Vì sao đường phố Đà Nẵng ngập chìm trong nước giữa mùa hè?

Trận mưa như trút nước chiều tối 5-7 khiến nhiều người bất ngờ khi chứng kiến nhiều tuyến phố của Đà Nẵng chìm trong nước. Tiến sĩ Lê Hùng - Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng đã có những chia sẻ về nguyên nhân và đề xuất, hiến kế các giải pháp.
Vì sao ngập giữa mùa hè?
Theo ông Lê Hùng, qua theo dõi Radar có thể thấy tuy là mưa dông nhưng đợt mưa chiều tối ngày 5-7 tổ hợp vùng mây di chuyển từ phía Tây thành phố Đà Nẵng (cũ) ra hướng biển, cùng lúc có vùng mấy di chuyển từ phía Tây Nam (phía Quảng Nam cũ). 2 vùng mây lớn này cùng di chuyển vào khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng nên gây ra mưa lớn.
Trận mưa lớn ngày 5-7, từ 18h-19h lượng mưa ghi nhận tại các trạm khu vực trung tâm thành phố như phường Hòa Cường 68,2mm, Hồ Thác Gián 69,6mm, Khe Cạn 81,4mm, kênh Nguyễn Đình Tựu 80mm, Hòa Sơn 106mm, lưu vực hồ Hòa Trung 84,8mm; hồ Hòa Khê - Hòa Sơn 81mm…
So sánh với tần suất đã tính theo chuỗi từ quá khứ thu thập được thì xấp xỉ tần suất 20% và lớn hơn.
Theo tiến sĩ Hùng, có thể các trận mưa dông vào mùa hè nên các cửa thu rác chưa chủ động khơi thông cũng là một trong những nguyên nhân nhân gây ngập.
Tuy nhiên, Đà Nẵng mới vừa có trận mưa lớn trong tháng 6, đồng thời trong khoảng một tuần qua mưa dông xảy ra liên tục tại thành phố, do đó lý do gây ngập là do các cửa thu chưa khơi thông là chưa thật sự thuyết phục.
Chỉ trong một giờ mưa với tần suất thiết kế mực nước triều đang ở thời điểm triều thấp mà nhiều tuyến đường bị ngập chứng tỏ đa số tuyến cống Đà Nẵng không chịu được tần suất mưa thiết kế dù triều thấp hơn thiết kế nhiều (tức không đảm bảo chu kỳ ngập cống 5 năm ngập lần).
Giải pháp nào để khắc phục "chuyện lạ"?
Cũng theo tiến sĩ Lê Hùng, để giải quyết chống ngập cho Đà Nẵng thì nên sớm triển khai các giải pháp như:
Đà Nẵng cần giải quyết chống ngập cho các khu vực thường xuyên ngập sâu, cùng với đó đầu tư đồng bộ hệ thống trạm bơm, cống dẫn…
Cụ thể, đối với khu vực phía Đông sân bay - điểm "nóng" đường Trưng Nữ Vương, cần làm tuyến kênh nối từ hồ Ba Sen Vàng dẫn qua tuyến cống đường Phan Đăng Lưu, dẫn về hồ Khuê Trung ra sông Cẩm Lệ. Đồng thời, đầu tư trạm bơm hồ Ba Sen Vàng để bơm hạ mực nước trước khi mưa.
Với khu vực phía Bắc sân bay, cần sớm đầu tư tuyến cống Hà Huy Tập.
Đây là tuyến cống bản lề quan trọng để giảm ngập khu vực này và lân cận. Cùng với đó nối tuyến cống tại nút giao đường Trần Can và Trần Xuân Lê về hồ Xuân Hà A đổ ra cống Hà Huy Tập. Cống này có chức năng tách một phần lưu lượng, giảm ngập cho tuyến Trần Xuân Lê, hồ Phần Lăng và Bàu Trảng...
Ông Hùng cũng đề xuất cần sớm đầu tư đủ số lượng các trạm bơm cưỡng bức như trạm bơm Trần Thị Lý, Ông Ích Khiêm… theo hồ sơ thiết kế nhằm hạ mực nước tại bể hút (cuối cống thoát), để phát huy đúng năng lực của các cống thoát.
Đồng thời khắc phục một số bất cập của các trạm bơm để nâng cao hiệu quả ví dụ như không để mực nước max (tối đa) tại bể hút bơm Ông ích Khiêm là 1,3m quá cao. Đây là tiền đề để giải quyết chống ngập cho khu vực trung tâm cũng như khu vực thường xuyên ngập như khu vực Tống Phước Phổ, Núi Thành, đường 2-9...