Trung Quốc tìm cách lấp khoảng trống Mỹ để lại ở WHO

Phát biểu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới ở Thụy Sĩ tuần trước, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung tuyên bố nước này cam kết tài trợ 500 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong 5 năm tới.
"Thế giới đang phải đối mặt với tác động của chủ nghĩa đơn phương và chính trị quyền lực, mang đến những thách thức lớn cho an ninh y tế toàn cầu. Trung Quốc tin tưởng rằng chỉ với sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, chúng ta mới có thể tạo ra một thế giới khỏe mạnh", ông Lưu nói.
Thông báo tài trợ được Trung Quốc đưa ra cùng ngày Bộ trưởng Y tế Mỹ Robert F. Kennedy Jr. cho rằng WHO coi việc Mỹ rút khỏi tổ chức này như "lời cảnh tỉnh". Ông nói WHO đang "hấp hối, sa lầy trong bộ máy quan liêu phình to, tư duy lạc hậu, xung đột lợi ích và ảnh hưởng chính trị quốc tế", đồng thời kêu gọi các nước làm theo Mỹ.
Mỹ rút khỏi WHO theo sắc lệnh được Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 1, với lý do cơ quan y tế Liên Hợp Quốc này đã "ứng phó sai lầm với Covid-19" và "không thông qua các cải cách cần thiết" để xử lý đại dịch. Theo ông, các quốc gia thành viên khác cũng đóng góp cho tổ chức không tương xứng với Mỹ.
Theo thống kê của trang Statista, Mỹ đã quyên góp khoảng 1,28 tỷ USD cho ngân sách của WHO giai đoạn 2022-2023, gồm 218 triệu USD nghĩa vụ đóng góp, 1,02 tỷ USD đóng góp tự nguyện và 47 triệu USD đóng góp cho các quỹ dự phòng trong trường hợp khẩn cấp. Trung Quốc đóng góp 157 triệu USD trong cùng giai đoạn, trong đó có 115 triệu USD là nghĩa vụ tài chính với tổ chức.
Giới quan sát cho rằng cam kết quyên góp mới nhất sẽ biến Trung Quốc thành một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho WHO, được coi là ví dụ rõ ràng nhất cho nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lấp khoảng trống lãnh đạo toàn cầu mà Washington để lại, khi chính quyền Tổng thống Trump theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Zhao Minghao, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho rằng Trung Quốc đang được trao những cơ hội mới về ngoại giao, khi Mỹ rút khỏi các tổ chức quốc tế dưới thời ông Trump.
Giáo sư này cho biết trong những năm qua, Trung Quốc đã cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng tại các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc. Trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc là nước đóng góp nhiều nhất cho lực lượng gìn giữ hòa bình. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân gần đây cho hay nước này sẽ đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động này trong tương lai.
Với các cam kết trên, Trung Quốc kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, theo giáo sư Zhao.
Trong khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết đối với thỏa thuận này và tăng cường đầu tư vào hạ tầng năng lượng xanh ở Đông Nam Á cùng các khu vực khác. Trung Quốc hiện sản xuất hơn 60% ôtô điện trên thế giới và 80% pin cung cấp năng lượng cho chúng.
"Trung Quốc đang cố gắng hoạt động tích cực hơn ở những lĩnh vực họ có lợi thế", Zhao nói.
Các nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc tăng cường đóng góp cho WHO, bù đắp khoảng trống Mỹ để lại, cũng có thể giúp Bắc Kinh đối phó với những lời chỉ trích lâu nay của Washington về cách họ từng ứng phó với đại dịch Covid-19.
"Thật đáng kinh ngạc khi một quốc gia tuyên bố rời khỏi WHO như Mỹ lại công kích một quốc gia khác đang tăng cường đầu tư cho tổ chức này", một phát ngôn viên của phái đoàn Trung Quốc tại Geneva cho biết ngày 20/5.
Thùy Lâm (Theo Reuters, Washington Post)