Bốn cảnh tượng khiến Đức Phật từ bỏ gia đình xa hoa quyền quý

“Lịch sử Phật giáo - Hành trình từ cội nguồn Ấn Độ đến các vùng đất châu Á” là một tác phẩm quan trọng của Giáo sư Andrew Skilton (Đại học Oxford), một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Phật học. Cuốn sách mang đến một cái nhìn toàn diện và súc tích về hành trình kéo dài hàng thiên niên kỷ của một trong những tôn giáo vĩ đại nhất thế giới. Từ khởi nguồn khiêm tốn ở Ấn Độ cho đến sự lan tỏa mạnh mẽ khắp châu Á, Skilton đã khéo léo phác họa bức tranh lịch sử đầy đủ, làm nổi bật cả những cột mốc quan trọng về cả giáo lý và những biến đổi văn hóa.
Tất-đạt-đa Cồ-đàm ra đời trong một gia tộc quyền thế; phụ thân của Ngài là Tịnh phạn, một người đàn ông giàu có và quyền lực; mẫu thân là Maya, một phụ nữ đức hạnh và đoan nghiêm.
Lúc Ngài chào đời, nhà tiên tri Asita đã tiên đoán rằng Ngài sẽ mang một trong hai sứ mệnh thống lĩnh là về chính trị hoặc tôn giáo, và đương nhiên cha mẹ của Ngài tin rằng lời tiên đoán này hoàn toàn ứng nghiệm với con trai của mình. Có lẽ vì lý do này mà họ đã đặt tên cho Ngài là Sarvãrthasiddha, “bậc đạt được mọi mục đích”, hoặc Soddhãrtha, “bậc thành tựu mục đích”.
Mẹ của Ngài đã qua đời không lâu sau khi sinh hạ Ngài, và vào những năm đầu đời, Ngài được dì của mình là Đại Ái Đạo nuôi dưỡng và chăm sóc.
Tuy lo lắng rèn luyện theo khuôn phép phù hợp với một chàng trai trẻ ở địa vị cao sang, cuộc sống thưở ban đầu của Ngài cũng rất xa hoa, bởi cha Ngài mong rằng đứa con trai tuấn tú của mình có được lợi thế vững chắc về của cải và quyền lực, từ đó sẽ chọn lựa con đường chính trị. Đến năm 16 tuổi, Ngài đã kết hôn với người vợ xinh đẹp Da-du-đà-la.
![]() |
Đức Phật là hiện thân của bậc Giác ngộ. Ảnh: Original Buddhas. |
Tuy nhiên, kế hoạch của cha Ngài không thành công, bởi trong khoảng thời gian này, chàng trai trẻ đã bắt đầu khám phá môi trường xung quanh về cả vật chất và tinh thần, và điều đó đã có những hệ quả sâu sắc. Giai đoạn phát triển này của Ngài được tóm gọn và hình tượng hoá bằng câu chuyện “bốn cảnh tượng”, tức bốn trải nghiệm được nhìn thấy khi Ngài thời trẻ đang dạo chơi bên ngoài bằng xe ngựa.
Bắt đầu với cảnh một ông già bên lề đường, là lần đầu tiên Tất-đạt-đa cảm nhận được sự thật về tuổi già không thể tránh khỏi, tiếp theo là cảnh tượng một người bệnh chống chọi với cơn đau, sau đó là một xác chết, những cái nhìn sâu sắc nhưng đầy choáng váng này về tình cảnh con người đã đánh tan sự thỏa mãn đối với cuộc sống đầy ưu ái và khiến Ngài nhận ra rằng rốt cuộc, khổ đau và bát hạnh đang đợi mình và người vợ xinh đẹp, cũng chắc chắn hệt như việc chúng đến với tất cả các sinh linh khác.
Cảnh tượng thứ tư, một khất sĩ, đã gieo một hạt mầm vào tâm trí Ngài. Khi Ngài suy nghĩ về hoàn cảnh của mình ở những ngày tháng sau này, hạt mầm đó sẽ lớn mạnh thành một niềm tin mãnh liệt, rằng phải có một lối thoát thay vì thụ động chấp nhận khô đau và già nua, và rằng để đạt được điều như vậy, cần phải hành động quyết liệt và thậm chí trải qua gian khó.
Sự kiện cuối cùng, dường như đã khiến Ngài nghiêng về quyết định chạy theo tiếng gọi của tự do để lên đường thực hiện “cuộc truy cầu cao quý” của mình và tạo ra một đế chế tâm linh như tu sĩ Asita đã tiên đoán, là việc Da-du-đà-la sinh hạ một bé trai. Trong nỗi thất vọng, Ngài coi sự ra đời của con trai mình hệt như sự xuất hiện của một sợi dây trói buộc.
Đứng trước sự kiện này, Ngài đã phản ứng rất dứt khoát. Tuy không có sự đồng ý, thậm chí phụ thân của Ngài cũng không hề hay biết, Ngài đã ra đi, từ bỏ vợ con, gia đình, địa vị xã hội, sự xa hoa và quyền quý. Ở tuổi 29, Ngài đã xuống tóc, khoác lên mình tấm áo choàng khất sĩ và bắt đầu lên đường tìm kiếm chân lý và sự giải thoát.