'Vàng xanh' ở vùng đất Tân Yên

Sâm núi Dành ân mình giữa những ngọn đồi xanh ngát của huyện Tân Yên không chỉ là một loại dược liệu quý, còn được xem là biểu tượng cho sự phát triển bền vững của địa phương. Sản vật này xứng đáng được gọi là "vàng xanh" của vùng đất Bắc Giang.
Nức tiếng gần xa
Trong một buổi hội chợ nông sản ở thành phố Bắc Giang, một cán bộ của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang say sưa nói về sâm núi Dành khiến sự tò mò trong tôi nổi lên. Hôm sau, tôi mục sở thị về vùng đất Tân Yên để tìm hiểu về loại sâm này.
Theo ghi chép trong sách "Đại Nam nhất thống chí", sâm núi Dành đã được biết đến từ thời nhà Nguyễn với tên gọi Cát sâm và được xem như một loại dược liệu quý của vùng núi Chung Sơn (nay là núi Dành, xã Liên Chung, huyện Tân Yên). Thời phong kiến, loại sâm này còn được sử dụng làm dược liệu tiến vua, minh chứng cho giá trị cao quý của nó.
![]() |
Sử sách còn lưu truyền câu chuyện cảm động về sâm núi Dành giúp chữa bệnh cho Hoàng thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức). Với tác dụng hỗ trợ sức khỏe, ổn định đường huyết, và tăng cường thể lực, sâm núi Dành được ví như món quà quý giá từ thiên nhiên, kết tinh những giá trị văn hóa và tri thức y học truyền thống.
Không chỉ có giá trị lịch sử, sâm núi Dành còn là biểu tượng văn hóa của vùng đất Tân Yên. Loại sâm này là niềm tự hào của người dân địa phương, vừa mang giá trị y học, vừa là di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy.
Nhìn thấy tiềm năng phát triển của sâm núi Dành, huyện Tân Yên và tỉnh Bắc Giang đã có sự quan tâm, hỗ trợ người dân phát triển loại sâm này. Huyện Tân Yên xây dựng Đề án “phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2022-2027”. Mục tiêu của Đề án xây dựng, mở rộng diện tích sâm Nam núi Dành tại một số xã gồm Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến, Thị trấn Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung, Liên Sơn; hoàn thiện quy trình sản xuất, nhân giống sâm Nam núi Dành tại địa bàn để quản lý nguồn giống chất lượng, phục vụ cho nhu cầu sản xuất tại huyện.
![]() |
Sâm núi Dành dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường |
Theo một số chuyên gia, triển vọng phát triển của sâm núi Dành không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế. Đây còn là cơ hội để Bắc Giang khẳng định thương hiệu trên bản đồ dược liệu Việt Nam và quốc tế. Những nghiên cứu thời gian gần đây đã mở ra cánh cửa để sâm núi Dành được ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ và dược phẩm.
Không dừng lại ở đó, tỉnh Bắc Giang còn đẩy mạnh xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, kết hợp việc tham quan vùng trồng sâm với khám phá văn hóa, tâm linh tại núi Dành. Hướng đi này không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế mà còn quảng bá hình ảnh Bắc Giang như một điểm đến thân thiện, giàu bản sắc. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và sự nỗ lực của các hợp tác xã, sâm núi Dành hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu quốc gia, sánh vai với các loại dược liệu hàng đầu thế giới.
Theo Sở Nông nghiệp và Mô trường tỉnh Bắc Giang, tính đến hết năm 2024 huyện Tân Yên có 52 sản phẩm OCOP đứng thứ 3 toàn tỉnh Bắc Giang cùng huyện Yên Thế (có 48 sản phẩm 3 sao; 4 sản phẩm 4 sao). Sản phẩm OCOP của huyện Tân Yên phần lớn gắn liền với những sản phẩm có thương hiệu, nổi tiếng của địa phương như Sâm Nam núi Dành; vú sữa; Măng lục trúc;…
Đối với các sản phẩm từ Sâm nam núi Dành có 13 sản phẩm (chiếm khoảng 25% tổng số sản phẩm OCOP của huyện) trong đó có 1 sản phẩm 4 sao và 12 sản phẩm 3 sao. Điều này khẳng định vị thế, vai trò của cây sâm nam núi Dành một đặc sản riêng có trong phát triển kinh tế - xã hội của Tân Yên.
![]() |
Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop 3 sao đến khách hàng |
Sản phẩm Ocop vươn xa
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, một số hợp tác xã đã phát triển sản phẩm sâm núi Dành. Trong đó, Hợp tác xã (HTX) Sâm núi Dành Đức Hạnh ở thôn Hậu, xã Liên Chung (huyện Tân Yên) đã đầu tư, sản xuất nhiều loại sản phẩm từ sâm núi Dành thành sản phẩm Ocop 3 sao (Hiện tại HTX có 3 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao: Trà hoa sâm núi Dành; rượu sâm nam núi Dành; Mật ong hoa vải sâm núi Dành). Ông Trần Văn Khiển - Giám đốc HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh là một người tâm huyết với sâm núi Dành.
Một buổi sáng sớm, ánh nắng xuyên qua những tán lá xanh mướt trên núi Dành, ông Khiển tay cầm củ sâm tươi, ánh mắt ánh lên niềm đam mê mãnh liệt. “Sâm núi Dành không chỉ là một loại dược liệu, mà còn là một phần lịch sử, là giấc mơ mà tôi và những người dân nơi đây đang cố gắng xây dựng,” ông chia sẻ.
Theo lời kể của ông Khiển, sâm núi Dành từ lâu đã là sản vật quý hiếm, được dùng để tiến vua triều Nguyễn. Hoàng thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, từng dùng sâm núi Dành để chữa bệnh và phục hồi sức khỏe, để lại câu chuyện huyền thoại về loài sâm này.
Với ông Khiển, câu chuyện đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực lớn lao để ông khôi phục và phát triển loại dược liệu quý giá lưu truyền hàng trăm năm qua. Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh không chỉ bảo tồn nguồn giống mà còn cải tiến phương pháp canh tác, đưa sâm núi Dành trở thành sản phẩm dược liệu chất lượng cao.
Trên con đường dẫn chúng tôi đi thăm vườn sâm, ông Khiển giới thiệu những sản phẩm đặc trưng từ sâm núi Dành, không chỉ có củ, sâm núi Dành còn có hoa sâm, lá sâm, mỗi bộ phận đều mang giá trị riêng. Củ sâm tươi được dùng trong chế biến món ăn bổ dưỡng hoặc làm nguyên liệu chính cho các sản phẩm y học cổ truyền. Trà hoa sâm một thức uống thanh mát, giàu dinh dưỡng, rất được ưa chuộng trong và ngoài nước. Mật ong sâm, sự kết hợp giữa mật ong hoa vải thiều và sâm núi Dành, mang lại giá trị dinh dưỡng và sức khỏe vượt trội.
Để phát triển bền vững, Hợp tác xã Sâm núi Dành Đức Hạnh đã tạo ra một chuỗi sản phẩm đa dạng và đạt tiêu chuẩn Ocop để không chỉ tăng giá trị kinh tế mà còn đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường.
“Sâm núi Dành không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp. Nó còn là biểu tượng văn hóa và cơ hội để quảng bá hình ảnh Bắc Giang ra thế giới. Chúng tôi đã đi được một chặng đường dài, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.”, ông Khiêm chia sẻ.