Nhảy đến nội dung
 

Vợ chồng 'cấm vận chăn gối', nên không?

Có nên cấm vận tình dục? Cuộc sống hôn nhân có nhiều điểm khác biệt với thời kỳ hẹn hò. Nó đòi hỏi nhiều hơn sự chia sẻ, thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau. Trong đó tình dục cũng là một yếu tố quan trọng để duy trì chất "lửa" trong mối quan hệ.

Chuyện chăn gối là phương thức diễn tả tình yêu, niềm tin và sự gắn bó giữa vợ chồng. Nhưng đôi khi điều này bị sử dụng như công cụ trừng phạt với những hệ lụy khó lường.

"Cấm vận" đủ thứ, cả cấm vận tình dục

Lập gia đình khi còn khá trẻ nên tính tình L. (22 tuổi, Quảng Ngãi) còn khá hồn nhiên, vô tư. Lại được chồng yêu thương, chiều chuộng nên cô luôn muốn mọi chuyện phải theo ý mình. Từ chuyện nhỏ cho đến chuyện to, hễ chồng làm không đúng ý là L. giận dỗi. Mà khi đã giận là cô cấm không cho chồng "yêu", ít thì vài hôm, nhiều khi "không yêu" kéo dài cả tháng.

Chồng L. cho biết: "Tình trạng "cấm vận" phải "ngủ chay" diễn ra như cơm bữa khiến tôi cảm thấy chán nản, mệt mỏi".

Trường hợp khác là vợ chồng chị P. (26 tuổi, Ninh Bình) cưới nhau chưa tròn năm đã lục đục, chồng chị thường xuyên lui tới một phụ nữ khác. Mỗi khi gặp ai đó hỏi han chuyện gia đình, P. không ngần ngại trút hết mọi lỗi lầm cho chồng. Trong suy nghĩ của P., chồng chị là kẻ ích kỷ, tham lam, chẳng ra gì vì đã phản bội vợ. Nhưng nếu nghe chị kể về chuyện riêng của vợ chồng, nhiều người không đồng tình với P..

P. cho biết: "Mẹ mình luôn căn dặn được chồng yêu quý là một chuyện nhưng phụ nữ phải làm chủ mọi thứ, nhất là chuyện chăn gối. Phải để cho đàn ông luôn thiếu thốn vậy thì họ mới biết trân trọng mình".

Mặc dù là vợ chồng son, P. quy định mỗi tuần chồng chỉ được "yêu" vợ một lần. Nhiều hôm anh chồng muốn "tăng ca" nhưng chị nhất quyết không cho. Thậm chí P. sẵn sàng dùng biện pháp mạnh như đuổi chồng ra khỏi phòng, đóng chặt cửa lại để tránh "lửa gần rơm". 

Không ít lần P. còn nặng lời trách móc khi chồng cứ nài nỉ được gần vợ. Cho rằng mình bị xem thường, anh chồng đâm ra tự ái, âm thầm lập phòng nhì.

Phái đẹp cũng là nạn nhân. Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, chồng chị A. (35 tuổi, TP.HCM) lại sử dụng chiêu "cấm vận" vợ. Anh là người đàn ông nghiêm túc, quan tâm đến gia đình nhưng cũng khá gia trưởng. Cho nên việc chị cãi lại ý kiến của chồng là không thể chấp nhận được. Và anh phạt vợ bằng cách không ngủ cùng chị.

"Ban đầu tôi thấy ấm ức và vô lý quá nên cũng mặc kệ nhưng sau nghĩ lại nếu cứ như vậy thì cuộc sống vợ chồng ngột ngạt quá, ảnh hưởng đến con cái nên đành dẹp tự ái mà chủ động làm lành và khơi gợi. Vậy mà chồng tôi không hiểu điều đó, cho rằng vì mình "thèm yêu" quá mà phải xuống nước nên ngày càng quá đáng khiến mình không thể chịu nổi", chị A. trải lòng.

Tạo áp lực hay kiểm soát?

Cấm vận tình dục là việc một người cố tình từ chối quan hệ tình dục để trừng phạt, tạo áp lực hoặc kiểm soát cảm xúc của người kia trong hôn nhân. Hành vi này dù không được gọi tên một cách chính thức trong giao tiếp hằng ngày, vẫn hiện diện như một dạng chiến thuật trong những lúc mâu thuẫn xảy ra giữa hai người yêu nhau hoặc vợ chồng.

Trong cuộc sống hôn nhân, tình dục không đơn giản chỉ để duy trì giống nòi hay thỏa mãn bản năng "chăn gối" mà còn là sợi dây liên kết giữa hai vợ chồng, là một cách để giải tỏa những mệt mỏi, stress của cuộc sống thường ngày. Và điều quan trọng, mỗi lần "yêu nhau" phải là tiếng nói của cả hai bên, không phải mỗi chồng cần mà vợ cũng tha thiết.

Sai lầm nhiều người mắc phải

Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia), tình dục rất quan trọng trong đời sống vợ chồng, càng quan trọng hơn đối với cánh mày râu. Nhiều người cho đến nay vẫn dùng tình dục như một hình phạt hay phần thưởng với chồng mà quên mất đó chính là nghĩa vụ của vợ chồng với nhau.

Tình dục trong hôn nhân là một phần trong nghĩa vụ vợ chồng chứ không phải là cơ chế xin - cho để người này "cấm vận" người kia.

"Cấm vận" nhau là một sai lầm nghiêm trọng mà không ít người mắc phải. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ thi thoảng, "cấm vận" có thể là chiêu thức mang lại ít nhiều tác dụng. Tuy nhiên nếu chuyện đó diễn ra thường xuyên, liên tục thì chính những người trong cuộc sẽ chịu thiệt thòi nhiều hơn, thậm chí là nguy cơ tan vỡ hạnh phúc.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương (Viện Tâm lý Việt Pháp) cho rằng: "Trong hôn nhân, tình dục không chỉ là sự gần gũi thể xác mà còn là ngôn ngữ đặc biệt của sự yêu thương, kết nối và đồng cảm. Đó là sự tự nguyện gắn bó, chăm sóc và tin tưởng lẫn nhau. 

Tuy nhiên khi hành động này bị rút lại một cách cố ý như một hình thức trừng phạt, nó không còn là biểu hiện của yêu thương nữa mà trở thành một công cụ mang tính thao túng, kiểm soát".

Theo ông Phương, việc từ chối tình dục không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hành vi trừng phạt. Một người có thể từ chối vì lý do mệt mỏi, vì không có ham muốn, vì sức khỏe thể chất hoặc tinh thần. Đó là những lý do hoàn toàn hợp lý và nên được tôn trọng.

Tuy nhiên khi sự từ chối được sử dụng có chủ đích để làm tổn thương, gây áp lực hoặc buộc đối phương phải nhún nhường theo ý mình thì đó không còn là quyền tự chủ cá nhân mà đã trở thành một hành vi mang tính kiểm soát cảm xúc.

Những tổn thương là có thật

Mục tiêu của chị em khi "cấm vận" chồng thường là muốn người đàn ông phải thay đổi, phải tốt lành hơn. Nhưng cách đó nhiều khi không thể đạt được mục đích mà còn tạo ra sự ấm ức nhiều hơn giữa đôi bên, khiến mối quan hệ hôn nhân càng căng thẳng hơn.

Tương tự, không ít đấng mày râu cũng bày trò "làm mình làm mẩy", ôm gối ra sofa ngủ khi vợ không làm vừa ý mình. Nhưng đó chỉ là thất sách, một sự thất bại không thể bào chữa. Bởi lẽ, khi bị bạn đời cố tình "cấm vận" họ sẽ cảm thấy bị tổn thương và xúc phạm ghê gớm. Những điều đó lâu dần sẽ giết chết tình cảm và cả ham muốn trong họ.

Ông Phương cho rằng với nam giới, việc bị từ chối tình dục có thể khiến họ cảm thấy thất bại, xấu hổ hoặc mất giá trị bản thân. Trong khi đó, phụ nữ lại thường cảm thấy bị cắt đứt kết nối tình cảm, cảm thấy không còn được tôn trọng hoặc thiếu sự thân mật trong mối quan hệ. Dù là nam hay nữ, điểm chung là cảm giác mất an toàn trong mối quan hệ và khi điều đó diễn ra lâu dài, sự tin tưởng sẽ dần bị xói mòn.

Người bị từ chối dễ rơi vào trạng thái cảm thấy bản thân không đủ hấp dẫn, không còn được yêu thương hoặc tệ hơn là tin rằng mình không xứng đáng được mong muốn. Theo thời gian, cảm giác này có thể bào mòn lòng tự trọng, làm giảm sự tự tin và khiến họ dần xa cách trong chính mối quan hệ thân mật của mình.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn