'Mắc kẹt' trong chung cư cũ đầy rẫy hiểm nguy

Ở chung cư cũ, người ta mắc kẹt đủ thứ từ các mối quan hệ, tư duy nhà cũ nhưng ở trung tâm, lo thay đổi chỗ ở mất cơ hội làm ăn, lo thiệt thòi với đền bù giải tỏa...
Mấy ngày đọc tin cháy ở chung cư Độc Lập (TP.HCM) khiến 8 người tử vong, bà Tăng Quang Như ở cư xá Vĩnh Hội, phường Khánh Hội (Phường 9 Quận 4 cũ) bần thần. Nhà bà ở khu cư xá xây dựng từ trước năm 1970, được xếp vào cấp D, phải di dời khẩn cấp từ 2017 do hư hỏng nặng, nguy hiểm, và nhiều người đã về nơi ở khác để đảm bảo an toàn.
Bà Như cho hay, vợ chồng bà cũng đã đi khảo sát những nơi tái định cư dành cho cư dân cư xá Vĩnh Hội ở Quận 6, Quận 11 (cũ). Nếu thu xếp được, gia đình gồm 2 vợ chồng và con trai sẽ sớm chuyển về nơi ở mới. Mong ước lớn nhất của người phụ nữ 56 tuổi này không chỉ là nơi ở mới an toàn, sạch sẽ, mà cần có việc làm, kiếm thu nhập ít nhất bằng nơi ở cũ, để nuôi sống gia đình.
Người dân mắc kẹt trong nỗi lo chỗ ở
Cư xá Vĩnh Hội có 3 dãy nhà với gần 250 căn hộ. Ngay giữa sân là khu chợ Hãng Phân, nơi buôn bán khá sầm uất. UBND Phường 9 (cũ) dựng lên tấm bảng đỏ cảnh báo chung cư xuống cấp, nguy cơ sụp đổ. Ở các cầu thang và từng tầng của các dãy nhà cũng đặt nhiều bảng quảng cáo với nội dung tương tự.
Bà Như kể, cuối năm ngoái, cả chung cư một phen hoảng hồn vì một vị khách trong lúc đi dạo, chụp hình ở hành lang tầng 2 bất ngờ bị rơi xuống tầng 1 vì mảng bê tông của hành lang đổ sụp. May mắn người này chỉ bị trầy xước ngoài da.
Bây giờ cứ thấy khách lạ, trẻ con đi ở hành lang, bà Như lại trông chừng, nhắc nhở để đảm bảo an toàn, vì sợ hành lang có thể thủng, bê tông rớt bất cứ lúc nào.
"Các lỗ thủng được chắn lại bằng tấm đan thép và những lối đi nguy hiểm cũng chính quyền rào lại. Nhiều trụ sắt được dựng lên dọc các hành lang để chống đỡ, mái tôn được lắp để che chắn bê tông, gạch đá rơi, nhưng bất an luôn hiện hữu với những người dân ở đây. Các cháu nhỏ tôi 'nhốt' trong nhà, không cho chơi ở hành lang nữa. Người lớn cũng chỉ ra ban công khi có việc đi lại hoặc phơi quần áo, quét dọn vội vàng", bà Như nói.
Dãy nhà bà Như ở tầng 1, nhiều nhà đã di dời. Bà kể, vài người hàng xóm quay về cư xá cho biết họ hài lòng với nơi ở mới vì sạch sẽ, an toàn, nhiều tiện ích. Bà cũng muốn có một nơi ở mới để không phải nơm nớp lo nhà sập, lo cháy nổ. Nhưng bà đã ở đây hơn 30 năm từ khi lấy chồng, công việc làm ăn gắn chặt với cư xá và khu chợ này.
Công việc của bà là nấu ăn theo nhu cầu khách ở chợ và bà con các căn hộ xung quanh. Khách thích ăn gì sẽ đặt bà nấu và mang tận nơi, túc tắc từ sáng đến chiều cũng kiếm lời đủ nuôi hai vợ chồng.
Bà đang tìm hiểu việc buôn bán này ở các khu được tái định cư, mong khi dời đến thì không mất thu nhập. Mong muốn lớn nhất là tìm chỗ ở phù hợp để đi sớm, sợ trễ thì không còn nhiều lựa chọn nữa.
"Sống trong lo lắng, bất an không ai muốn cả, kẹt là sợ chỗ ở mới không có việc làm. Tôi chỉ có căn hộ 31m2 chứ không có dư dả gì. Đổi lại ở trung tâm thành phố, đã quen với môi trường, với việc làm, nên luôn trong nỗi lo mưu sinh thế nào ở nơi mới. Giờ nhà xuống cấp quá, nhưng chỗ ở mới mà không ổn định, thu nhập không đảm bảo thì làm sao mình yên tâm đi", bà Như cho biết.
Bà Phạm Thị Hạnh, 67 tuổi nhà ở tầng 1 lô A, cũng cho biết bà ở chung cư Vĩnh Hội từ trước năm 1975 và đang sống cùng 2 người con trai. Hai người con bà phụ việc ở chợ, mỗi ngày thu nhập cũng 300.000-500.000 đồng. Đó cũng là thu nhập chính của cả gia đình, nên luôn sợ mất việc khi đi nơi khác.
"Vài tháng trước, một tấm bê tông lớn từ tầng 3 rớt xuống sân khiến ai cũng hoảng hồn. Ban công thì rất nguy hiểm, không ai dám ra đứng chơi, hóng gió nữa vì sợ vô tình tựa vào tường, vào cột bê tông là rớt xuống đất, bởi tường mục hết. Thậm chí tối ngủ nơm nớp lo gạch đá rớt xuống đầu. Không phải mình liều lĩnh với mạng sống của cả gia đình, mà sợ nhận nhà mới thì rộng hơn, không đủ tiền bù. Tôi cũng lo không biết mình đi trước thì nhà cũ sẽ được đền bù ra sao, nên chưa muốn đi" , bà Hạnh nói.
Bà Hạnh cũng cho biết người dân luôn so sánh với mức giá mà một doanh nghiệp trước đây từng đến thương lượng đền bù. Trước đó, một doanh nghiệp bất động sản từng thương lượng xây dựng lại chung cư này, và đưa ra mức đền bù 110-140 triệu đồng/m2.
Nhưng sau dịch COVID-19, doanh nghiệp thông báo dự án không thể thực hiện vì kinh tế khó khăn. Người dân lại tiếp tục trông chờ, và hẹn nhau cùng đi khi khu chợ này không còn tồn tại.
Ở tầng trệt của lô A, bà Nương, 59 tuổi, cho biết, 20 năm trước bà chi hơn 40 cây vàng mua căn hộ 31 m² này.
Trong nhà chật chội, bà dùng tấm bạt to che toàn bộ trần nhà để tránh nước chảy từ tầng trên xuống. Bà chỉ những hàng cột sắt, lưới kẽm, mái tôn được địa phương vừa chằng chống chừng 2 tháng trước để chịu lực và ngăn bê tông rơi. Vì vậy, gia đình bà cảm thấy yên tâm hơn và không muốn di, vì muốn ở đây buôn bán. Hơn nữa theo bà, nhà dù cũ nát nhưng ở trung tâm thành phố, làm gì cũng tiện lợi.
Nhưng khi buộc phải di dời vì tòa nhà không còn ở được nữa, bà sẽ nhận đền bù và về quê sinh sống. Vì nếu đổi căn hộ tái định cư 58-60 m², bà sẽ phải bù thêm cho gần 30 m², bà không có tiền.
Một điều khiến những người lớn tuổi lo ngại tái định cư ở các khu chung cư mới là nhiều thông tin không thống nhất, như nơi ở mới khang trang, tiện lợi thì phải chịu nhiều chi phí. Điều này chỉ phù hợp người đi làm công sở, còn người kinh doanh buôn bán nhỏ sẽ không biết làm gì; hay ở chỗ hiện đại, người già sẽ không thuận lợi đi lại, xa trường học, xa bệnh viện...
Địa phương "mắc kẹt" với đầu tư
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, TP hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 và 53 chung cư xây dựng từ năm 1975 đến năm 1994, tập trung nhiều nhất ở khu trung tâm (Quận 1, 5 cũ), đa số là thấp tầng, diện tích nhỏ. Trong đó có 16 chung cư có kết quả kiểm định cấp D cần di dời, tháo dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân đang cư ngụ.
Trong số 16 chung cư cấp D, có 9 chung cư đã hoàn tất di dời 534 hộ dân nhưng mới tháo dỡ 7 chung cư. Còn lại 3 chung cư đang di dời dở dang và 4 chung cư chưa di dời.
Tính chung gần 10 năm thực hiện di dời, cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn - từ năm 2016 đến nay, TP.HCM mới thực hiện được 89,9% việc cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới (xây dựng hoàn thành 4 chung cư với 1.440 căn hộ). Còn khâu di dời chỉ thực hiện được hơn 57% và mới thực hiện được 31,25% công tác tháo dỡ đối với chung cư cấp D.
Cùng với đó, từ năm 2021 đến nay, TP chưa bố trí được vốn ngân sách để kiểm định và sửa chữa 246 chung cư cấp B, cấp C thuộc giai đoạn 2016 - 2020.
"Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ chậm, kết quả chưa đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Vẫn còn tình trạng phát triển không đồng bộ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các khu dân cư hiện hữu và các chung cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm" , Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận.
Có quá nhiều lý do khiến việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ bị "mắc kẹt" được đưa ra. Theo Sở Xây dựng, tình trạng pháp lý sở hữu căn hộ hiện nay khá phức tạp, vừa có sở hữu riêng của tư nhân, vừa có sở hữu nhà nước cho thuê, lại có tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng sang tay không hợp pháp.
Bên cạnh đó, hầu hết các hộ dân trong chung cư cũ đều có thu nhập thấp, đa phần nhận thức chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, hoặc người sử dụng.
Ngoài ra, chủ trương của TP.HCM khi thực hiện các dự án này chủ yếu là huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp; Chính phủ đề ra cơ chế thu hút nhà đầu tư tham gia thông qua việc tăng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc và miễn tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, do các chung cư cũ nằm trong khu vực nội thành, nên việc tăng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy mô dân số hiện hữu của khu vực. Đồng thời, việc trình và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000, 1/500 gặp vướng, khó khăn kéo dài, chưa đảm bảo tính khả thi cho dự án, rất khó mời gọi được nhà đầu tư tham gia.
Chưa kể các chung cư cấp D có diện tích khuôn viên quá nhỏ (dưới 1.000 m²), nên khi xây dựng mới lại nhà chung cư là không đảm bảo cân đối việc tái định cư cho người dân và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Điều này khiến thành phố khó mời gọi được nhà đầu tư tham gia.