Khó tin nhưng có thật: Thói quen 'bà tám' cũng có lợi

Bạn có thích “buôn chuyện” không? Các chuyên gia tâm lý cho rằng thói quen này cũng có lợi ích chứ không hoàn toàn vô bổ.
Buôn chuyện giúp chúng ta "hiểu rõ hơn về thế giới và hoàn cảnh xung quanh mình", theo tiến sĩ tâm lý Thea Gallagher, giám đốc chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần tại NYU Langone Health (New York, Mỹ).
"Buôn dưa lê" có lợi chỗ nào?
Gallagher lưu ý rằng buôn chuyện có thể giúp phơi bày một số hành vi của người khác, giúp chúng ta cảnh giác và tự bảo vệ mình. "Hoặc nếu câu chuyện liên quan đến việc ai đó đang gặp khó khăn, chia sẻ có thể giúp chúng ta cảm thông hơn với mọi người", bà nói.
"Nếu bạn đang gặp mâu thuẫn với một người và trò chuyện với người khác về chuyện đó, đôi khi góc nhìn của người thứ ba sẽ giúp bạn nhìn rõ vấn đề và xử lý cảm xúc tốt hơn", tiến sĩ Thea giải thích thêm.
Ngoài ra, buôn chuyện còn mang lại cảm giác gắn kết với người khác, thông quan việc chia sẻ thông tin và giao tiếp. "Tuy nhiên, hãy cẩn thận. Đừng vội kết luận câu chuyện khi thiếu thông tin", bà Thea cảnh báo.
Janet Bayramyan, chuyên gia công tác xã hội tại Los Angeles, cũng nhắc đến tác động tích cực của buôn chuyện đến sức khỏe tinh thần, lưu ý rằng hành vi này thường "tự nhiên bị xem là tiêu cực".
"Trong một số trường hợp, buôn chuyện đúng là không tốt lành gì. Nhưng 'bà tám' cũng có thể đóng vai trò như một hình thức xả stress hoặc điều hòa cảm xúc", bà nói với Fox News Digital.
"Nếu ai đó cảm thấy cô đơn, buồn bã, bị từ chối hoặc đối xử không công bằng, việc buôn chuyện có thể tạo nên sự đồng cảm, giúp giảm bớt những cảm xúc tiêu cực", theo tiến sĩ Brian Licuanan, nhà tâm lý học lâm sàng tại California.
Công sở đã đủ phức tạp, không nên "buôn dưa lê"
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng buôn chuyện đôi khi có thể phản tác dụng. "Mọi người dễ mất lòng tin với người hay 'buôn dưa lê', cho rằng nếu người đó đang 'tám' về người khác thì cũng có thể đang buôn chuyện về họ", Licuanan nói.
Nhìn chung, ông Licuanan cho rằng buôn chuyện là hành vi không lành mạnh: "Càng buôn chuyện, người ta càng tích tụ nhiều căng thẳng hơn, thậm chí có thể khiến một người bị cô lập thay vì kết nối với người khác".
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, buôn chuyện đôi khi trở thành một hình thức bắt nạt, thông qua việc lan truyền thông tin không đúng sự thật và mang mục đích làm tổn thương.
Chuyên gia nghề nghiệp Jasmine Escalera nhận xét rằng việc buôn chuyện nơi công sở đang khiến văn hóa doanh nghiệp đi theo hướng tiêu cực.
"Trong bối cảnh cắt giảm nhân sự gia tăng, nhân viên kiệt sức, mất gắn kết và kinh tế bất ổn, chúng ta không cần thêm các yếu tố gây căng thẳng".
"Buôn chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần làm việc, phá hoại lòng tin giữa đồng nghiệp, và tạo ra môi trường làm việc độc hại", bà nói thêm.
Licuanan cũng đồng tình rằng buôn chuyện nơi công sở có thể gây ảnh hưởng đến công việc - "đặc biệt nếu hành vi này bị xem là phỉ báng hoặc làm tổn hại đến danh tiếng người đó".