“Về chung một nhà” - Triển lãm tranh da gây quỹ xây cầu cho vùng cao

(Dân trí) - Triển lãm tranh da “Về chung một nhà” tại Phố đi bộ Hoàn Kiếm ngày 5 - 6/7 bán đấu giá toàn bộ tác phẩm trưng bày để xây cầu cho bà con xóm vùng cao biên giới.
Nghệ thuật tranh da
Việt Nam từ lâu nổi tiếng với các làng nghề thủ công truyền thống, trong đó nghệ thuật chế tác đồ da là một điểm sáng đầy tinh tế. Trải qua hàng trăm năm phát triển, từ kỹ thuật thuộc da đơn sơ ban đầu, nghề chế tác đồ da Việt đã trở thành một ngành công nghiệp sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa giá trị văn hóa và xu hướng thời trang hiện đại. Mỗi sản phẩm đồ da không đơn thuần là kết quả của quá trình xử lý chất liệu, mà là kết tinh của đam mê, sự tỉ mỉ và sáng tạo.
Nghệ thuật chế tác đồ da thủ công là dấu ấn nổi bật làm nên tên tuổi Nhất Leather trên thị trường. Mang lợi thế của mình để chuyển hóa thành những hoạt động có ý nghĩa, nhằm hưởng ứng sự kiện sáp nhập các tỉnh thành phố của Việt Nam và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thương hiệu đồ da Nhất Leather thuộc Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu HAT+ tổ chức Triển lãm tranh da “Về chung một nhà”. Triển lãm trưng bày 35 bức tranh da bản đồ, trong đó có 1 bức tranh lớn “Trọn vẹn Việt Nam” và 34 bức tranh da của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập.
Tất cả các bức tranh da trưng bày tại sự kiện đều được chế tác thủ công bằng da thật bởi các nghệ nhân với trên 30 năm kinh nghiệm đến từ thương hiệu đồ da Nhất Leather. Đây là thương hiệu đồ da nổi tiếng về tính thời trang, bền vững và tiện lợi.
Các nghệ nhân của thương hiệu đã làm việc trong hơn 3.000 giờ chỉn chu từng công đoạn thủ công, mang rất nhiều tâm huyết trước thời khắc lịch sử của đất nước để tạo ra các tác phẩm triển lãm có độ hoàn thiện cao về thẩm mỹ và tính chính xác của bản đồ với nguồn thông tin từ Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Thông tấn xã Việt Nam.
Triết lý “nghệ thuật vị nhân sinh”
Triển lãm tranh da “Về chung một nhà” là nơi không chỉ thể hiện nghệ thuật chế tác đồ da thủ công của thương hiệu Nhất Leather. Đó còn là nơi thể hiện triết lý “nghệ thuật vị nhân sinh” sâu sắc: nghệ thuật nên hướng đến phục vụ con người, phản ánh cuộc sống và các vấn đề của con người, đồng thời mang giá trị nhân văn cao đẹp.
“Nhất Leather mong muốn không chỉ có công sức của chúng tôi, mà còn là của toàn xã hội, của các mạnh thường quân cùng chung tay mang tới những giá trị tốt nhất cho cộng đồng và xã hội”, đại diện thương hiệu chia sẻ.
Trong đó, 35 bức tranh da - bản đồ Việt Nam và 34 bản đồ các tỉnh, thành phố - sẽ được bán đấu giá ngay trong sự kiện, vào lúc 19h30 ngày 6/7. Cùng với đó, Nhất Leather cũng tổ chức bán áo trắng để phục vụ in miễn phí áo kỷ niệm các tỉnh, thành. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được đồng hành với Quỹ Từ thiện Sức mạnh 2000, thuộc hệ sinh thái Nuôi Em để xây cầu cho bà con vùng cao biên giới tại thôn Bản Hình, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (nay là xã Minh Tân, tỉnh Tuyên Quang).
Đây là một thôn nghèo nằm ẩn mình trong rừng sâu, với gần 700 người dân, trong đó có hơn 100 em nhỏ hằng ngày phải đi học, đi làm qua một cây cầu được chính người dân tự quyên góp sức người, sức của để xây dựng bằng gỗ đã mục nát, gây nguy hiểm rất nhiều dù là cầu nối duy nhất giữa bà con và thế giới bên ngoài.
Nhất Leather cũng đã có mặt tại điểm thôn, dành thời gian để thăm hỏi bà con trong thôn để lắng nghe những mong muốn, ước mơ thật giản dị về một cây cầu an toàn, vững vàng để có thể tham gia sản xuất, đặc biệt là các em nhỏ có thể tới trường, bởi đây là con đường kết nối duy nhất giữa bà con và thế giới bên ngoài.
“Nghệ thuật sinh ra là để mang tới cho cuộc đời những điều đẹp đẽ bằng nhiều cách. Đó là những tác phẩm đẹp và cả những hành động đẹp để giúp đỡ cho xã hội. Nhất là trong thời khắc lịch sử của đất nước, khi quá trình sáp nhập 34 tỉnh thành và triển khai mô hình chính quyền hai cấp đã hoàn tất. Tất cả đã sẵn sàng vì một Việt Nam hùng cường, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc, chung một mục tiêu tới năm 2045 trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đại diện Nhất Leather chia sẻ.