Nhảy đến nội dung

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Kơ nia là tên địa phương của loài thực vật có tên khoa học là Irvingia malayana thuộc chi Irvingia, nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á. Ở châu Á, cây kơ nia có ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và VN.

Ở VN, kơ nia tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Tây nguyên như Kon Tum, Đắk Lắk. Đặc biệt, với người đồng bào Tây nguyên, loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Họ coi loài cây này là nơi trú ngụ của thần thánh, vong linh những người đã khuất nên rất ít khi họ đụng chạm, chặt phá.

Trên nương rẫy của đồng bào Tây nguyên thường có các cây kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa. Cây có sức sống rất dẻo dai nhờ thân to thẳng, rễ cọc ăn sâu, vững chãi lại chịu hạn tốt.

CỤM RỪNG NGUYÊN SINH

Tại làng Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn (Bình Định) hàng chục cây kơ nia có tuổi thọ hàng trăm năm, đang vươn mình tươi tốt trông như một "cụm rừng nguyên sinh" ở đồng bằng. Đây là một điều lạ, vì tại đồng bằng, rất hiếm khi thấy được bóng dáng cây kơ nia, mọc thành rừng.

Người dân thôn Hòa Mỹ cho rằng rừng kơ nia hàng trăm năm tuổi này là nét đặc trưng không riêng người dân thôn Hòa Mỹ mà của xã Nhơn Phúc, thậm chí người dân cả tỉnh Bình Định biết đến cũng sẽ thấy tự hào vì có một rừng kơ nia cổ thụ độc đáo, vô giá được người dân gìn giữ bao đời nay. Vậy nên người dân nơi đây rất ý thức và trách nhiệm để chăm sóc, bảo vệ.

Ông Nguyễn Văn Cửu (65 tuổi, ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc) cho biết, khi ông còn nhỏ đã thấy rừng kơ nia cao lớn ở đây, không biết rừng cây này có từ thời nào. Ở địa phương, người dân thường gọi cây kơ nia là cây cầy.

Ông Cửu kể, lúc trước rừng kơ nia có tới cả trăm cây lớn nhỏ. Có những cây cao tới hàng chục mét, đường kính một số gốc khá lớn, phải 2 - 3 người ôm mới xuể. Điều đặc biệt của loài cây này là xanh tốt quanh năm bởi không có mùa thay lá. Nhiều loài chim, thú thường tìm về đây trú ngụ tạo nên hệ động, thực vật phong phú, đa dạng.

Lúc nhỏ, ông hay cùng đám bạn đi thả bò, chăn trâu cứ nắng là vào rừng kơ nia núp dưới tán cây. Mùa kơ nia sai quả, nhiều đám trẻ tranh nhau nhặt trái để ăn. Hạt kơ nia ăn rất ngon, béo nên bây giờ đã trở thành đặc sản.

"Mỗi độ cây kơ nia cho quả, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau trèo lên trên ngọn hái những quả chín có màu vàng tươi rồi dùng đá đập thật mạnh lấy phần nhân bên trong để ăn. Nhân có vị bùi, béo như hạt điều, hạt mắc ca nhưng không ngấy. Ai lớn tuổi hơn thì dạo quanh gốc, nhặt những hạt rụng xuống đất đem về chôn trong vườn nhà cho tróc hết phần vỏ, lấy hạt rửa phơi khô dùng dần", ông Cửu nói.

LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ RỪNG CÂY DI SẢN

Toàn thôn Hòa Mỹ có 3 khu vực có cây kơ nia mọc. Tuy nhiên, nhiều nhất phải kể đến khu vực nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ (trước đây là khu đình làng). Ông Trương Đình Vọng (62 tuổi, ở thôn Hòa Mỹ) chia sẻ: "Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên tai, nhân tai, số lượng cây kơ nia bị giảm sút đáng kể. Qua thống kê, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 30 cây. Điều đó khiến những người gắn bó lâu đời với rừng kơ nia như tôi rất buồn".

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, rừng cây kơ nia mọc nhiều nhất tại nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ, bên ngoài khuôn viên cũng có một số cây. Dưới gốc cây là những thảm cỏ xanh mướt đang vươn mình đón ánh nắng ban mai. Những cây kơ nia ở đây tươi tốt, tán rộng che mát cả một khu vực. Những loài sóc, chim hay trú ngụ trên cây, đặc biệt ong rừng cũng về đây hút mật, xây tổ.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh những gốc cây kơ nia, ông Phan Văn Thiệt, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Hòa Mỹ, cho biết hiếm nơi đâu trên địa bàn tỉnh Bình Định có rừng cây kơ nia như thế này nên nó đã trở thành "độc nhất vô nhị", được người dân nơi đây ví như "báu vật", quyết không cho bất kỳ ai xâm hại đến.

Cũng theo ông Thiệt, dân làng ai nấy đều mong muốn "trợ sức" để rừng cây kơ nia mãi trường tồn, hiện diện, là biểu tượng của làng mỗi khi nhắc đến. Cứ mỗi độ trưa hè, mọi người thường tề tựu về nhà văn hóa, cùng nhau ngồi dưới bóng mát của cây kơ nia kể cho nhau những câu chuyện về cuộc sống, về loài cây xa lạ mà thành thân thương quá đỗi.

"Để bảo vệ, giữ gìn vườn kơ nia, Ban dân chính thôn Hòa Mỹ và các cụ cao niên trong thôn thường xuyên nhắc nhở người dân địa phương không được chặt cây lấy gỗ hoặc đốt phá cây. Một quy tắc "bất thành văn" được lập ra là ai chặt phá cây sẽ bị "bêu tên, kiểm điểm" trong các cuộc họp thôn, xóm. Hầu hết người dân trong thôn đều tự giác chấp hành, bởi họ không muốn phá vỡ quy tắc", ông Thiệt nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Thanh Loan, Phó chủ tịch phụ trách UBND xã Nhơn Phúc, cho hay người dân địa phương là "cánh tay nối dài" trong việc khoanh vùng, bảo vệ, bảo tồn, chăm sóc và phát huy giá trị của rừng cây kơ nia. Chính vì vậy, địa phương luôn tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt để người dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của rừng kơ nia. Nó không những được ví như "lá phổi xanh" cho thôn Hòa Mỹ mà còn là loại dược liệu quý, bởi theo y học, một số bộ phận của cây được sử dụng làm thuốc chữa no hơi, đầy bụng, trừ sốt rét rừng...

Theo ông Loan, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo Ban dân chính thôn Hòa Mỹ thành lập tổ tự quản để có những biện pháp chăm sóc, theo dõi rừng kơ nia tốt hơn trong thời gian tới.

"Về lâu dài, địa phương sẽ lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng công nhận rừng kơ nia là rừng cây di sản VN và có định hướng phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng tại địa phương gắn liền với rừng cây kơ nia", ông Loan cho biết thêm.