Nhảy đến nội dung

Văn học nghệ thuật góp tiếng nói hòa hợp dân tộc

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định văn học nghệ thuật 50 năm qua là tiếng nói của sự hòa hợp dân tộc.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) đã được Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp nhiều cơ quan tổ chức tại Hà Nội ngày 25-4 với khoảng 500 đại biểu văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý tham dự.

Những thành tựu lớn của nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm sau ngày thống nhất đất nước được các đại biểu tập trung đánh giá, phân tích. 

Nhiều đại biểu nói tới thành tựu đổi mới của nền văn học nghệ thuật và đặc biệt là thành công trong đổi mới tư duy quản lý văn học nghệ thuật, giúp đánh giá lại nhiều giá trị từng bị khuất lấp, hàn gắn lòng người, hòa hợp dân tộc.

Từ "chân trời một phía" sang "nhiều phía chân trời"

Một trong những thành tựu của nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm đất nước thống nhất được nhiều đại biểu nhắc tới đó là nền văn học nghệ thuật đổi mới mạnh mẽ cùng với sự vận động của xã hội.

TS Nguyễn Tiến Thư - phó viện trưởng Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - phân tích trước đổi mới, văn học và nghệ thuật chịu sự kiểm soát chặt chẽ về nội dung và hình thức, chủ yếu tập trung vào đề tài cách mạng, kháng chiến, lao động và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Sau đổi mới, sự vận hành của kinh tế thị trường giúp văn nghệ sĩ có nhiều không gian sáng tạo hơn, phản ánh hiện thực xã hội một cách đa chiều và chân thực hơn.

Nhiều tác phẩm không còn bị giới hạn trong khuôn khổ tư tưởng chính trị mà mở rộng sang các chủ đề xã hội, đời sống cá nhân, thân phận con người và những vấn đề toàn cầu hóa.

Các nhà văn như Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Hướng... xuất hiện với những tác phẩm mang đậm tính phản biện, thể hiện cái nhìn đa chiều về chiến tranh và cuộc sống hậu chiến.

Bên cạnh đó, nghệ thuật cũng phát triển theo hướng đa dạng hóa. Mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu mở rộng chủ đề và phong cách thể hiện. Nghệ sĩ có nhiều lựa chọn hơn trong việc thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - nguyên viện trưởng Viện Văn học - chia sẻ sau 1975, đặc biệt là sau đổi mới, cùng với những chuyển động của lịch sử, văn học có sự thay đổi mang tính bước ngoặt, chuyển từ mỹ học thời chiến sang mỹ học thời bình, từ chân trời "một phía" đến chân trời "nhiều phía".

Nếu trong văn học thời chiến, các nhà văn chú trọng miêu tả số phận dân tộc từ cái nhìn sử thi và cảm hứng lãng mạn, thì đến văn học thời bình, việc miêu tả số phận cá nhân từ cái nhìn thế sự - đời tư và cảm hứng nhân văn có vai trò nổi bật.

Ngay từ những năm 1980, hàng loạt truyện ngắn mang tính luận đề của Nguyễn Minh Châu như Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa thực chất là thái độ phản tư của người cầm bút về trách nhiệm của họ trong việc miêu tả thực tại.

Thơ ca thời hậu chiến cũng biểu đạt chân thực những trạng thái "loay hoay" của một thời - từ Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh cho đến Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều. Trong lĩnh vực sân khấu, Lưu Quang Vũ đặc biệt chói sáng bởi những vở kịch giàu tính thời sự và tinh thần đối thoại như Ông không phải là bố tôi, Bệnh sĩ...

Tiếp theo những nhà văn đổi mới trên nền truyền thống đầu tiên là Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng; có sự hiện diện của nhiều cây bút tài năng như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê... trong văn xuôi;

Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều... trong thơ, với xu hướng phá cách và "gây hấn" triệt để.

Người Việt muôn phương xích lại gần nhau

TS Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học) nêu ra thực tế nhờ Internet, văn học tiếng Việt và văn học của người Việt ở trong nước hay nước ngoài được gắn kết.

Ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, văn nghệ sĩ trí thức gốc Việt đã sớm thành lập các trang web, trong đó có nhiều trang web chuyên biệt về văn hóa, văn nghệ.

Điều này mở ra cơ hội cho văn nghệ sĩ trí thức và bạn đọc phổ thông ở trong nước không chỉ có thêm thông tin, hiểu biết về đời sống văn học nghệ thuật của người Việt ở nước ngoài mà còn có thêm sự cảm thông, chia sẻ với văn nghệ sĩ trí thức và bạn đọc người Việt ở nước ngoài - những người mấy mươi năm qua vẫn nỗ lực giữ gìn và sáng tạo bằng tiếng Việt, làm giàu có tiếng Việt và tình yêu tiếng Việt.

Đồng thời văn nghệ sĩ trí thức người Việt ở nước ngoài cũng giới thiệu văn học Việt Nam tới cộng đồng người Việt xa xứ, thông qua văn học để giúp họ thông hiểu về quê nhà sau những tháng năm xa cách. Những giao lưu văn hóa, văn học này đã giúp cộng đồng người Việt năm châu bốn biển xích lại gần nhau hơn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng ghi nhận thành tựu to lớn của văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua. 

Đó là minh định lại nhiều giá trị, hóa giải tị hiềm để cùng nhau dựng lại nền văn hóa của dân tộc sau những đổ vỡ vì chiến tranh.

Đầu tiên, sau ngày 30-4-1975, bản đồ địa lý của văn học Việt Nam được mở rộng chiều kích rất lớn gồm các nhà văn phía Bắc, các nhà văn yêu nước ở phía Nam, các nhà văn trong chế độ cũ cộng với các nhà văn Việt Nam sống ở hải ngoại.

Tất cả đã hòa đồng vào trong một dòng chảy chung. Tuy rằng có những điểm khác biệt nhưng càng ngày những dòng chảy đó càng hòa quyện với nhau, để sau 50 năm tạo ra chân dung, bản đồ đầy đủ về nền văn học Việt Nam như chúng ta có ngày nay.

Đến thời kỳ đổi mới, những giọng nói riêng biệt trong văn học nghệ thuật Việt Nam được ghi nhận, làm cho nền văn học nghệ thuật phong phú hơn bao giờ hết.

Đặc biệt những chính sách mới của Đảng khiến nhiều giá trị văn học, tác phẩm văn học, các nhà văn từng phải tạm cho khuất lấp trong thời kỳ chiến tranh, sau đổi mới đã được phơi lộ, được thừa nhận và tôn vinh.

Thậm chí các tác phẩm từng được coi là nhạy cảm thì nay đã được đưa ra công chúng. Nhiều tác giả từng lầm lụi tưởng bị lãng quên, sau đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm...

Các nhà văn hải ngoại cũng bắt đầu được trở lại, xuất hiện trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam. Các nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ được trở về, được sinh hoạt văn nghệ trong nước, được đánh giá lại và tôn vinh.

Theo ông Thiều, nói về thành tựu văn học trong 50 năm đất nước thống nhất phải nói đến thành tựu trong chính sách và chiến lược, trong cách nhìn của Đảng đối với văn học nghệ thuật.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận văn học nghệ thuật 50 năm qua vẫn là tiếng nói tri ân, ca ngợi truyền thống yêu nước, cách mạng của quân và dân ta.

Đồng thời nó cũng là tiếng nói của sự hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn và xoa dịu những đau thương mất mát trong chiến tranh; tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc.