Loan Sicre de Fontbrune: Đem nghệ thuật Việt vào kinh đô ánh sáng

Paris - miền thiên đường ở đủ lĩnh vực nghệ thuật từ hội họa, cổ vật, khảo cứu, sưu tầm… Giữa hào hoa nơi "kinh đô ánh sáng" ấy, "cô tiên" Loan Sicre de Fontbrune, một trong những nữ sĩ gốc Việt hiếm hoi, tiên phong ở lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật, cổ vật Việt, dùng kiến thức chuyên sâu của mình góp phần đưa nghệ thuật Việt rạng danh nơi trời Âu.
Loan Sicre de Fontbrune, tên Việt là Đoàn Bá Tri Phương Loan, xuất thân trong một gia đình vọng tộc xứ Huế. Gọi chị là "cô tiên" bởi từ khi đặt chân đến đất Pháp (1979), sắc đẹp tuổi đôi mươi đã giúp chị soán ngôi hậu tại cuộc thi Hoa hậu Á châu lần đầu tổ chức tại Pháp (1981).
Nhưng vẻ đẹp ấy từ bao năm qua bị lu mờ, thậm chí lãng quên, bởi ở chị còn vẻ đẹp khác thuộc nhiều lĩnh vực như: ngôn ngữ (chị thuần thục 6 ngoại ngữ), khảo cổ (7 năm liền tham gia khai quật, khảo cứu về văn hóa Chămpa, gốm cổ Gò Sành, gốm Chu Đậu tại VN), sưu tầm (tranh các họa sĩ Đông Dương, đồ sứ ký kiểu, đồ pháp lam Huế, gốm cổ Đại Việt, tranh đương đại VN…), nghiên cứu (viết sách, báo, bài khảo cứu, hội thảo chuyên đề, góp phần sửa đổi luật Di sản VN, giới thiệu nghệ thuật Việt trong nước và quốc tế).
Từ nỗi nhớ quê hương
Kể về câu chuyện đến Pháp, chị Loan hồi tưởng: "Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, tôi tiếp tục học và thi tú tài năm 1977, đây là khóa tú tài cuối cùng dành cho học sinh học trường Pháp, cả Sài Gòn khi ấy còn lại 7 người. Gia đình có quốc tịch Pháp nhưng không muốn rời khỏi VN vì sợ rằng đi là không còn cơ hội quay trở lại. Bố mẹ tôi lúc đó không đi làm việc, còn tôi nhờ có tú tài (ban văn chương) nên dạy tiếng Pháp cho con em người Việt có quốc tịch Pháp sống ở Sài Gòn chuẩn bị đi Pháp. Tôi lĩnh lương Pháp lúc đó 500 francs một tháng, đủ nuôi cả gia đình. Đến năm 1979, cả gia đình bắt buộc phải sang Pháp. Trước lúc đi, tôi sang nhà họa sĩ Tú Duyên mua được 3 bức tranh lụa, đến nhà bác Đới Ngoạn Quân (người Hoa) mua được 5 bức chạm ngà. Đó là những nghệ phẩm sưu tầm đầu tiên và cũng là các tác phẩm tôi mang cùng sang Pháp".
Ở Paris hoa lệ, hình ảnh quê hương ngập tràn trong ký ức Phương Loan, đa phần là những tháng ngày rong chơi nơi quê ngoại ở Biên Hòa. Nơi đó nhà từ đường cổ kính, còn lưu bức đại tự Lê Quang Đường (họ ngoại) sơn son thếp vàng, đôi liễn xưa; rồi cuốn gia phả cậu làm, cây kiếm cẩn xà cừ của cố ngoại thời còn làm quan dưới triều Thành Thái…
Ở phần đất dòng họ, những mộ cổ tổ tiên được điêu khắc tinh xảo. Phương Loan nhớ lại: "Thời mới sang Pháp, khái niệm về văn hóa Việt mơ hồ lắm, chẳng mấy ai để ý. Hình ảnh quê hương giúp tôi thêm hứng thú với việc cố gắng học thật nhiều sinh ngữ để có cơ hội tiếp cận đa nguồn tài liệu về lịch sử văn hóa VN và Á Đông".
Đến cao thủ sưu tầm
Từ sau khi lập gia đình, chị Loan đổi tên theo chồng, giới khảo cổ ở Paris và các nhà đấu giá lừng danh khi ấy biết đến một Loan Sicre de Fontbrune cùng cơn khát chưa từng vơi với tất cả hiện vật đấu giá liên quan đến văn hóa Việt.
Cơ duyên sở hữu nhiều hiện vật quý, lại giúp chị Loan thêm dày dạn kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng. Được làm việc cùng người thầy và là "kho tàng kiến thức" Albert Le Bonheur (1938 - 1996) tại Bảo tàng quốc gia nghệ thuật châu Á Guimet, Loan Sicre de Fontbrune dần trở thành chuyên gia trong lĩnh vực cổ vật Việt, được các bảo tàng mời chỉnh lý, nhận diện cổ vật không rõ nguồn gốc. Nhiều trong số ấy có xuất xứ từ VN như bộ trà gốm Bát Tràng của Phan Thanh Giản tặng Bảo tàng Sèvres, các món đồ sứ ký kiểu men lam Huế ở Bảo tàng Guimet (được tặng bởi Vương Hồng Sển) và Bảo tàng mỹ thuật Limoges, bức tượng sơn son thếp vàng ở Bảo tàng Guimet mà trước đó mọi người đều nghĩ nó đến từ đâu đó ở Tây Tạng…
Trở lại câu chuyện sưu tầm, chuyên gia giám định cổ vật Vincent L'Herrou ở Paris từng chia sẻ với người viết rằng: "Khi Loan Sicre de Fontbrune xuất hiện ở phiên đấu giá và thích món đồ nào, thật khó để người khác có thể cạnh tranh và chính chị là người góp phần nâng giá tranh Đông Dương, cổ vật Việt".
Hỏi chuyện này với chính chủ, chị Loan bật cười giải thích: "Ban đầu tôi mua nghệ phẩm Việt chẳng có ai cạnh tranh, sau có anh bạn là Christian Đức, một nhà thiết kế về sơn mài và cẩn ốc. Thường các phiên đấu giá đồ Việt, chỉ còn lại tôi và anh Đức là cuối cùng. Tôi luôn nhường bởi biết tính anh ấy khi đã thích cũng sẽ chơi tới cùng. Đồ mua được tôi đem về nhà, ngoài chuyện trông ngắm hàng ngày, còn để bạn bè, đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu, người sưu tầm đến tiếp cận và học hỏi thêm nhau từ cổ vật, tranh ảnh".
Khi sử gia kể chuyện
Hoạt động như một sử gia nghệ thuật, Loan Sicre de Fontbrune cũng gây tiếng vang cho nghệ thuật Việt qua những triển lãm chưa từng có tiền lệ như: "VN: Nghệ thuật và văn hóa, từ quá khứ đến hiện tại" (Le Vietnam: Art et Culture, du passé au présent) quy tụ 450 cổ vật Việt chị tuyển lựa tại các bảo tàng ở VN đem triển lãm tại Bỉ năm 2002, hơn 200 nhà báo quốc tế đến đưa tin về sự kiện. Năm 2012, chị Loan lại tạo tiếng vang với triển lãm "Từ sông Hồng đến sông Cửu Long - Tầm nhìn VN" (Du Fleuve Rouge au Mékong - Visions du Vietnam) ở bảo tàng Cernuschi, phác họa toàn cảnh lịch sử phát triển của mỹ thuật Đông Dương qua các tác phẩm tiêu biểu, thu hút hơn 15.000 khách tham quan từ nhiều nước.
Sau gần nửa thế kỷ hoạt động văn hóa ở trời Âu, Loan Sicre de Fontbrune đang hướng nhiều về đất Việt. Những buổi nói chuyện, hội thảo, triển lãm về nghệ thuật ở cả Pháp và VN được chị Loan tổ chức, diễn thuyết, thu hút đông đảo người mộ điệu.
Hỏi về kế hoạch lâu dài, chị Loan cho biết thêm: "Tôi sẽ mở một phòng tranh tại TP.HCM để con gái lớn quản lý. Một điều chắc chắn là phòng tranh này sẽ không có đồ giả, tôi sẽ trưng bày các tác phẩm trong bộ sưu tập của tôi cùng tài liệu, sách báo về nghệ thuật để những nhà nghiên cứu, sưu tầm thực sự có cơ hội tiếp cận. Đó cũng là nơi tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi về mỹ thuật, nghệ thuật Việt".