Người vợ nhiều lần bị chồng đánh vẫn không ly hôn: Xin chị hãy nghĩ lại

(Dân trí) - Dù đã lớn, trái tim tôi vẫn đầy những vết xước, tổn thương từ ngày thơ dại. Đến nỗi cho đến bây giờ, khi bố mẹ tôi đều đã mất, tôi vẫn cho rằng, mẹ tôi đã sống một cuộc đời với lựa chọn sai lầm.
Hôm nay, thật tình cờ, tôi đọc báo và thấy bài tâm sự "Thư gửi con trai: Mẹ bị bố đánh vẫn không ly hôn, con biết vì sao không?". Con của người kể trong câu chuyện còn nhỏ, chắc là chị vẫn còn trẻ. Dù không biết tuổi tác thế nào, tôi cũng xin được xưng hô như vậy.
Chị ạ, như chị nói, chị từng là người được yêu, từng có những tháng ngày hạnh phúc. Cho đến khi con trai ra đời, chồng chị như biến thành một con người khác.
Chị không biết vì sao anh ấy lại thay đổi, không biết những áp lực, mệt mỏi, giận dữ của anh ấy từ đâu ra. Chị chỉ biết những thô lỗ, cục cằn, những cái tát giáng lên người mình không một chút xót xa, thương tiếc. Nhưng chị vẫn chịu đựng vì con.
Trên đời này, có rất nhiều người giống như chị, coi bản thân mình chẳng ra gì, coi đời mình chỉ là thứ bỏ đi với suy nghĩ rằng, mình khổ nhưng con mình sẽ không khổ. Mẹ tôi cũng là một kiểu người như vậy.
Cha mẹ tôi đến với nhau không phải vì tình yêu. Ngày đó, cha tôi góa vợ, còn mẹ tôi là gái lỡ thì. Ở nông thôn, con gái quá lứa lỡ thì hầu như không còn cơ hội để lựa chọn. Chỉ cần lấy chồng, có con, có một gia đình để chăm lo, vun vén là đủ.
Nhiều người nghĩ vậy và thật may là cuộc sống của họ vẫn ổn. Nhưng mẹ tôi thì không. Vợ trước qua đời trong một tai nạn giao thông trong khi đang mang thai đứa con đầu lòng khiến bố tôi sống như kẻ bất cần đời.
Bố tôi tái hôn theo sự sắp đặt của gia đình nhưng trái tim hoàn toàn không có mẹ tôi ở đó. Ông làm thợ xây, công việc khá vất vả. Ngoài giờ làm, ông vùi đầu vào rượu. Và sau những lần say, ông trút mọi bực bội lên người vợ vô tội, ngay cả lúc mẹ tôi đang mang thai.
Tôi đã lớn lên trong gia đình như thế. Một người bố hễ uống rượu vào là bạo hành vợ. Một người mẹ mỗi lần thấy chồng say là dắt con đi trốn.
Dù không thương mẹ, bố lại rất thương tôi. Ông tệ với vợ bao nhiêu thì lại thương con bấy nhiêu. Ông coi tôi như báu vật mà cuộc đời đã trả lại cho ông thay cho đứa con chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.
Dù được bố yêu chiều, tôi chưa từng thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tôi thương mẹ, thương những cái tát hằn trên má, những vết bầm trên da khi bố say mà ném đồ đạc trúng người mẹ, thương cả những giọt nước mắt lặng thầm rồi vội lau vì sợ tôi trông thấy.
Năm 11 tuổi, tôi từng hỏi mẹ: "Bố có thương mẹ đâu, tại sao mẹ phải sống khổ như vậy?". Và mẹ tôi trả lời: "Vì con, mẹ có thể chịu đựng tất cả. Chỉ cần con có một gia đình trọn vẹn, đủ mẹ đủ cha, những khổ nhục này chẳng là gì".
Câu trả lời của mẹ thực sự trở thành nỗi ám ảnh, khiến tôi day dứt suốt nhiều năm sau đó.
Tôi tự hỏi: Nếu không có tôi, mẹ có chịu đựng bố nhiều năm như vậy không? Có phải tôi là nguồn cơn níu giữ mẹ lại trong cuộc hôn nhân khốn khổ này? Tôi thương mẹ, càng thương càng thấy bản thân mình có lỗi.
Vậy nên đọc bức thư của chị, tôi giận nhiều hơn thương. Tôi không nghĩ sự chịu đựng của chị là lựa chọn tốt nhất. Không nghĩ sự hy sinh của chị là sự bù đắp cho sự tròn đầy của cuộc đời con.
Con trai chị có lẽ cũng giống như tôi, từng thấy chị khóc, từng chứng kiến chị bị bạo hành. Chỉ là con còn nhỏ, chưa biết bộc lộ cảm xúc, cũng chưa hiểu chị làm như thế là tốt hay không?
Nhưng đừng vì thế mà nghĩ trẻ nhỏ không biết gì. Trong tâm hồn của tôi vẫn luôn chứa đầy những vết xước, những tổn thương từ ngày thơ dại. Đến nỗi cho đến bây giờ, khi bố mẹ tôi đều đã mất, tôi vẫn cho rằng, mẹ tôi đã sống một cuộc đời với lựa chọn sai lầm.
Mẹ hoàn toàn có thể sống một cuộc đời khác, tự do, thoải mái, nhẹ nhàng hơn cả về tâm hồn và thể xác. Không phải đứa trẻ nào cũng sẽ lớn lên hạnh phúc, vui vẻ khi có đủ mẹ, đủ cha. Một đứa trẻ không thể nào hạnh phúc khi sống trong một gia đình "độc hại".
Với những gì đã trải qua, tôi nghĩ, tình yêu của chị dành cho chồng không còn, sự tôn trọng càng không. Chị viện ra nhiều lý do để chịu đựng, trong khi chị hoàn toàn có thể rời đi. Thực ra, chị đang lấy sự hy sinh vì con để che đậy sự yếu đuối, nhu nhược của chính mình.
Chị còn viết thư kể khổ để lớn lên con trai biết chị đã vì cậu bé mà chịu đựng những gì. Để làm gì hả chị? Có phải để con chị lớn lên trong nỗi day dứt giống như tôi, vì mình mà cả cuộc đời mẹ khổ?
Chị yêu con nhưng xin hãy thể hiện tình yêu con bằng cách thông minh hơn. Trước khi bảo vệ con, xin hãy học cách bảo vệ mình, cả về tinh thần và thể xác.
Rất nhiều bà mẹ đơn thân vẫn sống hạnh phúc, nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Rất nhiều đứa trẻ không có cha bên cạnh vẫn lớn lên như hướng dương chỉ nhìn về ánh sáng.
Đừng chỉ biết chịu đựng và khóc lóc. Cuộc đời của chị phía trước còn rất dài. Và con trai chị cần một người dẫn đường mạnh mẽ hơn để vững vàng bước chân trên những chặng đường phía trước. Nếu chị không biết yêu thương bản thân, chị sẽ chẳng còn năng lượng mà yêu thương ai hết, kể cả con mình.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.