1 năm vụ ám sát hụt ông Trump: Hé lộ những thiếu sót suýt chết người

Vụ ám sát hụt đã giúp tỉ lệ ủng hộ ông Trump lên như diều gặp gió nên có thuyết âm mưu rằng đây là một vở diễn. Những thông tin được tiết lộ sau 1 năm cho thấy đã có những thiếu sót nghiêm trọng của các mật vụ.
Cách đây 1 năm, vào ngày 13-7, trong một cuộc vận động tranh cử tại Butler, Pennsylvania, ông Trump - khi đó đang là ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa - đã bị Thomas Matthew Crooks nhắm bắn.
Viên đạn không trúng vào chỗ chí mạng nhưng vẫn khiến ông bị thương. Ông vùng dậy, giơ cao nắm tay và hình ảnh đó được xem như một biểu tượng trong suốt thời gian tranh cử, đem về cho ông không ít sự ủng hộ mạnh mẽ.
"Không ai bị truy cứu trách nhiệm"
Một năm sau vụ việc, hàng chục quan chức thực thi pháp luật liên bang đương nhiệm và tiền nhiệm cùng các nhà lập pháp đã nói với CNN về sự thiếu trách nhiệm tổng thể, đặc biệt ở các lãnh đạo Sở Mật vụ và đội cận vệ ông Trump.
Nhiều cuộc điều tra của Quốc hội và các báo cáo liên bang, kể cả phân tích nội bộ của Sở Mật vụ, đã phát hiện loạt sai sót, trong đó có việc liên lạc bị gián đoạn với cảnh sát địa phương, lực lượng đã phát hiện và đối đầu nghi phạm trên mái nhà gần nơi ông Trump phát biểu.
Mười ngày sau cuộc mít tinh, Kimberly Cheatle, khi đó là giám đốc Sở Mật vụ, từ chức giữa làn sóng chỉ trích vì các sơ hở an ninh. Từ đó đến nay, chỉ 6 nhân viên bị kỷ luật bằng hình thức đình chỉ công tác ngắn hạn không lương.
"Không ai trong số họ bị truy cứu trách nhiệm, thậm chí một số còn được thăng chức", một cựu lãnh đạo Sở Mật vụ nói với điều kiện giấu tên để giữ quan hệ với đồng nghiệp cũ.
Phần lớn những người bị kỷ luật thuộc Văn phòng Mật vụ tại Pittsburgh, khiến một số người cảm thấy cấp dưới địa phương đang gánh thay sai sót của cấp trên.
Ngoài nhóm này, chỉ một nhân viên cấp thấp trong đội an ninh ông Trump và một lính bắn tỉa được triển khai hôm đó bị đình chỉ công tác.
Theo một nguồn tin thân cận, ít nhất 2 trong số 6 người đang kháng cáo lệnh kỷ luật, và đến nay chưa ai hoàn tất hình thức đình chỉ. Tuy vậy Sở Mật vụ khẳng định cả 6 người đã bị đình chỉ công tác từ 10 đến 42 ngày.
Trong thông cáo ngày 10-7, Sở Mật vụ nhấn mạnh đã rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ Butler và "đã áp dụng nhiều biện pháp để sự việc không tái diễn".
Với những sai sót trong phối hợp và liên lạc dẫn đến vụ ám sát hụt, lẽ ra toàn bộ nhân viên có mặt ngày 13-7-2024 phải bị cho thôi việc ngay lập tức.
Tuy nhiên một số nguồn tin cho biết do lịch vận động dày đặc và lo ngại ông Trump sẽ cảm thấy an tâm hơn với nhóm quen thuộc, Sở Mật vụ vẫn để họ tiếp tục nhiệm vụ.
Thất bại trong liên lạc?
Các báo cáo từ Quốc hội, Sở Mật vụ và Bộ An ninh Nội địa đều nhấn mạnh sự cố mất liên lạc. Hậu quả là đội mật vụ bảo vệ ông Trump tại Butler không biết rằng cảnh sát địa phương đã phát hiện và đối đầu tay súng trên mái nhà, chưa đầy một phút trước khi ông bị bắn.
Hệ thống chống máy bay không người lái của Mật vụ cũng gặp trục trặc vào sáng hôm diễn ra cuộc mít-tinh.
Sự cố liên lạc còn khiến việc chia sẻ thông tin tình báo bị gián đoạn - hiện là trọng tâm điều tra. Chỉ vài tuần trước sự kiện, FBI đã thu thập thông tin tình báo về một âm mưu ám sát ông Trump, bị nghi do Chính phủ Iran dàn dựng.
Tình báo cho thấy Iran gây ra mối đe dọa "tầm xa", ám chỉ khả năng tấn công bằng súng bắn tỉa. Tuy nhiên một số lãnh đạo cao cấp của Sở Mật vụ, kể cả đặc vụ trưởng ở Pittsburgh, không hề biết thông tin này cho đến sau vụ việc, theo lời một cựu quan chức cấp cao nói với CNN.
Một báo cáo Thượng viện chỉ trích Sở Mật vụ vì không yêu cầu lập đơn vị phản gián để phát hiện các đối tượng như Crooks. Theo một nguồn tin, trách nhiệm này thuộc nhóm đặc vụ bảo vệ ông Trump, vì họ nắm rõ mối đe dọa từ Iran.
Một nguồn tin liên bang khác nói với CNN rằng một số nhân viên tại văn phòng Pittsburgh đã được cảnh báo về mối đe dọa "tầm xa", nhưng không biết nguồn đe dọa liên quan đến Iran. Nguồn tin cho biết do Crooks là "sói đơn độc" và không có liên hệ với Iran, nên không ai bị quy trách nhiệm về việc truyền đạt thiếu thông tin này.