Nhảy đến nội dung

Người Sài Gòn với nhau mà...

Tôi rất thích góc nhìn của bạn Nguyễn Hiếu Tín khi cho rằng bản đồ TP.HCM giống con dơi đang bay, sải cánh dang rộng, tràn đầy khát vọng. Trong văn hóa phương Đông, dơi là linh vật, tượng trưng cho phúc.

Rất đông người muốn tìm đến đô thị này để học hành, kiếm sống và an cư lạc nghiệp. Tôi là một trong hàng triệu người như vậy. Đơn giản vì nơi này tập trung các trường đại học, các nhà máy lớn, có bến cảng, bến tàu… Quan trọng nhất, đất và người Sài Gòn luôn hào nghĩa, đón nhận, cưu mang, đùm bọc. Tôi đã chứng kiến điều này từ năm 1974 đến nay.

Hơn nửa thế kỷ ở đất này, tôi gặp không ít người chưa tốt. Từ việc giựt dọc (bị móc túi hai lần và một lần bị giật hụt điện thoại), cũng thấy cảnh lừa tiền, xả rác, chửi thề, đánh nhau, bị mắng vì giữ đúng Luật Giao thông… Nhưng những chuyện làm mình buồn tôi ít nhớ, toàn nhớ chuyện làm mình vui.

Nhớ lần vợ mới sinh, đi chợ ở quận 5 tôi rụt rè hỏi thăm: "Người đẻ ăn món gì tốt?". Mấy người bán tận tình chỉ bảo. Chọn hàng xong muốn độn thổ vì quên bóp tiền ở nhà. Mấy dì bán bảo: "Em cứ lấy về nấu cho kịp, mai trả cũng được"...

Khi xe hết xăng giữa đêm (đồng hồ báo xăng bị hư), nhà tôi tận Nhà Bè. Đang hì hục đẩy thì có người chạy tới nói "Lên xe đi, tui đẩy" (bằng xe máy). Đi gần cây số mới có trạm xăng. Chưa kịp hỏi tên và cảm ơn, người đẩy giúp đã rồ ga vọt mất. Người đổ xăng cười nói: "Người Sài Gòn luôn như vậy!".

Mấy lần vào quán ăn sáng, tới lúc trả tiền chủ quán bảo "Có người trả giùm anh rồi". Thấy tôi thắc mắc và khó xử vì không biết ai đã trả tiền cho mình, chủ quán cười "Tưởng người nhà của anh. Không sao đâu, chắc họ biết anh, người Sài Gòn là vậy". Lại có lần tôi mời mấy em bán vé số dạo ăn hủ tiếu bình dân, lúc tính tiền tôi ngạc nhiên vì người bán chỉ tính tiền một nửa rồi bảo "Đừng ngại, tôi phụ anh chút đỉnh, người Sài Gòn với nhau mà".

Lề đường Lý Thái Tổ, bên hông nhà khách Chính phủ (quận 10) từ mấy năm nay thành đường hớt tóc miễn phí cuối tuần, lúc nào cũng tấp nập. Hỏi ra mới biết là hoạt động thường xuyên của một trường đào tạo hớt tóc.

Tuần trước, đi làm về gặp nhóm người đang ra sức dọn rác lưu cữu ở vòng xoay nhỏ. Có cả em bé học lớp 3 và người có tuổi (U70) nhưng đa phần là các bạn trẻ; đồng phục xanh lá cây với dòng chữ ngạc nhiên "Hội yêu rác". 

Trò chuyện với họ và nghĩ về việc phân loại để tái chế rác vô cơ, rác sẽ đổi đời và không bị "khinh rẻ, xa lánh". Đó là một thông điệp đáng quý từ những người dọn rác ở đô thị quá nhiều rác này. Và hy vọng người Sài Gòn cùng thay đổi để có một đô thị văn minh hơn, sạch đẹp hơn trong tương lai gần.