Nhảy đến nội dung
 

Phụ huynh, giáo viên mong cấm điện thoại trong trường

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM hôm 10/7 cho biết đang xem xét cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, kể cả giờ ra chơi, trừ những tiết được giáo viên cho phép, từ năm học tới.

Chị Phương Thúy, phụ huynh học sinh lớp 10, phường Gia Định, nói mừng khi biết tin. Chị kể con trai có học lực tốt nhưng vẫn không tránh khỏi sự cám dỗ của game. Về đến nhà, con trốn trong phòng 2-3 tiếng để chơi. Ở lớp, cô giáo cho biết con cũng thường xuyên chơi game với bạn ở trường. Vì thế, chị Thúy mong trường cấm học sinh mang điện thoại.

"Tôi ủng hộ, việc này lẽ ra nên làm từ lâu rồi. Trường nên có số hotline hoặc trang bị điện thoại bàn để các con liên lạc với phụ huynh khi cần", chị Thúy bày tỏ.

Theo anh Huy, phụ huynh học sinh lớp 9, phường Hạnh Thông, cấm học sinh dùng điện thoại ở trường có "trăm thứ lợi". Anh từng tá hỏa khi một lần lướt mạng xã hội, thấy học sinh phát trực tiếp (livestream) khung cảnh lớp học khi giáo viên đang giảng bài để "xin tiền" từ người dùng. Ở dưới bài đăng, nhiều em trả lời bình luận liên tục. Điều này chứng tỏ học sinh lén dùng điện thoại trong lớp, không quan tâm bài giảng của giáo viên.

"Mỗi ngày đưa đón con, tôi thấy học sinh la cà hàng quán gần trường, dán mắt vào điện thoại chơi game, chat say mê. Nếu ở trường mà không cấm thì không biết ra sao", anh Huy chia sẻ.

Khảo sát của VnExpress từ tháng 10/2024 tới đây cho thấy khoảng 83-84% độc giả đồng tình cấm điện thoại trong trường học.

Từ phía nhà trường, thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Đa, phường Bình Thạnh, cũng ủng hộ dự kiến của Sở. Ông cho hay giờ ra chơi, gần 90% học sinh của trường ngồi tại chỗ, ôm điện thoại, không ít vụ các em nói xấu, hù họa, cô lập nhau trên mạng xã hội. Lâu nay, trường muốn cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học lẫn ra chơi nhưng không có sự thống nhất với phụ huynh về phương pháp thực hiện.

"Thầy cô cũng sốt ruột với thực trạng học sinh dán mặt vào màn hình điện thoại", thầy Hân cho biết. "Nếu có quy định từ Sở Giáo dục thì trường sẽ có cơ sở để cấm".

Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, đã cấm học sinh dùng điện thoại từ đầu năm học vừa rồi. Thạc sĩ Trần Vũ, Phó hiệu trưởng, cho biết lúc đầu có nhiều lo ngại rằng việc này cản trở các em tự học và tìm tài liệu. Tuy nhiên, dần dần học sinh thoải mái hơn khi thấy những tiết học cần truy cập mạng, giáo viên vẫn cho phép. Giờ ra chơi, các em có thể mang theo máy tính, điện thoại đến khu vực thư viện để tự học.

Theo cô Phan Thị Hợi, Phó hiệu trưởng trường THPT Bàu Bàng, xã Bàu Bàng, với phương pháp giảng dạy mới, rất ít tiết học cần dùng điện thoại. Bởi việc tìm kiếm thông tin, chuẩn bị thuyết trình đã được giao cho học sinh chuẩn bị ở nhà. Lên lớp, các em trình bày, trao đổi với nhau, sau đó giáo viên chốt lại vấn đề.

"Hơn nữa lớp học có máy chiếu, bảng thông minh, học sinh không cần dùng Internet để tra cứu nhiều. Nếu có là các trò chơi hoặc ứng dụng học tập sẽ được giáo viên thông báo trước", cô Hợi nói.

Thầy Vũ cho biết sau khi áp dụng quy định, học sinh tích cực xuống sân chơi, trò chuyện hoặc tự học. Trường cũng có các bộ cờ tướng, cờ vây để học sinh thư giãn. Đây là cũng là hiệu ứng tích cực mà nhiều trường học ở TP HCM ghi nhận khi cấm học sinh dùng điện thoại trong khuôn viên.

Bảo Ngọc, học sinh lớp 11, THPT Trường Chinh, phường Đông Hưng Thuận, kể từng khó chịu, cho rằng thầy cô quá khắt khe khi bị cấm dùng điện thoại ở trường hai năm trước. Giờ, Ngọc thấy việc này giúp em quản lý thời gian học tập, gắn kết với bạn bè.

"Trước đây, nhóm bạn em đi ăn trong căn tin cũng ôm điện thoại vừa ăn vừa lướt", Ngọc kể. Sau hai buổi ở trường, em tập trung 2-3 tiếng để xem mạng xã hội, video hay tìm kiếm thông tin. Cách này giúp em tập trung hơn khi học tập thay vì cứ chốc lát lại lôi điện thoại ra lướt mạng như trước đây.

Trong khi đó, Ngọc Phương, học sinh lớp 9 trường THCS Hai Bà Trưng, lo lắng khi biết dự kiến của Sở. Phương được bố mẹ cho dùng điện thoại từ năm lớp 6. Em thường lướt mạng trong thời gian chuyển tiết hoặc giải lao, hoặc dùng điện thoại đặt xe khi di chuyển, liên lạc với bố mẹ.

"Nếu bị cấm dùng, chắc thời gian đầu em sẽ khó chịu, không quen. Em không biết mình có tập dần được không", Phương nói.

Theo thầy Lê Hữu Hân ở trường Thanh Đa, một khó khăn là quản lý điện thoại của học sinh khi cấm.

"Ai là người bảo quản số điện thoại này, nếu mất cắp thì sao. Trường không đủ nhân lực để đi kiểm tra thường xuyên", thầy Hân lo ngại.

Cô Hợi cho biết từng gặp phải việc này.

"Tôi từng tận mắt thấy một học sinh trộm điện thoại đắt tiền của bạn. Khi cả lớp đang ở sân trường học thể dục, em này lấy lý do đau bụng để lẻn về lớp trộm rồi đem về nhà", cô Hợi kể. Ngoài ra, vì học sinh được mang theo điện thoại đến trường nên vẫn có tình trạng lén sử dụng trong giờ học.

Để giải quyết vấn đề này, trường Phổ thông Năng khiếu trang bị hộp bảo quản điện thoại cho từng lớp. Vào giờ học, các em cất điện thoại vào từng ô theo thứ tự rồi khóa lại. Tiết nào giáo viên cho phép, các em được sử dụng hoặc chờ tan học mới nhận lại.

Ông Vũ nhận thấy có một số em né quy định, không cất điện thoại vào tủ để dùng lén trong giờ học, ra chơi. Tuy nhiên, nhà trường vẫn linh động xử lý tùy theo mục đích sử dụng của các em. Những học sinh cố tình vi phạm sẽ bị ghi vào sổ đầu bài, ảnh hưởng đến đánh giá hạnh kiểm.

"Điều quan trọng khi quản lý việc dùng điện thoại vẫn là ý thức và sự tự giác, kỷ luật ở học sinh. Trường chỉ hạn chế ở một mức độ nào đó chứ không thể cấm 100%", ông Vũ nói.

Dù nhiều phụ huynh và nhà trường ủng hộ, PGS.TS Trần Thành Nam, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng cần nghiên cứu thêm việc cấm học sinh dùng điện thoại trong trường.

PGS.TS Nam phân tích với học sinh nghiện game, mạng xã hội hay mắc hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) thì việc cách ly với điện thoại càng làm các em bứt rứt, khó tập trung hơn. Nếu cấm dùng ở trường, các em có thể dành gấp đôi thời gian cho điện thoại so với trước khi ở nhà, có thể ít tương tác, chia sẻ với bố mẹ hơn.

Hơn nữa, trong bối cảnh công nghệ, số hóa, AI trở nên phổ biến, điện thoại thông minh là công cụ thúc đẩy học sinh tìm hiểu, khám phá, đặt ra nhiều câu hỏi trong quá trình học tập.

"Chúng ta nên hướng dẫn các em dùng đúng hơn là không quản được thì cấm. Thầy cô cần học cách sử dụng các ứng dụng, phần mềm để giúp học sinh dùng điện thoại như một công cụ trong học tập", ông Nam đề xuất.

Theo ông, việc cấm nên áp dụng cho giờ ra chơi để học sinh tăng vận động, tương tác với bạn bè. Trong giờ học, nhà trường cần quy định cụ thể môn, tiết nào được sử dụng điện thoại và có hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho các em.

Lệ Nguyễn

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn