Nhảy đến nội dung
 

Hà Nội cần làm gì để cấm xe máy chạy xăng, giải quyết vấn đề môi trường?

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy vào đường vành đai 1 từ 1-7-2026. Các chuyên gia nói gì?

Theo nội dung chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi xe cộ, bảo đảm đến ngày 1-7-2026 không còn mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực vành đai 1.

Hà Nội đã có những động thái gì để cấm xe máy?

Trước khi có chỉ đạo trên của Thủ tướng, Hà Nội đã có lộ trình hạn chế, cấm xe máy vào khu vực nội đô từ gần 10 năm trước.

Từ năm 2017, HĐND TP đã ban hành nghị quyết số 04 để tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận (cũ) vào năm 2030.

Tới ngày 12-12-2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ 1-1-2025.

Nghị quyết trên cho biết Hà Nội sẽ cấm hoặc hạn chế xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 chạy vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.

'Tuyệt vời' nhưng không đơn giản

Liên quan chỉ thị trên của Chính phủ, trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 13-7, PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho biết việc cấm xe máy vào khu vực bên trong vành đai 1 là "tuyệt vời".

Bà An cho rằng chỉ đạo trên của Thủ tướng là phù hợp với xu hướng chung của cả nước trong việc giải quyết vấn đề về môi trường, đặc biệt với thủ đô thì có ý nghĩa rất quan trọng.

"Hà Nội là TP đông dân, ô nhiễm không khí gần như ở mức báo động, giao thông cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm. Khi Thủ tướng chỉ đạo như vậy tôi thấy rất tốt" - bà An nói.

Tuy nhiên theo bà An, để thực hiện được việc trên "không hề đơn giản". Bà cho rằng Hà Nội phải chuẩn bị kinh phí, lộ trình để hỗ trợ thay đổi xe cho người dân, bởi xe máy ở Hà Nội là kế sinh nhai của nhiều người.

"Hà Nội phải dành 1 nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ thay thế xe cộ cho người dân, chuẩn bị hạ tầng để thay thế cho xe máy. Ngoài ra các điều kiện để hỗ trợ cho xe cộ không dùng nhiên liệu hóa thạch như trạm sạc cũng phải đảm bảo.

Đây là vấn đề rất lớn, rất có lợi ích, nhưng không phải đơn giản, Hà Nội phải cố gắng rất nhiều, tập trung chỉ đạo và giải quyết hài hòa để không ảnh hưởng tới đời sống của người dân" - bà An nói thêm.

Ô nhiễm môi trường: không thể “đổ lỗi” hết cho xe máy

Bày tỏ quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải - cho rằng Thủ tướng đã nêu những ý mang tính nguyên tắc như phải giữ gìn khí hậu, đảm bảo không gây ô nhiễm, trong đó giao thông phải đóng góp tới 20-25%.

Việc hạn chế khí thải từ ô tô, xe máy ra môi trường, ông Thủy cho rằng hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên việc Hà Nội đã từng đưa việc cấm xe máy ra HĐND TP nhiều lần để biểu quyết đến năm 2030 hạn chế, cấm xe máy thì ông Thủy cho biết ông "không đồng ý".

Ông Thủy cho rằng hiện đời sống người dân đang khó khăn, 70-80% người dân vẫn đang đi xe máy, đa phần dùng xe máy để đi kiếm sống.

Ngoài ra xe máy lại là phương tiện tiện lợi, cơ động, phù hợp với túi tiền của người dân. Vì vậy ông Thủy nói nếu cấm xe máy, người dân sẽ rất khó khăn, khổ sở.

Tiến sĩ Thủy nói thêm, nói xe máy là nguyên nhân chính gây ùn tắc, ô nhiễm là chưa đúng, chủ quan.

"10 cái ô tô bằng 70-80 cái xe máy, một xe máy động cơ bé thôi, ô tô thì động cơ gấp nhiều lần, mà cứ đổ hết cho xe máy là như thế nào? Quan điểm của tôi là không nên có ý tưởng cấm xe máy, vì theo tôi ô tô gây ô nhiễm, ùn tắc hơn.

Xe máy cũng sẽ càng ngày càng giảm đi nếu đời sống người dân tăng cao, giao thông công cộng tốt lên, chứ không ai muốn đội trời, đội mưa làm gì, chẳng qua là do người dân đang nghèo quá thì phải đi xe máy. Nếu cấm thì quá đơn giản, nhưng quản được mới là giỏi" - ông Thủy nói thêm.

Cũng theo ông Thủy, hạ tầng Hà Nội còn chưa đồng bộ, mặt đường đa phần là đang bé, nhiều ngõ ngách, nên đi lại bằng xe máy rất tiện lợi. Đồng thời xe máy cũng là phương tiện kết nối, vì vậy rất tiện lợi, theo tiến sĩ Thủy.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn