật sự muốn đặt bút vào thì không có đề tài nào là quá khó cả (cười). Trước sự khó, tôi nhận ra hạn chế của mình, nhưng ngược lại cũng thấy có thể mở rộng, cơi nới đến đâu! Nhưng nếu bạn sống ở quê xứ tôi, sẽ thấy mọi sự nổi trôi ở đây hầu hết diễn ra trên bề mặt. Con người, những dòng sông, thời tiết, tôm cá, cây cỏ… hết thảy đều dễ dàng nắm bắt, nếu mình để tâm vào…
Sự trôi ở cả bề mặt lẫn trong nội tâm như chị nói trên là quy luật vận động của cuộc sống. Nếu là quy luật thì lẽ ra người ta phải thấy thoải mái với lựa chọn đó. Thế nhưng tại sao các tiếng gọi mời đưa người trẻ đến thành phố, đưa người già về quê nhà... trong Tiếng gọi chân trời lại vò võ đến thế?
Tôi nghĩ là bởi chúng ta thường không biết đủ, biết thỏa mãn, biết hài lòng với những gì mình có. Tôi không phán xét tốt/xấu trong sự lúc nào cũng thấy thiếu gì đó. Nhưng tôi tìm thấy cơ hội của một người viết trong chính điều đó, nếu như cái đói của con người là vô tận, là không thể lấp đầy. Cái khoảng trống ấy chính là nơi tôi có thể cày xới.
Chị vừa nhắc từ "cày xới". Tiếng gọi chân trời như mảnh đất còn nóng hôi hổi mà chị cuốc cày, bởi cho thấy sự quan tâm đến xã hội đặc biệt của chị, từ biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu dân số đến lối sống nhanh, lạnh lùng trên mạng xã hội... Với sự kín tiếng của chị, người ta thường nghĩ Nguyễn Ngọc Tư chỉ sống cõi đời của riêng mình. Nhưng hóa ra chị cũng quan tâm đến thời sự nhỉ?
Tôi cũng là một người bình thường, sống ngay trên mặt đất này chứ có ở trên mây đâu! Buổi sáng ra chợ gặp mấy chị bán cá, bán rau tôi cũng mang về được cả mớ thông tin. Hiện thực của làng xóm, gia đình, họ hàng cũng phà hơi thở nóng hổi của nó vào tôi, dù tôi đã lùi lại bao nhiêu đi nữa. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu tôi giàu tưởng tượng và khả năng đồng cảm, thì chẳng cần "quăng nguyên con" vào dòng chảy đời sống, chỉ đứng bên bờ thôi, tôi cũng quan sát, nắm bắt được hình thái, màu sắc, mùi vị của nó…
Chị vừa nhắc đến miền quê xứ mình. Dường như càng ngày thì từ miền tây sông nước và cách viết đong đầy hiện thực ở quãng đầu, người ta đang thấy chị nói nhiều hơn về những vấn đề phổ quát với cách viết mới hơn, nhiều thể nghiệm hơn?
Thật ra lúc viết tôi không hướng tới vùng vào, khu vực nào, châu lục nào cả. Tôi chỉ cố làm cho tốt một chuyện: "Ít nhất có gì đó mới mới". Bản thân tôi mới là đối tượng mà mình hướng vào. Nhìn vào mình để bước qua cái bóng chính mình. Nếu tôi không thể làm gì với cái giọng văn như thể máu thịt mình, thì ít nhất trong kỹ thuật kể chuyện cũng có gì đó tìm tòi, tươi mới!
Chị nói mình chỉ cố làm cho tốt một chuyện: "Ít nhất có gì đó mới mới". Cái "mới mới" này có thể diễn tả bằng việc ở Trôi, các nhân vật được chị đặt trong những cảnh huống đặc biệt, có cách ứng xử đặc biệt, nặng tính hư cấu. Trong khi Tiếng gọi chân trời lại rất đời, rất thực. Có phải chị đang phân định 2 con đường riêng: tiểu thuyết, truyện ngắn sẽ vị nghệ thuật; còn tản văn sẽ vị nhân sinh?
Nói thế thì văn vở lý thuyết quá. Tôi còn chưa nghĩ tới chuyện mình "vị" cái gì nữa là. Nhưng như bạn, hay nhiều bạn đọc có thể thấy rõ, sách tôi chia làm hai dòng rõ rệt, ấy là tôi viết kiếm tiền và viết vì mình, vì những thứ mà mình thích. Những thứ tôi thích thì mụ mị quá, bạn đọc nhiều khi không chịu được!
Với hai dòng ấy thì thói quen sáng tác của chị ra sao, dường như có sự xen kẽ giữa 2 thể loại này về thời điểm ra mắt. Chúng có hỗ trợ nhau trong quá trình viết không?
"Đứa" tôi thích an ủi tôi sau chuỗi viết vì… tiền (cười). Nhưng nói vậy không phải tôi không coi trọng mớ mình viết để kiếm sống. Tôi còn biết ơn chúng là khác. Thực lòng, độc giả yêu tôi, đồng cảm với tôi chính là nhờ những tác phẩm ấy. Chỉ đôi khi sự viết cực nhọc quá, tôi ước mình lúc nào cũng viết trong niềm vui kín đáo của riêng mình.
Người ta hay nói nhà văn phải có cảm hứng thì sách mới hay. Khi bắt tay thực hiện các dự án "kiếm sống", có bao giờ chị thấy chán nản vì đó không phải thứ mình "muốn viết" không?
Không hẳn là chán, hoặc đến mức không muốn viết. Thật ra nếu tôi không muốn thì chẳng viết được chữ nào đâu. Sự viết kiếm sống cũng có niềm vui đó chớ. "Mình thích" là một cách nói thôi, kiểu như được tự do viết mà không cần dè chừng những thứ bên ngoài mình, không màng đến cả cái gọi là thể loại. Thực lòng với tôi, thể loại nào không quan trọng bằng việc viết như thế nào.
Trên thế giới có nhiều nhà văn đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho các tác phẩm của mình. Họ không chấp nhận cho ra mắt các tác phẩm dưới chuẩn. Trong khi chị không ngại ngần chia cách bản thân sáng tạo ra làm hai nửa với một lý do cũng khá... thực dụng. Chị có bao giờ trăn trở về một di sản văn chương thiếu thống nhất?
Vấn đề đặt ra là sao mới gọi là "chuẩn"? Tôi thấy mình chẳng viết gì dưới chuẩn, ít nhất là chuẩn ở phía tôi. Thứ tôi quan tâm chính là trạng thái khi viết, giữa tự do hoặc bó buộc, thỏa hiệp hoặc không. Nói về di sản văn chương, lúc này tôi nghĩ là hơi sớm. Tôi đã ngưng viết đâu! Và quan trọng nhất, khó biết thứ gì sẽ sống sót, ở lại sau thử thách của thời gian.
Như lời chị nói: "Nhìn vào mình để bước qua cái bóng chính mình", điều này cho thấy chị là người viết lý trí. Lý trí có bao giờ kháng cự với cảm tính trong quá trình sáng tác của chị?
Viết là một công việc của lý trí rồi, với tôi là vậy! Tôi cũng tin những người lao động văn chương thực sự không tồn tại cái gọi là cảm tính. Ý tưởng có thể bộc phát, nhưng để bày biện nó ra bằng câu chữ, thì cả một quá trình xếp đặt trước sau.
Đây có phải là lý do khiến cho tản văn của chị rất lạ khi nó không phải những cảm xúc chủ quan của tác giả, mà trong đó cũng sở hữu cốt truyện, có thể đứng riêng như một truyện ngắn?
Ấy là do tôi cũng muốn làm cách nào cho tản văn mình mơi mới! Nhưng đây là thể loại rất khó làm mới do bám quá chặt vào "thắt lưng" hiện thực và tâm thế người viết. Tôi thấy thật chật chội khi viết một thể loại mà mình cứ phải phơi bày cảm xúc ra, thay vì chỉ lạnh lùng lột tả những vấn đề của đời sống. Lúc làm bản thảo Tiếng gọi chân trời, tôi đã từng nghĩ biết đâu đây là cuốn tản văn cuối cùng, một khi tôi chưa nghĩ ra kiểu viết nào khác…
Đó có phải cũng là nguyên nhân khiến lâu rồi chị chưa quay về địa hạt tiểu thuyết sau Biên sử nước?
Tôi chưa tìm thấy một ý tưởng đủ để đi được đường dài - lý do này mới là quan trọng nhất. Thời gian cũng là vấn đề. Không chỉ thời gian viết, mà cả thời gian ấp ủ, rình chờ. Phải đủ để nuôi nấng một thứ gì đó phức tạp, đa chiều, nhiều tuyến tính hơn. Và cả sự không chắc chắn nữa, vì giống như trồng cây ăn trái, chăm tưới bao năm chưa chắc đã đơm hoa theo ý mình. Viết tiểu thuyết với tôi là cả quá trình đi trong sương mù, mọi thứ chỉ sáng rõ khi kết thúc công việc đó.
Đọc những sáng tác gần đây của chị có thể thấy chị đã trải nghiệm rất nhiều tinh hoa văn chương, từ Olga Tokarczuk, Wu Ming-yi đến Gabriel García Márquez, W.G.Sebald... và còn nhiều nữa. Chị học hỏi được gì từ những nhà văn lớn này?
Nhiều nhất là kỹ thuật kể chuyện. Giọng văn cũng quan trọng. Thật ra tôi đọc nhiều, nhưng cũng có nhiều "ông lớn" tôi chỉ dừng ở mức ngưỡng vọng, chứ không thể dụng vào việc viết. Thế giới bao la vậy, nhưng không phải mọi thứ đều dành cho mình. Nhưng cái quan trọng chính là cảm hứng, những cuốn sách hay khiến tôi rạo rực muốn làm việc, ngồi vào bàn viết.
Năm qua Biên sử nước được dịch sang tiếng Anh, đoạt giải thưởng dịch thuật. Trước đó sách của chị cũng đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Đức... Chị cảm thấy thế nào khi sách của mình giờ được xuất ngoại? Phổ độc giả rộng lớn hơn có ảnh hưởng đến cách chị viết?
Có thêm người đọc cũng tốt. Tôi nghĩ vậy. Còn người đọc ấy là ai, ở quốc gia nào thì không quan trọng. Lúc tôi ngồi viết, cũng hiếm khi nghĩ tới việc mình viết đây là cho ai, kiểu độc giả nào. Nhiều năm làm nghề, tôi vẫn giữ quan niệm rằng việc của mình là viết, mọi thứ khác thì cứ tùy duyên.
Chị cũng nhận được giải thưởng văn học Điền Trì (Trung Quốc) trong năm 2024. Giải thưởng tôn vinh quá trình sáng tạo của chị nhưng đồng thời có để lại áp lực?
Thật sự là không. Giải thưởng tôi cũng coi là duyên. Trừ một vài giải thưởng buổi đầu đời là tôi tự gửi tác phẩm đi, về sau này những giải thưởng đến bất ngờ, từ những nơi chốn tôi chưa từng nghĩ tới. Bởi vậy tôi càng tin rằng trốn vào góc nhà mà viết là chuyện duy nhất mình nên làm (cười).
Khi nào chị định quay lại với tiểu thuyết và có đang ấp ủ tác phẩm nào không?
À, tôi đang viết mà không biết có phải tiểu thuyết hay không. Phải đến cuối cùng mới chắc chắn được. Cả khi không phải, thì tôi cũng chẳng nuối tiếc gì đâu, bởi sao phải là tiểu thuyết mới được?
Tác giả: Tuấn Duy