Nhảy đến nội dung
 

Trở về với Việt Nam

Nửa thế kỷ đã qua. Những người Mỹ trở lại Việt Nam và những người Việt trở về với quê hương, nguồn cội. Cùng mở ra những trang mới tươi sáng hơn cho Việt Nam.

Cách đây 50 năm, chiến dịch Không vận Trẻ em (Operation Babylift) của Mỹ đã đưa hàng ngàn trẻ em Việt Nam sang Mỹ và nhiều quốc gia khác. Những đứa trẻ Việt Nam này được nhận nuôi bởi các gia đình trên khắp thế giới.

Tháng Tư này, đất Mẹ lại chào đón sự trở về của những người con nuôi gốc Việt. Chỉ khác là năm nay số lượng đông hơn, lên đến hàng trăm người.

Nữ luật sư Linh Tara (53 tuổi, người Mỹ gốc Việt) - đang hỗ trợ phát triển, quản lý và thực hiện các chương trình phúc lợi trẻ em, thanh thiếu niên cùng gia đình cho một sở dịch vụ xã hội tại New York - trở về Việt Nam lần thứ ba. "Lần nào cũng đặc biệt và lần này đặc biệt hơn cả", chị Linh Tara cười nói.

Sau khi họp mặt cùng các con nuôi tại TP.HCM, chị Linh bay ra Huế, mở đầu cho hành trình du lịch thăm Việt Nam. "Sau 10 năm trở lại, Huế vẫn mát mẻ và yên bình. Thật tuyệt vời khi được trở về nơi tôi sinh ra, "nhà" của mình. Là một người con nuôi gốc Việt, tôi thấy mình có nhiều hơn một "ngôi nhà".

Các ngôi nhà của tôi đều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc theo những cách khác nhau, và đều có ý nghĩa như nhau. Dịp này tôi cũng thăm Đà Nẵng, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc để chạm được sâu hơn vào Việt Nam tươi đẹp", chị Linh hào hứng chia sẻ.

Thú vị nhất với chị Linh ở lần trở về này là chị cảm thấy can đảm hơn, tò mò hơn và luôn tự tin "Tôi là người Việt Nam" mỗi khi bước chân ra đường, thay vì rụt rè, e dè như 24 năm trước, nhất là lúc có nhiều người phóng theo vì trông chị giống "Mỹ đen".

"Hôm dạo quanh công viên đối diện khách sạn New World, một người Việt trung niên đã hỏi tôi "Bạn đến từ đâu?". Lần đầu tiên tôi tự tin đáp: "Tôi đến từ… Việt Nam". Người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên, mỉm cười nhìn tôi" - chị kể.

Tương tự chị Linh, anh Ralf Lofstad - 51 tuổi, một nhà báo người Na Uy gốc Việt - cho biết việc anh sinh ra ở Việt Nam mang lại cho anh cảm giác thân thuộc và gắn bó với đất nước này. "Đây là một chuyện rất cảm động.

Ở Na Uy và các nước phương Tây khác, tôi nổi bật giữa đám đông vì không phải là người da trắng. Điều này đôi khi khiến tôi cảm thấy mình hơi lạc lõng dù tôi có cuộc sống tốt đẹp, nhiều bạn bè tốt và một sự nghiệp tuyệt vời.

Bên trong tôi là người Na Uy/châu Âu, nhưng bên ngoài lại là người châu Á/Việt Nam. Vì vậy, khi về lại đất Mẹ, tôi cảm thấy thoải mái vì có thể hòa nhập với người dân địa phương. Một cảm giác thật dễ chịu", anh nói.

Để chuẩn bị cho hành trình khám phá Việt Nam lâu dài, Ralf đã đưa ra một quyết định táo bạo là nghỉ việc tại tờ báo, chuyển sang chế độ cộng tác để được thoải mái về thời gian hơn. "Vừa đến Việt Nam thì tôi bay sang Thái Lan để đi đưa tin về ảnh hưởng của trận động đất từ Myanmar.

Một chuyến trở về đáng nhớ, có ý nghĩa rất lớn với tôi không chỉ vì được gặp gỡ những người con nuôi gốc Việt khác, những người có cùng hoàn cảnh với tôi và hiểu được ý nghĩa của việc được nhận nuôi sau 50 năm rời khỏi đất nước", anh Ralf tâm sự.

Khi đến Việt Nam vào năm 2007, theo một chương trình đào tạo báo chí, Ralf phát hiện ra rằng anh thật sự thích ở lại quê hương - một điều mà anh chưa từng lường trước chuyến đi.

"Tôi cũng nhận ra rằng có một cơ hội nhỏ để tôi có thể tìm thấy cha mẹ ruột của mình. Và tôi đã quyết định sắp xếp mọi thứ liên quan cuộc đời mình để không chỉ trở về mà còn có thể ở lại lâu dài. Điều tôi thích nhất khi về Việt Nam là được ở đây - biết rằng tôi sinh ra ở đây, và cảm nhận được sự kết nối với đất nước và con người quê mình.

Tôi thích đi bộ, hít thở những mùi hương khác nhau, ngắm nhìn mọi người và dòng xe cộ đông đúc, nếm những món ăn ngon, trò chuyện và làm quen với người dân địa phương, ngắm thiên nhiên hùng vĩ với những ngọn núi và bãi biển tuyệt đẹp" - anh chia sẻ.

50 năm ngày trở về, những người con nuôi quốc tế - những người có cùng hoàn cảnh, số phận và tìm kiếm gia đình ruột thịt đã thất lạc nửa thế kỷ - đã có những cuộc hẹn gặp nhau. Bên cạnh đó, nhiều người dành thời gian để trải nghiệm nhiều điểm du lịch danh tiếng.

Chị Sandie Lafon (người Pháp gốc Việt) cho biết lần trở về này chị đưa chồng là anh Jean Michel Lafon và hai con trai là Oscar Lafon (9 tuổi), Arthur (13 tuổi) về. "Tôi rất vui khi được thăm lại đất Mẹ và hội ngộ cùng anh chị em con nuôi khắp thế giới, những đứa trẻ mồ côi giống tôi", chị chia sẻ.

Chị cho biết gia đình chị dành 4 tuần ở Việt Nam, đồng thời giúp các con có thể tìm hiểu, khám phá về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam - nơi mà chị luôn là một phần.

Còn anh Dominic Golding (50 tuổi, người Úc gốc Việt) kể dù đã bốn lần về Việt Nam nhưng phải đến lần thứ năm anh mới có thể đưa vợ về cùng, dù các bộ phận trên người của chàng nghệ sĩ tài hoa xứ sở kangaroo cử động không mấy dễ dàng do di chứng mà áp lực của quả bom 50 năm trước để lại khiến anh mất đi một phần thính giác và liệt não.


"Vui vì có thể giới thiệu với vợ là Việt Nam quê hương ta đẹp lắm" - Dominic cười sung sướng, dù đầu anh ngoẹo qua ngoẹo lại đầy khó nhọc và anh luôn phải cố gồng lên để diễn đạt câu chữ theo ý mình. Mãn nguyện nhìn chồng với ánh mắt đầy trìu mến, tiến sĩ Karen Schamberger cho biết chị rất yêu thích chuyến đi Việt Nam đầu tiên này.

Trong dòng chảy cảm xúc khi được trở lại sau 50 năm xa cách, vợ chồng chàng thạc sĩ nghệ thuật kiêm biên kịch và đạo diễn tài năng của Úc ôn lại những kỷ niệm thú vị khi đi về Đồng bằng sông Cửu Long và hăm hở chờ đón chuyến du lịch tiếp theo ra miền Trung, miền Bắc.

Tương tự, anh Jim Ducas Hoàng Thanh Tùng (54 tuổi, người Mỹ gốc Việt) ngoài việc hội ngộ Babylift và tìm kiếm cha mẹ ruột, anh đã có một hành trình đáng nhớ khi dành hơn 2 tuần để trải nghiệm du lịch Việt Nam.

"Việt Nam đẹp lắm. Lần trở lại thứ năm này, ngoài TP.HCM sôi động, tôi còn dành thời gian để đi thăm lại Vũng Tàu, nơi tôi sinh ra, đồng thời khám phá Long An, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc. Cảm giác thật tuyệt vời khi chinh phục đỉnh núi Ngũ Hành Sơn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bà Nà Hills, của cầu Rồng, trải nghiệm chợ đêm Đà Nẵng nhộn nhịp...

Một hành trình gần như là trọn vẹn, khi nhờ sự giúp đỡ của mọi người ở Việt Nam, tôi tìm kiếm lại được người thân. Dù chưa có kết quả DNA nhưng đó vẫn là một điều tuyệt diệu", anh Jim chia sẻ.

Cùng khám phá Phú Quốc với Jim Ducas là anh Kevin Maes (50 tuổi, người Mỹ gốc Việt). Trong lần trở về thứ 10 này, Kevin cho biết anh đưa cả vợ là chị Karin Ofir cùng hai con là Mila Ofir-Maes (9 tuổi) và Rafael Ofir-Maes (6 tuổi) về để có thể cùng anh hiểu thêm về đất Mẹ.

"Đây là lần đầu tiên hai con của tôi được về Việt Nam. Gia đình tôi hạnh phúc vì đã làm được điều này. Năm 2019, khi Rafael được vài tháng tuổi, chúng tôi lên kế hoạch trở về nhưng chẳng may dịch COVID-19 bùng phát. Và may mắn là giờ phút này, chúng tôi đã được có mặt ở đây, được trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, du lịch Việt Nam. Trên cả tuyệt vời", anh Kevin trải lòng.

"Bên cạnh việc gặp gỡ những người con nuôi khác để chia sẻ trải nghiệm sống, ẩm thực, đời sống và du lịch Việt Nam là điểm nhấn của chuyến trở về này. Việc kết nối với những người con nuôi cùng đến từ trại trẻ mồ côi Providence của tôi ở thời khắc 50 năm sau đã không thể diễn tả thành lời. Chúng tôi sẽ mãi mãi gắn kết" - anh Steve George nói lời tạm biệt đất Mẹ trong sự vui mừng đầy xúc động, trước khi bay về Mỹ.


Sau ngày 30-4-1975 và xuyên suốt dòng chảy lịch sử, nhiều người Việt đã di cư đến nhiều miền đất trên khắp thế giới. Trên hành trình trưởng thành, thế hệ trẻ gốc Việt - con cháu của những người rời quê hương năm nào - không khỏi trăn trở về gốc gác và khao khát được hiểu rõ về “phần Việt Nam” trong chính mình.

Không ít người trong số họ đã lựa chọn trở về quê hương để tìm kiếm câu trả lời cho những băn khoăn ấy. Nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện 30-4, Tuổi Trẻ giới thiệu một số gương mặt trẻ sinh ra ở nước ngoài đang đi tìm nguồn cội ở Việt Nam.

"Dù sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tôi được nuôi nấng bằng giá trị và truyền thống Việt Nam. Nhờ đó tôi vẫn kết nối được với cội nguồn dù ở rất xa quê nhà". Đó là tâm sự của Đinh Thanh Tâm (Tâm Đinh), 35 tuổi, trụ cột bền bỉ của đội tuyển bóng rổ nam Việt Nam suốt nhiều năm qua.

Ký ức thời thơ ấu của Tâm gắn liền với những câu chuyện Việt Nam qua lời kể của gia đình. Qua những câu chuyện, hình ảnh Việt Nam với lịch sử hào hùng, con người kiên cường và vô vàn danh lam thắng cảnh bắt đầu hiện lên trong Tâm.

Tuyển thủ bóng rổ quốc gia kể lại: "Ban đầu Việt Nam với tôi là một vùng đất xa xôi chỉ tồn tại trong những câu chuyện và tách bạch hoàn toàn với cuộc sống. Lớn hơn một chút, tôi bắt đầu cảm thấy sự kết nối mạnh mẽ hơn với quê hương qua những giá trị văn hóa, ẩm thực và ngôn ngữ.

Lần trở về Việt Nam đầu tiên đã thay đổi cái nhìn của tôi. Tôi được thấy sức sống năng động của đất nước và nhận ra di sản Việt Nam là một phần không thể thiếu trong tôi".

Năm 2016, khi Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) tổ chức mùa đầu tiên, Tâm Đinh đã cùng người em Thanh Sang (Sang Đinh) về nước thi đấu cho đội Cantho Catfish. Chỉ một năm sau, năm 2017, anh nhận cuốn hộ chiếu Việt Nam và được triệu tập lên đội tuyển bóng rổ quốc gia thi đấu tại SEA Games 29 ở Malaysia. Những quyết định trên đã "đổi đời" chàng Việt kiều.


Tâm chia sẻ: "Khi về Việt Nam, tôi bị choáng ngợp bởi sự thân thuộc và cảm giác mục đích nơi này mang lại. Tôi nhận ra trái tim tôi nằm ở đây và sứ mệnh của tôi là giúp phát triển nền bóng rổ Việt Nam. Khi đó tôi nhận ra mình muốn trở thành công dân Việt Nam thực thụ. Việc nhập tịch là cam kết toàn tâm toàn ý của tôi với cội nguồn và hành trình nâng tầm bóng rổ Việt Nam trên trường quốc tế".

Trong gần 8 năm chinh chiến cho màu cờ sắc áo quê hương, Tâm đã cùng các đồng đội gặt hái nhiều thành tích quan trọng, bao gồm huy chương bạc thể thức 3x3 tại SEA Games 31 (Việt Nam), huy chương đồng thể thức 5x5 truyền thống và 3x3 tại SEA Games 30 (Philippines). Cuối tháng 3-2025, anh đã đại diện Việt Nam tham gia giải FIBA 3x3 Asia Cup 2025.

Trải qua nhiều thăng trầm cùng đội tuyển, Tâm vẫn nhớ nguyên cảm xúc tự hào trong lần đầu thi đấu cho Việt Nam. Anh bộc bạch: "Khi đó tôi thấy cực kỳ vinh dự và trách nhiệm. Lần đầu bước lên sân bóng với màu cờ sắc áo Việt Nam rất siêu thực. Tôi cảm thấy mình mang theo hy vọng không chỉ của đồng đội mà còn cả dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đó như giấc mơ thành hiện thực".

Ngay cả bây giờ, cảm xúc tự hào vẫn trào dâng mỗi lần Tâm ra sân cho đội tuyển. Đối với anh, đam mê khi thi đấu đại diện quê hương không bao giờ phai nhạt. Ở tuổi 35, Tâm Đinh vẫn ấp ủ hoài bão tiếp tục đóng góp cho bóng rổ Việt Nam cả trong nước và trên quốc tế.

Nhìn lại hành trình trở về quê hương, Tâm khẳng định còn rất nhiều người trẻ gốc Việt cảm thấy gắn bó chặt chẽ với quê hương. Sự nổi lên của mạng xã hội, văn hóa đương đại Việt Nam và cơ hội về nước làm việc đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết thế hệ trẻ với cội nguồn. Đặc biệt, các chương trình trao đổi văn hóa, cơ hội sự nghiệp và thể thao có thể là cầu nối giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài và quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở phía tây nam nước Đức trong một gia đình có cha mẹ là những người Việt Nam đã di cư từ Sài Gòn vào cuối thập niên 1970, sợi dây nối liền Yasmin Hạ Vy Lê với quê hương chính là tiếng Việt.

Ngôn ngữ đầu đời vang lên qua những lời hát thiếu nhi, những cuộc trò chuyện ấm áp trong gia đình và những buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt xa xứ. Mỗi cuối tuần, Hạ Vy được bố mẹ đưa đi học tiếng Việt tại một ngôi trường Việt Nam.

Những ký ức đầu tiên của cô về Việt Nam gắn liền với chuyến thăm quê ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi chứa đựng tuổi thơ của cha cô. "Họ sống gần một con sông lớn và bạn có thể nhìn thấy những con thuyền đi qua. Bạn có thể thấy những người nông dân, những khu chợ nổi, những con gà và vịt rất dễ thương", cô hồi tưởng về chuyến đi thuở thơ ấu.

Sau khi hoàn thành chương trình đại học tại Đức, Hạ Vy đến Brussels (Bỉ) để làm cố vấn chính sách tại Nghị viện châu Âu, rồi tiếp tục lấy bằng thạc sĩ về quản trị công ở London (Anh). Cô sau đó gia nhập Ngân hàng Phát triển châu Âu (EBRD), nơi cô có cơ hội làm việc và dần hướng sự quan tâm vào lĩnh vực tài chính bền vững. Sau 5 năm ở London, Hạ Vy quyết định chuyển đến Singapore để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này.

Nhưng Hạ Vy bộc bạch lý do thực sự thôi thúc cô chuyển về châu Á làm việc là để được gần gũi hơn và kết nối với nguồn cội. "Tôi luôn ấp ủ mong muốn được sống và làm việc tại châu Á một thời gian để tự mình trải nghiệm quê hương của cha mẹ. Tôi nghĩ rằng đó là điều rất quan trọng để giúp tôi hiểu về bản thân và gốc gác của mình. Ngoài ra trải nghiệm sự đổi mới và phát triển nhanh chóng ở châu Á, đặc biệt khi nhìn từ góc độ phương Tây, cũng là một động lực lớn đối với tôi", cô gái gốc Việt hiện 29 tuổi chia sẻ.

Trong thời gian ở đảo quốc sư tử, Hạ Vy tham gia một tổ chức thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Singapore. "Trải nghiệm này rất thú vị, vì tôi cảm thấy mình vừa là người Việt Nam nhưng cũng như một người quan sát, bởi tôi không lớn lên ở Singapore hay Việt Nam", cô kể.

Nghĩ về hai tiếng "Việt Nam", Hạ Vy có những cảm xúc đan xen. Đó là sự thân thuộc vì Việt Nam là một phần di sản, một nửa còn lại trong cô, nhưng Việt Nam cũng có đôi phần lạ lẫm vì cô không trưởng thành ở mảnh đất này.

"Tôi biết rằng trong tương lai, Việt Nam là nơi mà tôi muốn khám phá nhiều hơn, hiểu rõ hơn. Đất nước này gợi lên trong tôi cảm giác của sự phiêu lưu và tự khám phá, vì nó gắn liền với lịch sử của gia đình tôi, và vì vậy cũng là một phần trong bản sắc của tôi", Yasmin tâm sự.

Cô nhận thấy rằng ngày càng có nhiều người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam, dù trong thời gian ngắn hay dài, để đóng góp cho quê hương. Để những người trẻ như cô kết nối sâu hơn với Việt Nam, Hạ Vy mong rằng các tổ chức liên quan có thể hợp tác để xây dựng thêm những chương trình gắn kết ý nghĩa.

Bản thân cô cũng đang nỗ lực nâng cao khả năng đọc và viết tiếng Việt. Với niềm yêu thích khoa học chính trị, cô cũng quan tâm tìm hiểu lịch sử và những nhà tư tưởng lớn của Việt Nam.

Trong những lần trở lại Việt Nam, Hạ Vy đã đặt chân đến nhiều vùng đất như Hà Nội, Điện Biên, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Mũi Né và Vũng Tàu. Cô ấn tượng trước sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và hy vọng rằng trong tương lai, mình sẽ có cơ hội tham gia các dự án hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch và phát triển bền vững.

"Trước khi học tiếng Việt, tôi không nghĩ mình là người Việt Nam", Nguyễn Đức Thành, 31 tuổi, kiều bào tại Ai Cập, chia sẻ với Tuổi Trẻ. Thành sinh ra tại Sóc Sơn (Hà Nội) trong một gia đình có đóng góp với cách mạng. Khi lên 5 tuổi, anh theo mẹ sang Hungary và sau đó đến định cư ở Cairo, Ai Cập.15 năm sinh sống và lớn lên trong nền văn hóa Ả Rập, Thành thừa nhận anh cảm thấy mình dường như đã "mất gốc".

Anh từng bén duyên với nghề diễn xuất nhờ ngoại hình đậm chất Việt, nhưng sâu thẳm bên trong, anh "cảm thấy tâm hồn mình lại là người Ai Cập".Năm 2017, Thành có cơ hội trở về tham gia Trại hè Việt Nam dành cho thanh thiếu niên kiều bào, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức.

Chuyến đi đã đưa anh đến nhiều địa danh từ TP.HCM đến mũi Cà Mau. Nhớ lại chuyến đi năm nào, Thành kể rằng anh không thể quên ấn tượng khi đến thăm địa đạo Củ Chi - nơi ghi dấu những khó khăn nhưng cũng là minh chứng hào hùng cho sức mạnh của ông cha trong thời kỳ chiến tranh gian khổ. Hiểu hơn về văn hóa và lịch sử hào hùng của dân tộc, anh như tìm lại được sợi dây kết nối với nguồn cội.

"Sau chuyến đi ấy, tôi bắt đầu có mong muốn được trở về Việt Nam để cống hiến cho quê hương, để tìm hiểu nguồn cội và học tiếng Việt", anh nói.Nghĩ là làm, Thành nghiêm túc học lại tiếng mẹ đẻ. Anh chia sẻ phương pháp hiệu quả nhất là chăm chỉ giao tiếp, kết nối với mọi người, vì phải trải nghiệm thực tế mới có thể cảm nhận, thấu hiểu hết ý nghĩa của những từ như "tự hào" và "tình yêu".

Anh cũng bộc bạch một trong những động lực học tiếng Việt là mong muốn được trò chuyện với ông bà, người thân và hơn hết là để hiểu hơn về mẹ, bởi lẽ ngôn ngữ đã trở thành bức tường vô hình giữa hai mẹ con, do mẹ anh không rành tiếng Ả Rập.Năm 2018, Thành quyết định quay lại Việt Nam và bắt đầu làm việc trong bộ phận quan hệ công chúng của Đại sứ quán Qatar tại Hà Nội.

5 năm sinh sống và làm việc ở quê hương, Thành có thêm nhiều cơ hội chu du đến nhiều vùng đất của Tổ quốc. Ngắm nhìn những cảnh đẹp nơi đây, anh càng thêm yêu Việt Nam, càng thấm thía sâu sắc sự hy sinh của ông cha để thế hệ tương lai được sống trong một đất nước hòa bình và phát triển.Giờ đây khi đang tiếp tục theo đuổi việc học thạc sĩ tại Sydney (Úc), Thành vẫn ấp ủ mong muốn một ngày nào đó có thể một lần nữa được trở về đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Là một người theo đạo Hồi, anh cũng hy vọng Việt Nam sẽ mở rộng hạ tầng Halal, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân Trung Đông đến thăm và làm việc tại đây."Việt Nam là nơi để trở về. Dù không lớn lên ở Việt Nam, nhưng 5 năm ở đây khiến tôi cảm nhận rằng đất nước này là nơi tôi thực sự thuộc về", Thành chia sẻ khi được hỏi hai tiếng "Việt Nam" có ý nghĩa như thế nào với anh.

Câu chuyện của Daniel Nguyễn Hoài Tiến (37 tuổi) bắt đầu rất lâu trước khi anh chào đời. Trước khi nước nhà thống nhất, ông nội anh là đại tá Việt Nam Cộng hòa, còn ba anh theo học tại một tu viện ở Đà Lạt. Năm 1975, ba anh vượt biên sang Mỹ. Ông nội đi học tập cải tạo 10 năm rồi cũng sang Mỹ đoàn tụ với gia đình.

Ba mẹ anh gặp nhau, kết hôn ở Mỹ. Anh và em gái sinh ra, lớn lên ở Quận Cam (bang California). Thời thơ ấu, anh ít khi được gia đình kể chuyện quê hương. Ý niệm về Việt Nam trong anh chung chung, mơ hồ và được định hình chủ yếu bởi phim ảnh Hollywood.

Phải đến những năm cấp 3, đầu đại học thì anh mới cảm thấy muốn tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam. Chính trong giai đoạn này, anh gặp một du học sinh đến từ Hà Nội và bắt đầu học tiếng Việt. Anh được người gia sư dạy cho ý nghĩa cái tên "Hoài Tiến" và nghe kể về nước Việt Nam hiện tại. Nhờ đó anh nhận ra cội nguồn mình không chỉ có chiến tranh mà còn có hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa.

Hiểu biết mới ấy thôi thúc anh đề xuất gia đình cho về thăm Việt Nam. Năm 2008, Hoài Tiến lần đầu đặt chân đến Việt Nam. Chuyến đi hai tuần đưa anh đến nhiều tỉnh thành, từ TP.HCM lên Đà Lạt rồi ra Hà Nội.

Ấn tượng đậm sâu nhất của chuyến đi là những giọt nước mắt từ đấng sinh thành. Mẹ anh khóc khi về thăm căn nhà cũ ở TP.HCM, ba anh cũng không kìm được nước mắt khi lần đầu tái ngộ với một người anh ở tu viện năm xưa.

"Những nơi ấy khiến ba mẹ rất xúc động, điều mình chưa gặp từ lúc nhỏ đến giờ. Khi đó mình thấy rõ rằng đất nước này có ý nghĩa rất lớn lao với ba mẹ, với gia đình và cả mình nữa", Hoài Tiến kể lại.

Ấn tượng sâu đậm ấy càng thôi thúc chàng thanh niên hướng về cội nguồn. Năm 2012, Tiến quay lại Việt Nam với tư cách thành viên đoàn tư vấn Mỹ về định hướng phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long. Chuyến đi này cùng nhiều lần trở lại Việt Nam sau đó đã mở đường cho quyết định chuyển hẳn về quê hương làm việc vào năm 2014.

"Quan hệ của mình với Việt Nam đã thay đổi. Nó không chỉ dựa trên cảm xúc trải qua với gia đình, không dừng ở Việt Nam trong hình ảnh của ba mẹ, mà mình đã có kết nối riêng với Việt Nam. Mình thấy mình có cơ hội để đóng góp một chút cho Việt Nam", chàng Việt kiều bộc bạch.

Ban đầu nghe về quyết định của con, gia đình anh không khỏi lo lắng. Và chính ông nội đã "mở đường" cho anh. Hoài Tiến kể lại: "Trong những ngày cuối đời, ông nội đã nói ba mẹ phải cho mình về Việt Nam tìm hiểu cội nguồn. Trước khi mất, ông nội kể rằng không có ngày nào ông không nhớ đến Đà Lạt. Ông nội là người giải thích cho mình tình cảm đối với quê hương rất lớn. Với ông nội, những thứ như chiến tranh có thể bỏ qua được".

Với hành trang đó, Hoài Tiến quay về Việt Nam làm trong lĩnh vực phát triển chuỗi giá trị nông sản của nông dân bản địa. Anh tự hào khi quyết tâm hồi hương của mình đã thôi thúc ba mẹ tự tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, gần gũi hơn với Việt Nam và thay đổi rất nhiều quan điểm về lịch sử.

Năm 2018, Daniel Hoài Tiến thành lập Sông Cái Distillery, với mặt hàng chủ lực là rượu gin làm từ nông sản thuần Việt. Sản phẩm của Sông Cái được đánh giá cao và nhanh chóng nhận sự đón nhận của thị trường trong và ngoài nước. Thương hiệu rượu gin Sông Cái từ nguyên liệu Việt thường xuyên "cháy hàng" tại các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Thụy Sĩ…

Thông qua Sông Cái, Hoài Tiến nung nấu khát khao xây dựng thương hiệu vững mạnh. Hoài Tiến chia sẻ qua những sản phẩm của Sông Cái, anh mong bạn bè quốc tế hiểu rằng Việt Nam là đất nước không chỉ có lịch sử phong phú mà còn cả điều kiện thiên nhiên ưu đãi.

Đặc biệt trong những sự kiện quảng bá sản phẩm ở nước ngoài, Sông Cái thường xuyên lồng ghép các hoạt động giới thiệu về văn hóa Việt Nam như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… Những hoạt động đó được bạn bè quốc tế hưởng ứng nhiệt tình.

Nhìn lại hành trình hơn 10 năm đóng góp cho Việt Nam, anh Tiến đúc kết: "Với mình, Mỹ là quê hương, còn Việt Nam là Tổ quốc. Người ta không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể chọn có nghĩa vụ với nơi nào đó".

Một buổi trưa cuối tuần nắng gắt, Richard Streitmatter-Tran đón chúng tôi vào căn studio nằm trong con hẻm ở quận 7, TP.HCM. Những bức tranh vẽ dang dở, một vài bức tượng thạch cao và hàng trăm quyển sách đủ mọi chủ đề - từ triết học, nghệ thuật, lịch sử… là những điều đầu tiên đập vào mắt bất cứ ai ghé thăm nơi đây.

"Bạn biết đó, tôi đã sống ở Việt Nam 22 năm rồi, nên số lượng sách cứ tăng dần. Do tính chất công việc của mình - là người làm nghệ thuật và cũng là một giảng viên - tôi cần các tài liệu này để tham khảo và xây dựng các khóa học. Tôi luôn giữ sách, tôi chưa bao giờ vứt đi cuốn nào, vì tôi luôn trân trọng chúng", Richard lý giải về những tủ sách cao đụng trần nhà, gần như đã chật kín chỗ.

Sinh ra ở Biên Hòa năm 1972, Richard có tên khai sinh là Trần Trọng Đạt. Chiến tranh loạn lạc, cậu bé lạc mất gia đình. Đạt vào trại trẻ mồ côi, rồi được một gia đình người Mỹ ở bang Massachusetts nhận nuôi, rời khỏi Việt Nam khi chỉ mới tám tháng tuổi, rồi lớn lên với cái tên mới: Richard Streitmatter-Tran.

Năm 2000, trường đại học của Richard tổ chức chuyến du học ngắn hạn và một trong những điểm đến là Việt Nam. Anh nộp đơn xin tham gia và may mắn nhận được một học bổng nhỏ. Đó là lần đầu tiên chàng trai người Mỹ gốc Việt quay về quê hương.

"Có điều gì đó ở TP.HCM khiến tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi nghĩ rằng mình có thể sống ở đây", anh nhớ lại. Thời điểm đó Richard tình cờ gặp một số sinh viên Việt Nam đang học nghệ thuật và thiết kế trong một học kỳ.

"Chúng tôi trở thành bạn bè và rồi tôi nghĩ: Mình còn hai năm nữa để hoàn thành chương trình học. Khi tốt nghiệp, mình cũng chưa có kế hoạch gì rõ ràng. Vậy tại sao không đến thăm họ trong sáu tháng, cùng nhau làm nghệ thuật và sau đó xem mình sẽ làm gì tiếp theo? - anh kể - Thế là tôi đến Việt Nam vào năm 2003. Và sáu tháng đó đã trở thành 22 năm liên tục sống ở đây. Tôi chưa từng rời đi".

Rời quê hương từ khi còn quá nhỏ, đã có những năm tháng Richard luôn tìm kiếm xem phần nào trong con người anh là một người Việt Nam. Anh biết rằng mình sinh ra ở đất nước hình chữ S, nhưng những ký ức xưa cũ gần như chỉ là trang giấy trắng. Ngày Richard quyết định quay lại Việt Nam sinh sống, người mẹ Mỹ đã nhận nuôi anh không ngăn cản. Bà đơn thuần chấp nhận - như hiểu được quy luật "lá rụng về cội".

"Cha tôi đã bỏ đi khi tôi còn rất nhỏ, vì vậy có thể nói tôi đã được một mình mẹ nuôi lớn. Bà luôn biết rằng tôi muốn rời khỏi nước Mỹ - nơi tôi đã lớn lên. Tôi muốn nhìn thấy thế giới ngoài kia, tiếp tục cuộc sống của mình. Tất nhiên như bất kỳ người mẹ nào, bà rất nhớ tôi, nhưng tôi nghĩ bà đã rất vui khi thấy tôi tìm về nguồn cội của mình. Bà biết rằng tôi thuộc về nơi này", Richard hồi tưởng.

Hai năm trước, mẹ anh qua đời. Trong khung trời kỷ niệm của Richard và mẹ, có những mảnh ghép nhỏ bé nhưng đẹp đẽ về đất nước hình chữ S. Đó là khi bà ghé thăm anh, vài năm sau khi Richard dọn về Việt Nam sinh sống. "Cảm giác đặt chân đến Việt Nam hơi lạ lẫm, nhưng tôi nghĩ mẹ thực sự rất thích. Tôi rất vui vì có thể đưa mẹ đến quê hương của mình", anh nói.

Những năm tháng sống tại Việt Nam, ngoài việc sáng tác tranh, tổ chức các buổi triển lãm trong vai trò là người làm nghệ thuật, Richard cũng theo đuổi công việc giảng dạy. Trong những tệp hồ sơ được anh lưu trữ có một quyển sổ mà Richard vô cùng trân quý, đó là những lời nhắn nhủ và cảm ơn mà các sinh viên của Đại học RMIT Việt Nam dành cho anh ngày anh rời trường, thôi không còn giảng dạy.

"Thầy ơi, đừng hút thuốc lá nữa nhé! Cảm ơn thầy vì tất cả những điều thầy đã làm cho chúng em. Thầy đã truyền cảm hứng để em học và theo đuổi nghệ thuật", những dòng chữ được viết nắn nót, kèm theo các bức tranh do sinh viên ngành thiết kế "phác họa" lại người thầy mình. "Và sau đó tôi thực sự đã ngừng hút thuốc", Richard cười.

Giờ đây Richard đang giữ vai trò giảng viên tại Đại học Fulbright. Anh nói chỉ vài năm nữa thôi, anh sẽ sống ở Việt Nam lâu hơn nửa cuộc đời mình. Và đó cũng là cách anh đã tìm được "một phần Việt Nam" trong con người mình.

"Tôi không có một khái niệm quá rạch ròi - thế nào là "thuần Mỹ" hay "thuần Việt Nam", nhưng tôi thấy có sự kết nối khi sống tại Việt Nam, dành toàn bộ sự nghiệp tại đây, và gia đình tôi cũng đang ở đây. Tôi đã tìm về Biên Hòa, gặp được một số họ hàng mà thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm. Đó là một phần của tôi", anh nói.

Với anh, nghệ thuật không chỉ là công việc mà còn là một triết lý. Nghệ thuật trở thành cách để anh giao tiếp với thế giới và với mọi người, thỏa được sự tò mò và ham học hỏi của bản thân. Niềm vui lớn nhất của Richard khi vẽ tranh là cảm giác hạnh phúc khi thấy mình đang tiến bộ. Và đam mê này cũng được anh trao truyền cho các thế hệ người trẻ Việt Nam trong vai trò là người đưa đò.

"Dạy học là công việc tuyệt vời và tôi tự hào về những thế hệ sinh viên mà mình đã giảng dạy. Tôi vui vì đã có mặt trong một phần cuộc đời họ, nhìn thấy nhiều người trong số đó thành tài, rồi họ lại tiếp tục quay về đóng góp cho xã hội. Tôi không chỉ trở về, tôi còn có thể đóng góp cho Việt Nam khi chọn con đường làm giảng viên", anh nói.

---------------------------------------------------------------------------------