Nghĩ ngược, phá vỡ tư duy lối mòn

Làm sao để tạo khác biệt trong kỷ nguyên dễ sinh ra những bản sao nhạt nhòa? Buổi ra mắt sách “Nghĩ khác - Làm khác” của GS Trương Nguyện Thành đưa ra nhiều câu trả lời thú vị.
Sự kiện diễn ra sáng ngày 19/4 tại trường Đại học Hoa Sen, với sự tham gia của GS Trương Nguyện Thành, CEO Thái Hà Books TS Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó TGĐ Vingroup phụ trách VinFast Võ Quang Huệ và chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương.
![]() |
Các diễn giả tại buổi tọa đàm. Ảnh: THB. |
Không chỉ là nghĩ ngược, mà là tư duy đa chiều
Mở đầu chương trình, “Giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành khiến không khí trong khán phòng trở nên cởi mở hơn khi tự nhận rằng việc ông xuất hiện trong bộ vest chỉn chu thay vì mặc trang phục thoải mái thường ngày cũng đã là một hành động “Nghĩ khác - Làm khác”. Từ đây, ông dần lý giải: “Nghĩ khác - Làm khác” không nhất thiết là phải làm những việc quá dị biệt.
Cốt lõi của “Nghĩ khác - Làm khác” nằm ở việc nhận diện và thách thức những thói quen, những lối tư duy mặc định đã ăn sâu vào tiềm thức. Ông đặt câu hỏi gợi mở từ một việc đơn giản: “Ta có thể nằm ngủ ở nhiều vị trí khác nhau trên giường, nhưng tại sao lại cứ luôn nằm đúng vị trí đó? Mọi người có bao giờ tự hỏi như vậy không?” Điều này là do não bộ có cơ chế phản ứng tự động trước một số sự việc quen thuộc để tối ưu năng lượng.
Tuy nhiên, chính sự tối ưu này lại tiềm ẩn nguy cơ khiến con người trở nên cứng nhắc và mất khả năng thích nghi khi môi trường thay đổi. Do đó, “Nghĩ khác - Làm khác” chính là chủ động phá vỡ vòng lặp vô thức đó, xem xét lại các phương án quen thuộc và dám thử những cách tiếp cận mới để có kết quả khác đi, phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.
“Nghĩ khác” không đồng nghĩa với tư duy phản biện kiểu luôn chống đối hay “nghĩ ngược lại”. Ông Thành đưa ra ví dụ dễ hiểu về màu sắc: với màu trắng, người có tư duy phản biện sẽ nói rằng thực chất đó là màu đen, nhưng đây cũng chỉ là lối nghĩ nhị nguyên hạn hẹp. Thực tế, có hàng triệu màu sắc khác nhau.
Tương tự, khi đối mặt một vấn đề, ta thường cho cách nghĩ đầu tiên bật ra là đúng, nhưng “Nghĩ khác - Làm khác” đòi hỏi ta phải tự vấn “tại sao mình lại nghĩ vậy?”, “có cách nào khác không?”, và tập nhìn vấn đề từ 360 độ thay vì chỉ một góc. Nó giống việc hỏi 12 người mù về con voi, tổng hợp lại sẽ cho bức tranh chính xác hơn là chỉ hỏi một người. Đôi khi, nghĩ khác chỉ đơn giản là bổ sung một góc nhìn mới, làm phong phú thêm ý tưởng ban đầu, chứ không nhất thiết phải bác bỏ hay nghĩ ngược lại hoàn toàn.
Vượt qua rào cản và nỗi sợ hãi để “làm khác”
“Nghĩ khác - Làm khác” không chỉ dừng lại ở suy nghĩ mà phải được thể hiện qua hành động. Tuy nhiên, con đường “làm khác” không hề dễ dàng, nó đòi hỏi lòng dũng cảm, sự “chịu chơi” như cách nói của ông Trần Sĩ Chương. Ông cho rằng nhân loại tồn tại đến ngày nay chính là nhờ “Nghĩ khác - Làm khác”, từ việc tò mò tìm cách làm tốt hơn đến việc phải sáng tạo để sinh tồn trong nghịch cảnh.
![]() |
Bìa sách Nghĩ khác - Làm khác: Bí quyết thay đổi tư duy. Ảnh: THB. |
Ông Thành cũng thẳng thắn thừa nhận: “Khác đi không có nghĩa là 100% sẽ tốt hơn. Nhưng khi bạn lặp lại công việc như cũ, chắc chắn kết quả sẽ như cũ. Liệu ta có còn muốn kết quả cũ đó?” Chấp nhận rủi ro và khả năng thất bại cũng là một phần tất yếu của quá trình này.
Một trong những rào cản lớn nhất khi “Nghĩ khác - Làm khác” là nỗi sợ và vùng an toàn. Ông Trần Sĩ Chương ví von vùng an toàn như “ao làng”, nơi ta cảm thấy không có rủi ro nhưng cũng không có sự phát triển. Bước ra khỏi đó đồng nghĩa ta có thể phải đối mặt với nguy hiểm mới và cả những hình phạt từ cộng đồng cũ.
Từ đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của bài toán cân đối giữa rủi ro và lợi ích khi quyết định khám phá bất kỳ vùng đất mới nào. Đồng thời, nói về nỗi sợ hãi, ông Thành cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi thử bơi xuống hồ băng ngay sau khi tắm sauna ở Ba Lan - việc đi ngược lại quan niệm thông thường của người Việt và ít ai dám làm do nỗi sợ bị sốc nhiệt. Để đối mặt với nỗi sợ đó, ông đã không lao vào ngay hồ băng mà bắt đầu bằng việc nhúng chân, rồi cả người, từ từ làm quen dần qua mỗi ngày. “Ai cũng có nỗi sợ hãi, nhưng làm sao để vượt qua? Hãy chia nhỏ nó ra”.
Trong môi trường công việc, “Nghĩ khác - Làm khác” đôi khi sẽ vướng phải sự phản đối từ cấp trên hoặc quy định cứng nhắc của tổ chức. Ông Võ Quang Huệ lấy ví dụ chiếc vali có bánh xe ra đời chậm trễ hàng chục năm so với ôtô bốn bánh: “Tại sao từ chiếc vali xách tay đến vali có bánh xe lại mất đến mấy chục năm dù đã có ôtô bốn bánh ra đời trước đó làm nguyên mẫu? Phải chăng vì người ta cứ quen nghĩ rằng ‘xách’ vali chứ không nghĩ đến ‘đẩy’ vali? Khi nào đặt câu hỏi khác đi, chúng ta mới có thể Nghĩ khác - Làm khác được”.
Tuy nhiên, trong sản xuất, quy trình mới là quan trọng; nếu muốn thay đổi, phải chứng minh được giá trị vượt trội của cách làm mới. Ông Thành khuyên rằng khi muốn đề xuất thay đổi trong tổ chức, hãy bắt đầu từ những nơi có “lực cản thấp nhất” để chứng minh hiệu quả từ những cái “khác” nhỏ và luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu.
Cuối cùng, “Nghĩ khác - Làm khác” không phải lúc nào cũng là đưa ra những phát kiến vĩ đại. Đôi khi, nó chỉ đơn giản là thử thực hiện những điều tốt đẹp mà ta đã biết nhưng chưa từng làm. Ông Võ Quang Huệ chia sẻ rằng đó có thể là việc rất nhỏ nhưng lành mạnh như tập thể dục mỗi ngày. Đồng thời, việc khởi động lại sự tò mò, đặt câu hỏi không ngừng cũng chính là cách để học suốt đời và sống có ý nghĩa hơn, khác biệt hơn.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.