Dự cảm về ngày thống nhất

TP - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong bảy nghệ sĩ tiêu biểu của TPHCM trong 50 năm qua được tôn vinh. Tiền Phong trò chuyện với ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, xung quanh ký ức về nhạc sĩ tài hoa và ca khúc Nối vòng tay lớn.
Truyền thống yêu nước
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh tiếp chúng tôi trong căn phòng khách trên gác, nơi mọi kỷ vật cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại vẫn nguyên vẹn: những cây đàn ghi ta, các bức tranh, bộ bàn ghế mây… Chính căn phòng này, tác giả của Nối vòng tay lớn đã tiếp nhạc sĩ Văn Cao, Trần Tiến, danh họa Bùi Xuân Phái sau khi nước nhà thống nhất.
![]() |
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
Bằng chất giọng Huế, Trịnh Vĩnh Trinh tiết lộ: “Năm anh Sơn 16 tuổi, chuẩn bị du học Pháp, ba chúng tôi bị tai nạn mất. Đây là thời gian khủng hoảng, mất mát lớn nhất của anh Sơn. Cũng thời điểm đó, anh tập Judo, bị ngã thập tử nhất sinh. Anh xin má mua cây đàn ghi ta tự học, tự sáng tác. Tôi nghĩ nếu ba không mất, có thể anh Sơn đã qua Pháp học và đã thành một tiến sĩ, kỹ sư, nhưng dường như cuộc sống đã sắp đặt mọi thứ để anh trở thành nhạc sĩ”.
Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có truyền thống yêu nước. Ba của nhạc sĩ là Trịnh Xuân Thanh, vì hoạt động yêu nước chống Pháp nên bị theo dõi sát sao. Tổ chức báo ông có thể bị bắt nên cả nhà chuyển lên Buôn Mê Thuột tránh đi và Trịnh Công Sơn đã được sinh ra tại Buôn Mê Thuột.
Tuy nhiên, sau đó Pháp vẫn lùng bắt được ông. Trịnh Công Sơn khi đó mới 4 tuổi đã theo má vào thăm ba trong tù.
Mẹ của nhạc sĩ là bà Lê Thị Quỳnh, người Huế. Chị Trịnh Vĩnh Trinh kể: “Mẹ tôi làm giao liên cho Việt Minh. Bà nghề bán xôi nhưng trong thúng xôi có truyền đơn, đôi khi có cả lựu đạn chuyển cho ba và các chú bác hoạt động”.
Khi ba mất Trịnh Công Sơn lên mộ ba ngồi cả ngày, quyết định không đi Pháp du học nữa mà ở lại Việt Nam giúp mẹ chăm sóc các em. “Anh thường dặn mọi người: Út Trinh sinh ra mà không thấy mặt ba, nên mọi người phải yêu thương em nhiều hơn” - Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh kể.
Theo chị Trịnh Vĩnh Trinh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhiều nét rất giống ba, không chỉ ngoại hình mà cả cách sống, cách ứng xử với mọi người: “Anh Sơn có nhiều nét giống ba tôi, chẳng hạn anh luôn để tiền trong hai túi quần, một bên để tiền mới, bên kia tiền cũ. Mua gì thì anh dùng tiền cũ, khi cho tiền người ăn xin hay trả tiền xích lô thì anh đưa tiền mới”.
Trịnh Công Sơn phản đối chiến tranh nên trốn lính chế độ cũ. “Má tôi luôn phải chuẩn bị chỗ trốn cho anh và các bạn anh”, chị Trịnh Vĩnh Trinh nói.
“Bài đầu tiên anh Sơn sáng tác là Sương đêm (hiện chưa tìm thấy), tiếp đó là Ướt mi anh muốn xuất bản nhưng nhà xuất bản mua luôn”.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh kể rằng, ngay từ bản nhạc phát hành đầu tiên là Ướt mi, Trịnh Công Sơn đã rất nổi tiếng tại miền Nam. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc người nhạc sĩ trẻ có thể gặt hái nhiều thành công về thương mại, tài chính, có cuộc sống sung túc rất sớm.
Nhưng nhạc sỹ lại chọn con đường hoàn toàn khác, đó là viết nhạc cho phong trào tranh đấu đòi hòa bình, thống nhất đất nước. “Mục đích sáng tác của Trịnh Công Sơn là đem âm nhạc lan tỏa vào cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc” - chị Trinh tâm sự.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nhớ lại: “Dù rất nghèo, nhưng anh chỉ muốn tổ chức đêm nhạc không bán vé để người nghèo, sinh viên, học sinh được vào nghe. Nhiều ca sĩ không hợp tác. Mãi đến khi gặp ca sĩ Khánh Ly, hai người mới tâm đầu ý hợp cùng nhau tổ chức các đêm diễn miễn phí cho sinh viên, học sinh. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly chia đôi một cái bánh mỳ để ăn. Các tác phẩm của Trịnh Công Sơn cũng được giới trẻ biết nhiều từ khi ấy”.
Bài hát chờ đợi một đời
Ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát ca khúc Nối vòng tay lớntrên đài phát thanh Sài Gòn và vinh dự là người nghệ sĩ, nhạc sĩ duy nhất phát biểu trên đài phát thanh vào giây phút cả dân tộc mong chờ.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nhớ lại: “Ngày 30/4/1975, có mấy anh bạn anh Sơn đi một chiếc xe Jeep mui trần đón anh tại nhà rồi đưa đi. Cả nhà lo lắng lắm vì ngoài đường vẫn còn tên rơi đạn lạc. Sau đó, chúng tôi nghe tiếng anh trên đài phát thanh: “Tôi, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sỹ ở miền Nam Việt Nam này.
Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta - đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này. Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay, chúng ta đã đạt được những kết quả đó”.
![]() |
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Trịnh Vĩnh Trinh |
Có lẽ đó là lần duy nhất trong đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát trên đài, ca khúc “Nối vòng tay lớn” mà không có nhạc đệm.
“Rừng núi dang tay nối lại biển xa/Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/Mặt đất bao la, anh em ta về/Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…”
Chị Trịnh Vĩnh Trinh dường như còn nhớ mãi giọng hát của anh mình dù 50 năm đã trôi qua: “Bây giờ nghe lại bài Nối vòng tay lớn anh Sơn hát trưa 30/4/1975 thấy giọng anh nghe trẻ dễ sợ!”.
Anh chỉ ở Việt Nam!
Bạn Trịnh Công Sơn có nhiều người là phi công, chuẩn bị máy bay đưa ông đi nước ngoài vào tháng 4/1975, nhưng nhạc sĩ từ chối.
Sau này, các em định cư ở nước ngoài, sống một mình rất cô đơn, nhưng ông vẫn quyết định ở Việt Nam.
Ca khúc Nối vòng tay lớn được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1968 và được thu âm lần đầu bởi ca sĩ Khánh Ly trong băng Hát cho quê hương Việt Nam (1969). Năm 1970, tại hội trại Nối vòng tay lớn dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam tổ chức trong ngày 24 và 25/4/1970, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa đàn, vừa hát ca khúc này.
“Anh tôi thường nói anh chờ ngày thống nhất đất nước từ lâu lắm rồi, từ nay mọi hận thù chấm dứt, chúng ta sống trong tình thương yêu và anh sẽ ở đây mà không đi đâu cả”.
Ca khúc Nối vòng tay lớn có những câu: “Cờ nối gió đêm vui nối ngày/ Dòng máu nối con tim đồng loại/ Dựng tình người trong ngày mới”.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói: “Anh thừa hưởng tình yêu nước từ ba má tôi. Anh nói: Là người Việt Nam mình yêu đất nước mình, đó là điều đương nhiên và không có gì đặc biệt, to tát.
Anh hát trên đài phát thanh trưa 30/4/1975 với một trái tim yêu nước nồng nàn được truyền lại từ ba má tôi. Anh đã làm tất cả, dành tặng cả cuộc đời và sáng tác của mình cho đất nước và cho tuổi trẻ, cho tương lai của đất nước Việt Nam”.