Lần đầu công bố những chiến sĩ Biệt Động Sài Gòn - Gia Định

TPO - Ngày 25/4, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban Biên soạn và CLB Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu cuốn sách “Ký ức người lính” tập thứ 22. Đây là tập sách viết riêng về lực lượng Biệt Động Sài Gòn - Gia Định hướng tới 50 năm kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước.
Cuốn Ký ức người lính tập 22 gồm 54 bài viết là các câu chuyện có thật được các nhân chứng là tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhà văn, nhà báo… tìm hiểu, sưu tầm từ tư liệu và nhân chứng.
Tập sách đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức, thể hiện tâm huyết, nghiêm túc và trách nhiệm cao của Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban biên soạn và CLB Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định cùng các cộng sự trong và ngoài quân đội.
Theo Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, Trưởng Ban Chỉ đạo Công trình sách Ký ức người lính, tập sách không chỉ là ấn phẩm văn học đơn thuần, mà còn là kho tư liệu quý có giá trị trong giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, hun đúc bản lĩnh và ý chí cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và Ban biên soạn đã phối hợp CLB Truyền thống Kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định tích cực nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức biên soạn khoa học, bài bản, chặt chẽ.
Các chi tiết lịch sử được kiểm tra cẩn trọng, mỗi nhân vật được xác minh kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo độ chính xác, tính chân thực và giá trị truyền tải đến bạn đọc.
![]() |
Các tác giả giao lưu với bạn đọc. |
Với hàng trăm giờ phỏng vấn, hàng nghìn trang ghi chép, các biên bản làm việc, các bộ ảnh tư liệu của nhân chứng, trong đó có nhiều tư liệu chưa từng công bố về hoạt động đặc biệt của các Đội biệt động Sài Gòn - Gia Định lần đầu được công bố, cuốn sách thực sự là tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về lực lượng Biệt động thành.
Bằng ngôn ngữ mạch lạc, cảm động, chân thực, cuốn sách mang đến cho người đọc cảm nhận sâu sắc về những con người bình thường đã làm nên chiến công phi thường. Họ là những người lính không quân hàm, không quân phục, không tập trung thậm chí không biết mặt nhau, nhưng lại là nỗi ám ảnh thường trực của kẻ thù.
Những chiến sĩ biệt động đã hóa thân vào trong quần chúng như làm thợ sửa xe, thợ may, giáo viên, học sinh, người bán phở và cả những người giàu có, có chỗ đứng trong xã hội, âm thầm hoạt động trong lòng địch giữa thành phố phồn hoa, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ cấp trên giao, trở thành những chiến binh cảm tử sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu với kẻ thù.
![]() |
Các đại biểu chụp hình lưu niệm với cuốn sách. |
Trong thời gian tới, Ban biên soạn tiếp tục phát triển nội dung tập 22 thành tư liệu số hóa, chuyển thể thành phim tài liệu, đồ họa thông tin, podcast lịch sử… phục vụ các kênh tuyên truyền hiện đại, góp phần gìn giữ và lan tỏa ký ức thiêng liêng này đến với mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.