Nhảy đến nội dung
 

'Vòm Vàng' có thể châm ngòi cuộc đua quân sự hóa vũ trụ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/5 công bố dự án lá chắn phòng thủ tên lửa Vòm Vàng với chi phí khoảng 175 tỷ USD và dự kiến hoàn thành năm 2029.

"Tôi đã hứa với người dân Mỹ rằng sẽ xây dựng một lá chắn phòng thủ tên lửa tiên tiến để bảo vệ đất nước chúng ta khỏi mối đe dọa tấn công từ nước ngoài", ông Trump nói.

Ông nhấn mạnh hệ thống Vòm Vàng sẽ bao gồm các cảm biến và tên lửa đánh chặn trên không gian, nhấn mạnh ý tưởng lần đầu tiên đưa vũ khí lên vệ tinh. "Sau khi hoàn thành, Vòm Vàng sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa ngay cả khi chúng được phóng từ bất kỳ nơi nào của thế giới hay từ không gian. Chúng ta sẽ có hệ thống tốt nhất từng được xây dựng", ông nói.

Thông báo được đưa ra chưa đầy bốn tháng sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp để khởi động quá trình phát triển hệ thống. Tướng Michael Guetlein, phó tư lệnh phụ trách tác chiến của Lực lượng Vũ trụ Mỹ, được bổ nhiệm làm lãnh đạo dự án Vòm Vàng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo dự án Vòm Vàng có thể làm leo thang mạnh mẽ quá trình quân sự hóa không gian, xu hướng đã gia tăng trong thập kỷ qua.

Dù các cường quốc vũ trụ lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc đã tìm cách đưa các trang thiết bị quân sự và thu thập thông tin tình báo lên quỹ đạo kể từ những năm 1960, họ chủ yếu thực hiện một cách bí mật. Dưới thời cựu tổng thống Joe Biden, quan chức Lực lượng Vũ trụ Mỹ từng lên tiếng về nhu cầu tăng cường năng lực tấn công không gian để đối phó với mối đe dọa từ các đối thủ ngang hàng.

Khi ông Trump đề cập kế hoạch xây dựng Vòm Vàng hồi tháng 1, nó đánh dấu sự thay đổi rõ ràng về chiến lược đưa vũ khí lên vũ trụ. Thay vì chỉ dựa vào lá chắn dưới mặt đất như hiện nay, Mỹ sẽ kết hợp với tên lửa phóng từ vệ tinh để đánh chặn các tên lửa thông thường hoặc hạt nhân được khai hỏa từ bất cứ nơi nào trên Trái Đất.

Chiến lược này cho thấy Mỹ sẵn sàng triển khai những công nghệ đắt tiền chưa từng thử nghiệm lên vũ trụ, điều có thể mang lại lợi ích tài chính khổng lồ cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ, nhưng cũng mở ra nhiều nguy cơ mới.

"Tôi nghĩ rằng kế hoạch đang mở ra chiếc hộp Pandora", Victoria Samson, giám đốc an ninh tại tổ chức nghiên cứu Secure World Foundation ở Washington, nhắc tới sự tích về chiếc hộp kỳ bí chứa bất hạnh, thiên tai, chiến tranh trong thần thoại Hy Lạp. "Chúng ta chưa thực sự nghĩ tới hậu quả lâu dài khi làm như vậy",

Samson và nhiều chuyên gia cho hay dự án Vòm Vàng có thể thúc đẩy các nước khác đưa những hệ thống đánh chặn tương tự vào không gian hoặc phát triển vũ khí tiên tiến hơn để xuyên thủng lá chắn tên lửa Mỹ, dẫn tới leo thang cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.

Nga và Trung Quốc đã lên tiếng về dự án mới của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "rất quan ngại" về dự án, kêu gọi Washington từ bỏ. Họ nói rằng dự án mang "hàm ý tấn công mạnh mẽ" và làm tăng nguy cơ quân sự hóa không gian vũ trụ, chạy đua vũ trang. Một phát ngôn viên của Điện Kremlin cho hay Vòm Vàng có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Moskva và Washington về kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai gần.

Ngoài mối lo ngại về nguy cơ leo thang chạy đua vũ trang không gian, nhiều nhà quan sát cũng hoài nghi về tính khả thi của dự án Vòm Vàng.

Đầu tháng này, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính chỉ riêng các thành phần trên không gian của Vòm Vàng cũng có thể tiêu tốn 542 tỷ USD trong 20 năm tới. Văn phòng lưu ý hệ thống cần lượng lớn cảm biến và máy bay đánh chặn để hệ thống trên không gian phát huy hiệu quả, đặc biệt khi trang thiết bị của quân đội nước ngoài ngày càng tinh vi hơn.

Cho đến nay, ngân sách cho dự án chưa được đảm bảo. Tại cuộc họp báo ở Phòng Bầu dục tuần trước, ông Trump xác nhận đang tìm kiếm 25 tỷ USD cho hệ thống thông qua dự luật cắt giảm thuế mà quốc hội đang xem xét.

Vòm Vàng không phải là nỗ lực đầu tiên của quân đội Mỹ nhằm phát triển khả năng phòng thủ tên lửa trong không gian. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực trước đây đã bị hủy bỏ vì tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật và chi phí cao.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã đề ra Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI), hay còn gọi là chương trình Star Wars (Chiến tranh giữa những vì sao).

SDI vạch kế hoạch bố trí một hệ thống tên lửa và vũ khí laser mạnh mẽ trên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo hạt nhân được phóng đi từ bất kỳ địa điểm nào trên thế giới, khi chúng tăng tốc sau khi phóng hoặc giai đoạn giữa hành trình trong không gian.

Nhưng ý tưởng này khi đó không thể trở thành hiện thực chủ yếu do rào cản về công nghệ và chi phí quá lớn, cũng như lo ngại nó vi phạm hiệp ước chống tên lửa đạn đạo mà Mỹ đã hủy bỏ sau này.

Tướng Chance Saltzma, tư lệnh tác chiến không gian của Mỹ, trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 3 thừa nhận những thách thức với hệ thống Vòm Vàng, song tin rằng Mỹ có thể vượt qua.

"Tôi nghĩ có rất nhiều thách thức về mặt kỹ thuật. Tôi rất ấn tượng với tinh thần đổi mới của ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ. Tôi khá tin tưởng rằng chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề đó", ông nói.

Thùy Lâm (Theo Reuters, Al Jazeera, TWZ)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn