Nhảy đến nội dung

Bên trong cuộc bỏ phiếu bí mật chọn người thay thế Giáo hoàng

TPO - Giáo hoàng Francis qua đời đồng nghĩa với việc thế giới sắp chứng kiến cuộc bỏ phiếu bí mật nhất thế giới, chọn ra người đứng đầu mới của Giáo hội Công giáo.

TPO - Giáo hoàng Francis qua đời đồng nghĩa với việc thế giới sắp chứng kiến cuộc bỏ phiếu bí mật nhất thế giới, chọn ra người đứng đầu mới của Giáo hội Công giáo.

Giáo hoàng Francis qua đời vào sáng 21/4 (giờ địa phương), hưởng thọ 88 tuổi. Trong khi thế giới tiếc thương cho một nhân vật truyền kỳ, sự ra đi của ông cũng báo hiệu giai đoạn mới của Giáo hội Công giáo. Đây cũng là thời điểm Mật nghị Hồng y được triệu tập sau 12 năm.

Bên trong cuộc bỏ phiếu bí mật chọn người thay thế Giáo hoàng ảnh 1

Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88. Ảnh: Reuters.

Năm 2024, bộ phim Conclave gây tiếng vang khi khai thác sự kiện ít được nhắc đến trong phim ảnh: quy trình bầu lãnh đạo Tòa thánh Vatican. Vatican được quốc tế công nhận là thành quốc độc lập nhỏ nhất thế giới, trong đó giáo hoàng đảm nhận vai trò nguyên thủ quốc gia.

Trong phim, sau cái chết đột ngột của giáo hoàng do lên cơn đau tim, Thomas Lawrence (Ralph Fiennes đóng), người đứng đầu Hồng y đoàn, triệu tập cuộc họp kín (được gọi là Mật nghị Hồng y) để bầu ra người đứng đầu Giáo hội Công giáo tiếp theo.

Conclave được giới chuyên môn đánh giá cao. Tại Oscar 2025, phim thắng giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc và nhận thêm 7 đề cử khác, bao gồm Phim hay nhất. Tác phẩm này cũng càn quét loạt giải thưởng tiền Oscar như BAFTA, Quả cầu Vàng...

Một chi tiết đáng nhớ trong phim là Hồng y Lawrence tóm tắt quá trình diễn ra mật nghị cho giới truyền thông thế giới. Tuy nhiên, điều này không đúng với ngoài đời thực. Trên thực tế, hành động của Hồng y Lawrence khiến ông phải đối mặt với hình phạt khai trừ vì vi phạm quy tắc bảo mật.

Theo Daily Mail, quy trình đúng là Hồng y Nhiếp chính của Tòa thánh đưa ra tuyên bố Giáo hoàng qua đời trước sự chứng kiến của chủ tế nhà thờ và một số thành viên khác trong gia đình Giáo hoàng. Tang lễ diễn ra trong 9 ngày. Suốt thời gian đó, thi hài của Giáo hoàng được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Peter của Thành Vatican.

Phải thêm ít nhất 15 ngày nữa, Mật nghị Hồng y mới bắt đầu diễn ra. Đây là thời gian để các hồng y từ khắp thế giới di quy tụ về Rome (Italy).

Bên trong cuộc bỏ phiếu bí mật chọn người thay thế Giáo hoàng ảnh 2

Conclave mô tả quy trình bỏ phiếu chọn ra người lãnh đạo đất nước được cho là bí mật nhất thế giới.

Trong phim, 120 hồng y bị cô lập trong một tòa nhà cho đến khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, ngoài đời, họ được sắp xếp chỗ ở tại nhà khách của Vatican, được gọi là St Martha's House. Tại đây, họ được phục vụ bởi các đầu bếp, quản gia và 2 bác sĩ (một trong số họ là bác sĩ phẫu thuật). Theo quy định, những người trên 80 tuổi không được phép bỏ phiếu.

Hàng ngày, các Hồng y mặc áo chùng xanh và thắt lưng đỏ đi bộ từ St Martha's House đến Cung điện Giáo hoàng hoặc Nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra cuộc bỏ phiếu thực sự. Họ bị cấm đọc báo, nghe radio, xem truyền hình hoặc internet. Họ cũng không được gửi hoặc nhận bất kỳ loại thông điệp nào từ thế giới bên ngoài.

Thời gian diễn ra mật nghị Hồng y không cố định. Mật nghị dài nhất trong lịch sử kéo dài 34 tháng, từ khi Giáo hoàng Clement IV qua đời vào tháng 11/1268 đến khi Gregory X được bầu vào ngày 1/9/1271.

Tuy nhiên, trong thời hiện đại, không có mật nghị nào kéo dài hơn 5 ngày. Mật nghị bầu Giáo hoàng Francis năm 2013 chỉ kéo dài hai ngày.

Không có quy trình cụ thể nào cho tất cả cuộc bỏ phiếu. Mỗi mật nghị tự quyết định quy trình của mình. Nếu ứng cử viên nào nhận được đa số, chiếm 2/3 số phiếu, đó là người được lựa chọn. Nếu không, mật nghị tổ chức nhiều cuộc bỏ phiếu để thu hẹp số lượng ứng cử viên. Đến khi còn 2 người cuối cùng, ai nhận được đa số phiếu bầu là người chiến thắng.

Trong phim có cảnh, kết quả được thông báo bằng cách thổi khói trắng lên ống khói (khói đen ám chỉ chưa có quyết định nào được đưa ra). Tuy nhiên, theo bộ quy tắc mới nhất, do Giáo hoàng John Paul II soạn thảo vào năm 1996, không nêu rõ quy định này. Theo Daily Mail, truyền thống này từng gây rắc rối vào năm 1958, khi Đài phát thanh Vatican hiểu sai tín hiệu khói và thông báo tin tức sớm hơn một ngày.

Một điều mà phim phản ánh đúng là ứng cử viên Giáo hoàng được lựa chọn từ khắp thế giới. Mặc dù không giới hạn, Hồng y đoàn thường chọn cách kiểm soát số lượng ứng cử viên.

Bên trong cuộc bỏ phiếu bí mật chọn người thay thế Giáo hoàng ảnh 3

Nhiều chi tiết trong phim không đúng với thực tế bầu chọn Giáo hoàng.

Tú Oanh